Hợp tác mở rộng vùng cam

26/10/2014 11:17

(Baonghean) - Sản phẩm cam Con Cuông đã khẳng định “thương hiệu” đối với người tiêu dùng, dù được bán với giá cao, nhưng sản lượng hàng năm vẫn “cung không đủ cầu”. Vì vậy, người dân đã liên kết với nhau để trồng phát triển cây cam nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ trung tuần tháng 10, cam Con Cuông đã bắt đầu cho thu hoạch, giá bán cam thời điểm này là 30 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ của năm trước là được giá. Theo người trồng cam, năm nay cam sai quả và ít bị rụng. Ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Mặc dù đề án trồng cam của huyện Con Cuông kết thúc từ năm 2010, nhưng huyện vẫn tiếp tục có chính sách hỗ trợ người trồng cam với mục đích khai thác tiềm năng đất đai, hướng đến phát triển vùng cam Yên Khê theo quy mô hàng hóa lớn hơn. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ cây giống của huyện, các hộ dân còn hợp tác, liên danh với nhau theo nhiều cách để trồng cam. Hộ có vốn hợp tác với hộ có đất để đầu tư trồng cam; hộ có đất chịu trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cam, khi thu hoạch giá trị sản phẩm chia đôi. Cách khác, sau khi trồng được 3 - 4 năm, chia đôi diện tích cam, chủ đất có trách nhiệm bảo vệ chung, phía hộ đầu tư chịu khâu kỹ thuật. Cách nữa, hộ có đất cho thuê hết một chu kỳ cam (15 năm) lấy tiền một lần. Trong đó, 2 cách trước là phổ biến, còn cách thứ 3 chỉ ở một số ít hộ có đất nhưng già yếu, không còn sức lao động. Hiện nay, cam Con Cuông có 139 ha, trong đó hơn 41 ha đã cho thu hoạch, số còn lại đang giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trong những năm gần đây, diện tích trồng cam phát triển mạnh, mỗi năm tăng từ 30 - 40 ha.

Vườn cam của gia đình ông Tăng Ngọc Sơn ở bản Pha, xã Yên Khê (huyện Con Cuông).
Vườn cam của gia đình ông Tăng Ngọc Sơn ở bản Pha, xã Yên Khê (huyện Con Cuông).

Tại xã Yên Khê, có khoảng 25ha đang được bà con đầu tư để trồng cam. Lãnh đạo xã cho biết, thông qua hợp tác, liên danh giữa các hộ với nhau, nên diện tích cam của địa phương tăng mạnh trong những năm vừa qua. Trước đây, có những gia đình có diện tích đất đồi thấp nhiều, nhưng do kinh tế eo hẹp, không có điều kiện để đầu tư trồng cam (trồng cam đòi hỏi đầu tư lớn, 1 ha ít nhất 30 triệu đồng, sau 4 năm chăm sóc mới cho thu hoạch), đành bỏ đất hoang, hoặc trồng các loại cây màu, hiệu quả kinh tế thấp, vì không chủ động được nước tưới. Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê đưa tôi đến vùng Tung Cồng của bản Pha, nơi có nhiều vườn cam được trồng theo hình thức hợp tác với nhau. Tung Cồng được bao bọc bởi những lèn đá, ở giữa là những đồi thấp, thoải, đất sâu màu. Theo kinh nghiệm của người trồng cam, vùng đất nào gần núi lèn thì cam mới ngon.

Tại vườn cam 4 năm tuổi của 2 ông Tăng Ngọc Sơn và Phùng Ngọc Bích, cây nào cũng sum suê sai quả. Vườn cam của 2 anh rộng 2 ha, thuê đất của gia đình ông bà Lương Văn Tế và Lô Thị Dần, ở cùng bản, với giá 40 triệu đồng trong vòng 15 năm (lấy tiền 1 lần). Vợ chồng ông Tế già yếu, nên những năm trước thường để đất hoang, hoặc trồng một ít ngô, hiệu quả kinh tế thấp. Có đất, anh Sơn và anh Ngọc trồng 1 ha cam (giống cam Vân Du và Sông Con) vào năm 2010, được huyện hỗ trợ 4 nghìn đồng/cây giống và tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cam. 1 ha còn lại mới trồng cách đây 2 năm, phát triển tốt. Anh Sơn cho biết: 1 ha cam trồng cách đây 4 năm, đã cho thu hoạch vụ thứ 2, năm ngoái bán được 70 triệu đồng, vừa đủ vốn đầu tư chăm sóc, dự kiến năm nay thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Cách chăm sóc cam của anh Sơn khá công phu, mua phân chuồng về ủ với vỏ, cùi ngô, đến lúc hoai, trộn với phân NPK bón vào gốc cam, vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cam. Để đảm bảo nước tưới, anh còn đầu tư khoan giếng, mua thiết bị, đều đặn tưới cho cam mỗi tuần 2 lần.

Còn vườn cam 1 năm tuổi của anh Nguyễn Như Quang, là đất của gia đình anh Lương Văn Xoan, ở bản Pha. Anh Xoan cho anh Quang đầu tư trồng 1 ha cam, với hình thức, chủ đất có công chăm sóc, bên thuê bỏ vốn, khi cam 4 năm tuổi thì chia đôi diện tích cam, nhưng chủ đất vẫn còn trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cả vườn cam theo hướng dẫn của chủ đầu tư. Theo quan sát của chúng tôi, các gốc cam được dọn sạch cỏ, có hệ thống tưới nước ngay tại chỗ, do vậy cây cam nào cũng đâm chồi mạnh, phát triển tốt. Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: “Hợp tác, liên danh với nhau để trồng cam đã giải quyết được nhiều vấn đề. Đó là khai thác được tiềm năng đất đai; tạo việc làm cho người dân và hình thành được vùng cam khép kín trên địa bàn xã. Yên Khê có 2 vùng trồng cam cho chất lượng cao, là vùng Tung Cồng ở bản Pha và vùng Pù Đin Đen ở bản Tân Hương.

Tổng diện tích đất có thể trồng cam được của cả 2 vùng này khoảng gần 400 ha, hiện đã trồng được gần 140 ha, như vậy còn hơn 200 ha nữa bà con đang trồng các loại hoa màu, cũng có diện tích đang bỏ hoang, do gia đình không có điều kiện lao động. Vì vậy, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hợp tác với nhau để trồng cam, nhằm mở rộng diện tích”. Theo tìm hiểu, được biết, huyện Con Cuông sẽ mở rộng diện tích cam sang xã Chi Khê và Thạch Ngàn, thành vùng cam hàng hóa lớn, nhằm duy trì, đáp ứng nhu cầu cam Con Cuông cho khách hàng. Hiện tại đã có một số hộ ở xã Thạch Ngàn đầu tư trồng cam, cây phát triển tốt, chất lượng cam đảm bảo.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng