Nguyễn Đức Kiên tị với nhiều công ty

02/12/2014 15:12

Nguyễn Đức Kiên xin HĐXX 3 tiếng để trình bày kháng cáo để "có đầu, có đuôi", cho rằng nhiều công ty cũng đầu tư như bị cáo nhưng không bị xử lý.

Sáng 2/12, Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục bị thẩm vấn về hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế. Trước khi vào phần thẩm vấn, chủ toạ hỏi sức khoẻ của các bị cáo, đặc biệt là Phạm Trung Cang, Nguyễn Đức Kiên.

Đầu phiên xử, bị cáo Kiên tiếp tục xin trình bày nội dung kháng cáo, cho rằng hôm qua chưa được trình bày "có đầu có đuôi" nên muốn HĐXX dành cho 3 tiếng đồng hồ để nói. HĐXX ngay lập tức ngắt lời, cho hay bị cáo có thể trình bày đầy đủ tại phần tranh luận. Còn tại phần thẩm vấn này, bị cáo cần tập trung trả lời trọng tâm các câu hỏi của HĐXX.

Ngừng ít giây, đứng trước vàng móng ngựa, bị cáo Kiên cầm tập hồ sơ dày tiếp tục đứng đọc và liên tục bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng trình bày rườm rà, mang tính quy chụp.

TIN LIÊN QUAN

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Bị cáo Kiên khai trong 6 công ty do mình lập và bị quy kết thông qua đây để kinh doanh trái phép, bị cáo chỉ đại diện theo pháp luật có 5, riêng Công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung (đã mất) phụ trách.

Bị cáo khai 5 công ty trên thành lập đúng pháp luật, được Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh cấp giấy phép. Các công ty này kinh doanh nhiều ngành nghề, điều chỉnh từng thời điểm theo nhu cầu của thị trường. “Tôi có quyền lúc này kinh doanh cái gì, lúc khác đầu tư cái khác”, bị cáo nói.

Bị cáo khai không đồng ý việc cấp sơ thẩm quy kết mình kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu. "Đầu tư cổ phần, cổ phiếu không phải là ngành nghề kinh doanh. Kinh doanh phải đảm bảo 3 yếu tố (sinh lợi, đầu tư liên tục…)", Kiên nói.

Bị cáo cho rằng nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh như vậy nhưng vì sao 5 công ty trên bị quy kết vi phạm pháp luật. Thiên Nam hoạt động trên quy mô rộng, liên doanh với hai tập đoàn lớn nhưng chưa cơ quan chức năng nào yêu cầu bổ sung mã ngành kinh doanh dịch vụ tài chính. Chừng 10 phút trình bày, bị cáo xin được ngồi để đọc tài liệu kháng án

Theo bị cáo Kiên, Thiên Nam có đăng ký mua bán hàng hoá và "vàng đương nhiên là hàng hoá". Bị cáo không đổi giấy phép kinh doanh vì Thiên Nam không kinh doanh vàng trong phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 174, 1168 của Ngân hàng Nhà nước. Nói đến đây, bị cáo Kiên ngừng 10 giây để uống thuốc.

Trước đó chiều qua, về câu hỏi của VKS rằng doanh nghiệp khi hoạt động phải có giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép?, đại diện Cục quản lý đăng ký kinh doanh không trả lời thẳng, cho rằng tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi đơn vị thì giấy đăng ký kinh doanh cũng là giấy phép. "Kinh doanh trạng thái vàng đã có mã ngành quy định ở công văn 6320", vị này nói.

Theo cáo buộc, tính từ 30/11/2009 đến 30/7/2010, thông qua 6 công ty, bị cáo Kiên đã tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng tài khoản với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng. Trong số này Thiên Nam đã kinh doanh trái phép khi mua bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài hơn 462.000 ounce, trị giá gần 10.000 tỷ đồng.

Theo VnExpress