Ghi nhận từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen
(Baonghean) - Liên hoan Tiếng hát Làng Sen được tổ chức hàng năm trong suốt 34 năm qua, với quy mô cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc (5 năm một lần vào các năm chẵn). Bên cạnh những thành công, các kỳ liên hoan vẫn còn những hạn chế nhất định...
Năm 1982, Liên hoan “Hát từ làng Sen” lần đầu tiên được tổ chức tại TP Vinh với sự tham gia của 5 đoàn nghệ thuật quần chúng đại diện cho quê hương làng Sen - nơi Bác sinh ra, TP. Hồ Chí Minh - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, TP. Hà Nội - nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập… Liên hoan thành công tốt đẹp, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân xứ Nghệ. Từ đó về sau, liên hoan được tổ chức hàng năm (cấp huyện và cấp tỉnh) và 5 năm một lần được tổ chức với quy mô toàn quốc. Không thể phủ nhận thành công của liên hoan là đã thu hút được mọi thành phần, lứa tuổi tham gia, tạo nên một phong trào nghệ thuật quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp.
Rước ảnh Bác Hồ tại Lễ hội Làng Sen. Ảnh: Sỹ Minh |
Huyện Nam Đàn, ngoài 24/24 xã, thị trấn, còn có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tham gia liên tục, như: Lữ đoàn Công binh 414 (đóng tại Vân Diên), Trường Quân sự QK4 (Nam Anh); Tiểu đoàn 12 - Trinh sát (Xuân Hòa), Tiểu đoàn 38 - Hóa học (Kim Liên), Văn phòng UBND huyện và 5 trường THPT trên địa bàn. Huyện Đô Lương, ngoài 33 xã, thị trấn thì có tới 16 cơ quan, đơn vị, trường học tham gia.
Tiêu biểu như Huyện ủy, UBND huyện, Ban CHQS huyện, Sư đoàn 324, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Công an huyện, Chi cục Thuế, các cơ quan khối dân... Lực lượng diễn viên, nhạc công của các đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia ngày càng đông, đoàn ít khoảng 30 người, đoàn nhiều gần 50 người. Có gia đình, cả 4 chị em đều tham gia biểu diễn như gia đình bà Bùi Thị Lai - giáo dân xã Nam Lộc. Đặc biệt, thương binh 1/4 Nguyễn Đăng Khoa ở xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) chưa vắng mặt kỳ liên hoan nào do huyện tổ chức.
Liên hoan đã tôn vinh bản sắc văn hóa đa sắc màu của các dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ đu tỉnh nhà, vừa tạo điều kiện để quần chúng có cơ hội tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, vừa góp phần bảo tồn và phát huy vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các tiết mục mang âm hưởng của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được đưa vào Liên hoan Tiếng hát Làng Sen nhiều hơn.
Riêng huyện Nam Đàn, hát ví phường vải được đưa vào liên hoan hàng chục năm nay và có quy định “cứng” số tiết mục dân ca phải đạt 1/3 thời lượng chương trình. Các làn điệu Dân ca ví, giặm kết hợp với các làn điệu dân ca các dân tộc như nhuôn, xuối, lăm, khắp của đồng bào Thái, tập tính tập tang, đu đu điềng điềng của dân tộc Thổ, cự xia, lù tẩu của đồng bào Mông, hát tơm của đồng bào Khơ mú... tạo cho liên hoan một không gian nghệ thuật đầy bản sắc. Sân khấu Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc phong phú sắc màu với điệu then, lượn của Cao Bằng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, điệu chèo của Thái Bình, điệu hò sông Mã của Thanh Hóa, hò mái nhì của Huế, hát bài chòi của Liên khu 5, vọng cổ cải lương của Nam bộ, múa hát cồng chiêng của Tây Nguyên,…
Liên hoan Tiếng hát Làng Sen cụm Hoa Quân (Thanh Chi - Thanh Chương) tháng 5/2015. Ảnh: duy hưng |
Từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, nhiều trại sáng tác ca khúc được mở, và cho ra đời hàng trăm tác phẩm viết về Bác Hồ và quê hương Làng Sen. Nhiều bài hát nổi tiếng đã đi vào lòng công chúng cả nước và kiều bào ở nước ngoài, như: Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh, Miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến, Ngôi sao tháng 5 của Ánh Dương, Người mẹ làng Sen của Lê Hàm, Những bông hoa trong vườn Bác của Vân Dung, Hành hương về xứ Nghệ của Nguyễn Cường, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên, Ngày hội làng Sen của Đặng Nhất Mai, Ngày hội bên sông Lam của Hồ Hữu Thới, Nhà mẹ có ảnh Bác của Phan Thanh Chương, Tình quê Nam Đàn của Mai Cường,…
Ở Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, quần chúng là người được tham gia sáng tạo nghệ thuật và chính quần chúng là người được hưởng thụ các giá trị nghệ thuật do mình tạo ra, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, tạo dựng diện mạo đời sống mới.
Ngoài những thành công nêu trên, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen vẫn còn những băn khoăn, trăn trở. Liên hoan Tiếng hát Làng Sen cấp tỉnh được tổ chức mỗi năm một lần, kinh phí đầu tư của các huyện, thành, thị rất lớn. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Tân Kỳ cho biết: “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2014, đoàn Tân Kỳ có 40 diễn viên, nhạc công, nhưng có đến 37 người là cộng tác viên. Tính chi phí bồi dưỡng tập luyện, thuê trang phục, đạo cụ, ăn nghỉ mấy ngày tham gia liên hoan ở tỉnh cả trăm triệu đồng”. Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Thanh Chương cho rằng, ở huyện nên duy trì tổ chức hàng năm, còn cấp tỉnh nên tổ chức xen kẽ, năm này Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, năm sau Liên hoan Dân ca ví, giặm để đỡ tốn kém.
Trước đây, khi chấm giải tại liên hoan, Ban giám khảo có phân bảng miền núi và miền xuôi nhưng 2 năm nay lại chấm chung. Các đoàn nghệ thuật quần chúng ở 11 huyện miền núi không có điều kiện để đầu tư cho chương trình nên khó đạt giải cao. Thành phần ban giám khảo cũng chưa có người thật am hiểu văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số nên việc chấm thiếu chính xác là điều khó tránh khỏi, điều này khiến các đoàn nghệ thuật quần chúng các huyện miền núi thiếu tự tin trong liên hoan.
Anh Ngô Xuân Phương, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Tương Dương bày tỏ: “Thành phần Ban Giám khảo cũng nên có người am hiểu văn nghệ các dân tộc thiểu số, nên phân định mức độ biểu diễn giữa miền xuôi và miền núi để tạo sự cân bằng”… Có một số ý kiến cho rằng, đây là kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng, do đó, việc các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng tham gia là không phù hợp…
Mong rằng, những băn khoăn trên sớm được tháo gỡ để Liên hoan Tiếng hát Làng Sen những năm tới thành công hơn, lan tỏa hơn...
Ngọc Mai