"Thương lái Trung Quốc vỗ từng quả dưa, sao có thương mại bình đẳng?"
Ông Vương Đình Huệ: Hiện không có bình đẳng thương mại ở Tân Thanh, đây là nguồn gốc làm cho nông sản tươi của ta qua đây bị ách tắc.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đóng ý kiến đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, một trong những tồn tại bấy nay là nền nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn bình quân
Ông Lịch nêu một thực tế là nền nông nghiệp bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần. Ông cũng nêu một thực tế mà nhiều đại biểu trăn trở, đó là Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, chịu tác động thị trường.
“Gần đây người dân bỏ mọi thứ để đi trồng mắc ca. Quản lý Nhà nước gì mà cứ để người dân làm tự phát. Người nông dân đang chao đảo. Việc này rất nguy hiểm. Những vấn đề này phải đem ra mổ xẻ cụ thể và khuyến nghị cụ thể như thế nào đây” - ông Lịch nêu. Theo đại biểu: “Nguyên nhân là quá chậm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nếu không sửa được tận gốc thì nó xoay qua xoay lại hoài”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng thừa nhận: 4 tháng đầu năm 2015, kinh tế tăng trưởng được là nhờ công nghiệp, trong khi đó tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn bình quân.
Ông Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 25/5. |
Theo ông Vương Đình Huệ, trong quý I/2015, nông nghiệp chỉ tăng trưởng khoảng 2% (trước đây bình quân là 6 - 7.0%); xuất khẩu nông nghiệp cũng sụt giảm; đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Từ câu chuyện Bộ nọ, ngành kia phải đi bán hành tím, dưa hấu… rồi nông sản ách tắc ở cửa khẩu. Chúng tôi đã có đoàn khảo sát trên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thì thấy rằng, bài toán về phát triển nông nghiệp cần phải đánh giá, phân tích kỹ hơn, để có những định hướng, giải pháp căn cơ hơn” - đại biểu Vương Đình Huệ chia sẻ.
Đâu là giải pháp căn cơ cho nông nghiệp bền vững?
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 điểm mấu chốt cho vấn đề phát triển nông nghiệp, cũng như đi tìm lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ nhất, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tăng cường áp dụng công nghệ, tổ chức lại sản xuất… là chủ trương hết sức đúng đắn. Nhưng vấn đề triển khai trên thực tế như thế nào: từ cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, gia súc, các giải pháp về tổ chức sản xuất, công nghệ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cần phải phân tích kỹ.
“Nhiều người nói vấn đề dưa hấu, hành tím vừa rồi là do quy hoạch. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Ví dụ đất đai của bà con Quảng Nam có trồng gì khác ngoài dưa hấu đâu? Chúng tôi lên cửa khẩu thấy số lượng dưa hấu cả một năm chúng ta bán cho Trung Quốc chưa đáng bao nhiêu, mà thị trường Trung Quốc còn lớn lắm. Còn ách tắc là do vấn đề tổ chức trong một thời điểm nhất định nào đó” - đại biểu nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ dẫn lời nông dân trồng nhãn, vải cho biết, ở đây không có vấn đề về tiêu thụ vì thương lái đã tìm mua tận gốc, “định giá” cây tại chỗ từ khi mới ra hoa; phân loại rất rõ ràng, đóng gói cẩn thận; đưa lên xe là vận chuyển cho thương lái Trung Quốc tập kết bên kia. Thanh long Ninh Thuận chở ra rất nhiều nhưng không ùn tắc mấy, tại vì khi thu hoạch đã được phân loại tại vườn, xếp loại cẩn thận và có thể đưa ra tiêu thụ ngay. Dưa hấu thì ngược lại, khối lượng vận tải rất lớn, giá trị thì cực nhỏ.
Dưa hấu khi chở sang bên chợ của Trung Quốc thì thương lái “vỗ từng quả một để chọn”. Mỗi ngày năng lực thông quan khoảng 300 xe, nhưng nếu ngày nào lên khoảng 600, 1.000, thậm chí có ngày lên đến 1.200 xe thì dẫn đến ách tắc. Cho nên đây không chỉ là vấn đề sản xuất mà còn thu hoạch, bảo quản, vận tải, chế biến sơ bộ… “Tôi nghĩ những cái này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đây là bài toán về tái cơ cấu nền kinh tế” - ông Huệ nói.
Vấn đề thứ hai mà Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra là vấn đề liên kết. Thường chúng ta vẫn nói đến “4 nhà”. Ở đây có vấn đề hết sức lưu ý đó là liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nếu chỗ nào có doanh nghiệp chống lưng thì việc tiêu thụ ổn hơn, điển hình như mô hình Cánh đồng mẫu lớn gắn với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, điều đó tạo nên sự phát triển bền vững. Do đó, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho tam nông, liên kết gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, trong số các HTX nông nghiệp hiện nay có đến hơn 67% là “sản phẩm” của các HTX kiểu cũ, chưa chuyển sang được HTX kiểu mới. Việc chưa chuyển được một phần do vấn đề tài chính, nợ đọng. Nếu không có kiểm kê nợ đọng để chuyển sang HTX kiểu mới thì sẽ còn rất khó khăn trong tái cơ cấu.
Thứ ba, đại biểu Vương Đình Huệ đề nghị có nhiều giải pháp tốt hơn thực hiện chính sách thương mại biên giới. “Vừa rồi trong tiêu thụ nông sản tiểu ngạch thì vướng ở chỗ này. Vướng nhất là vấn đề bình đẳng thương mại biên giới. Ta gọi cửa khẩu Tân Thanh là cửa khẩu chính, Trung Quốc gọi là “cặp chợ” - tức là bên bạn một chợ, bên mình một chợ. Mà hiện nay không có bình đẳng thương mại ở Tân Thanh, đây là nguồn gốc làm cho tất cả nông sản tươi của ta qua đây bị ách tắc.
Trung Quốc quy định tất cả các sản phẩm đều phải đi qua cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu khác không cho đi. Thế thì làm sao có bình đẳng thương mại được, trong khi bên kia có chợ mà ta thì không? Cứ hình dung sản phẩm của ta chở sang bán cho Trung Quốc mà lại phải sang bên đất họ để thương lái vỗ từng quả dưa thì làm sao có bình đẳng thương mại được?” - ông Vương Đình Huệ phân tích, đồng thời đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư hạ tầng của các cửa khẩu như xây dựng nhà xưởng, khu vực bảo quản, bãi đỗ xe… thì câu chuyện ách tắc nông sản sẽ được giải quyết./.
Theo Vov.vn