Bài cuối: Ý thức người lao động là "chìa khóa"

03/06/2015 08:12

(Baonghean) - Tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã và đang trở thành lực cản, dẫn tới cánh cửa vào Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiềm năng đang bị thu hẹp. Và để thị trường này được rộng mở thông thoáng trở lại thì “chìa khóa” quan trọng nhất vẫn là ý thức người lao động...

Biện pháp đối với lao động cư trú bất hợp pháp

Nghệ An bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ năm 2005. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc; trong số này, có 555 lao động xuất cảnh trong năm 2014 khi chương trình EPS được nối lại, còn lại là những lao động xuất cảnh trước tháng 9/2012 (thời điểm chương trình EPS bị tạm dừng) đang còn thời hạn hợp đồng lao động. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.031 lao động đã kiểm tra tiếng Hàn đạt yêu cầu (vào tháng 12/2011, tháng 5/2012, tháng 8/2012 và tháng 3/2014) đang phải chờ và chưa biết lúc nào mới được gọi để đi. Trong khi đó, tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn xảy ra.

Anh Lê Lương Nguyên (giữa) giới thiệu cho khách hàng về dây chuyền sản xuất của công ty.
Anh Lê Lương Nguyên (giữa) giới thiệu cho khách hàng về dây chuyền sản xuất của công ty.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 1/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 9058 gửi các cơ quan chức năng và các huyện, thành, thị trong tỉnh triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Qua đó, trong 2 năm trở lại đây Nghệ An đã tổ chức được 11 hội nghị tuyên truyền vận động cấp tỉnh và cấp huyện với đối tượng tham gia là thân nhân gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc sắp sửa hết hạn hợp đồng lao động và một số lao động về nước. Ngoài ra, các huyện, thành, thị cũng đẩy mạnh các biện pháp khác như: niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và khối xóm danh sách những lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp, danh sách lao động sắp hết hạn hợp đồng; vận động gia đình cam kết động viên người thân của mình về nước đúng thời hạn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các cấp về các chính sách ưu đãi và chế tài xử phạt mà Nhà nước quy định.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều gia đình chưa hợp tác tích cực để vận động, khuyên bảo con em mình làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, việc xử lý lao động không về nước đúng thời hạn theo Nghị định 95 cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, tại Nghệ An chưa một trường hợp nào bị xử lý. Theo ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng Lao động – TB&XH huyện Yên Thành, nguyên nhân là bởi “đa số lao động này không ở địa phương, tài sản hiện tại là tài sản chung của gia đình họ nên không thể tổ chức cưỡng chế”.

Trước những khó khăn trên, thời gian tới, theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ bằng nhiều hình thức về chính sách, pháp luật XKLĐ và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi sang làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật người lao động... Ngoài ra, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, xử lý nghiêm các đơn vị môi giới, cung ứng xuất khẩu lao động có hành vi lừa đảo, thu phí vượt quá quy định đối với lao động xuất khẩu nói riêng và lao động sang làm việc tại Hàn Quốc nói chung trên địa bàn. Về phía Bộ Lao động - TB&XH cũng đang có kế hoạch, đề nghị phía Hàn Quốc hạn chế giới thiệu lao động của các địa phương có tỷ lệ lao động bất hợp pháp cao. Ngoài ra, cũng đề nghị xã, phường nghiên cứu đề xuất xử phạt hành chính đối với gia đình có con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi đã vận động, tuyên truyền mà không có kết quả. Kiên quyết hơn, Bộ sẽ cho dừng chương trình xuất khẩu lao động ở những địa phương nào để tình trạng lao động bỏ trốn tăng lên.

Nhân lên ý thức của người lao động...

Một số lãnh đạo chính quyền địa phương có đông người đi xuất khẩu ở Hàn Quốc cho rằng, một trong những lý do khiến lao động bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng là nếu về nước thì sẽ khó khăn trong tìm việc làm ổn định và khó quay trở lại. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ là ngụy biện. Có chăng là chúng ta chưa làm tốt các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các lao động hết hạn trở về nước, hoặc tổ chức các hội chợ việc làm riêng dành cho những lao động ở Hàn Quốc về để tranh thủ nguồn lao động có trình độ, tay nghề.

Anh Lê Lương Nguyên, sinh năm 1982, Giám đốc Công ty TNHH Strangplus elevator Việt Hàn ở Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú (TP. Vinh) bày tỏ: “Đa phần người lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc đều xác định kiếm được một ít tiền về xây nhà mà không nghĩ rằng sang đó học một cái nghề để lập nghiệp sau khi về nước. Vì vậy, khi trở lại Việt Nam họ rất thất vọng và tìm mọi cách để tiếp tục sang bám trụ lại Hàn Quốc. Theo tôi, rất đúng đắn khi xác định sang Hàn để học tiếng, cố gắng làm việc chăm chỉ để tạo được sự tin cậy với các ông chủ; và dù sang đó lao động phổ thông thì tốt nhất khi ở nhà mình cũng nên học qua một nghề để có kỹ năng, kỷ luật và có trách nhiệm với công việc”.

Năm 2007, trước khi sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, Lê Lương Nguyên đã tốt nghiệp xong ngành điện. Ngày mới sang, anh không thuận lợi vì vào làm việc ở một công ty đang trên đà phá sản. Sau đó, tiếp tục gần 4 tháng chờ đợi, anh mới được tuyển dụng vào làm việc ở Công ty Geochang. Đã nếm trải những ngày không lương, nên anh trân trọng từng ngày được làm việc ở công ty mới này. Lợi thế lớn nhất của anh so với những lao động khác là ngày còn ở quê nhà anh đã được đào tạo về nghề khá cơ bản. Thế nên, chỉ làm việc được hơn một tháng, với thái độ làm việc chuyên cần, kỷ luật anh bắt đầu nhận được sự chú ý của chủ doanh nghiệp. Sau gần nửa năm, chủ của công ty đã tin tưởng nhờ anh tuyển thêm lao động người Việt Nam và cho anh lên làm tổ trưởng phụ trách tốp lao động do mình tuyển dụng.

Nhiều cơ hội cho người lao động tại Công ty điện tử BSE - một công ty do Hàn Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cấm.
Nhiều cơ hội cho người lao động tại Công ty điện tử BSE - một công ty do Hàn Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cấm.

Mặc dù thu nhập rất ổn định, có những thời điểm vừa làm thêm, vừa tiền phụ cấp hơn 30 triệu đồng/tháng nhưng chưa bao giờ anh Nguyên nghĩ là sẽ ở lại Hàn Quốc làm việc, nhất là khi ở gia đình anh là con một, bố mẹ già yếu và con trai còn đang nhỏ tuổi. Xác định như vậy, nên tối thứ 4 và thứ 7, trong khi bạn bè đều tranh thủ ngày nghỉ để đi chơi thì anh đăng ký vào học tiếng Hàn do Trung tâm hỗ trợ lao động người nước ngoài tổ chức miễn phí. Học 2 năm thì anh được cấp chứng chỉ tiếng Hàn, tương đương với trình độ trung cấp. Cuối năm 2010, thời điểm anh về nghỉ phép cũng là khi phong trào học tiếng Hàn Quốc đang trở nên rầm rộ nhất, anh trở lại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc và xin được vào dạy tiếng Hàn ở trường. Quý cậu học trò chăm chỉ, thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Nam khi đó đã cho anh một cơ hội với điều kiện phải trải qua được cuộc sát hạch của hai cô giáo người Hàn. Nhận được sự đồng ý của nhà trường, 1 tháng sau khi trở lại Hàn Quốc anh xin về nước trước thời hạn...

Nhớ lại những ngày tháng mới trở về Việt Nam, anh Nguyên cho rằng “cũng có nhiều ngỡ ngàng” bởi lương của một giáo viên dạy tiếng Hàn giờ chỉ còn 1/6 so với trước. Tuy nhiên, vì đã xác định sang Hàn để học thêm một nghề nên anh dần thích ứng với công việc và hài lòng với vị trí mới. Đến năm 2013, trong đoàn công tác của Chính phủ Hàn Quốc sang thăm trường Việt - Hàn, anh gặp lại người giám đốc cũ của mình là ông Jeminpark, lúc này đã thành lập Tập đoàn Thang máy Geochang Korea và Trường Đại học thang máy (trường đại học duy nhất của thế giới). Trò chuyện với ông, sau khi biết ông có ý định mở thêm chi nhánh ở Việt Nam, anh Nguyên đã chủ động xin một cơ hội. Sau đó, ròng rã hơn 1 tháng trời, anh tự tìm kiếm, mày mò để lập một kế hoạch về việc thành lập một nhà máy chuyên sản xuất các loại ốc vít ở Việt Nam và chủ động xin người giám đốc cũ cho mình “cơ hội để thử nghiệm một vài đơn hàng”. Mất gần 2 tháng chờ đợi, anh mới được phía bên Hàn Quốc chấp nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, anh được 3 sự lựa chọn: hoặc là tự bỏ vốn, hoặc là chung nhau hoặc là làm thuê cho Hàn Quốc. Bước đầu vì thiếu vốn, anh dự định sẽ làm thuê nhưng sau đó muốn để công ty tin cậy và thấy mình có trách nhiệm hơn anh đề nghị cùng hợp tác với 49% vốn của mình và 51% vốn của tập đoàn Geochang. Công ty TNHH Strangplus elevator Việt Hàn chính thức thành lập. Nói về quyết định này, anh chia sẻ rằng: Gần 2 tỷ đồng góp vốn ban đầu là toàn bộ tài sản của mình, chấp nhận mạo hiểm mình xác định nếu không được thì mất, nếu được thì mình sẽ có nhiều cơ hội. Nhưng mình tin vào người Hàn Quốc, rất thích thái độ làm việc rất có trách nhiệm của họ”. Mặc dù cho đến thời điểm này, công ty chỉ mới có gần 30 lao động (cả công nhân và kỹ sư) nhưng sau gần 2 năm đi vào hoạt động, công ty đã đi vào ổn định và ngoài sản xuất đơn hàng cho Hàn Quốc, công ty cũng đang dần khẳng định ở thị trường trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng đã cử 6 kỹ sư sang Hàn Quốc để học về kỹ thuật làm thang máy để chuẩn bị cho việc sản xuất một nhà máy chuyên sản xuất thang máy ở Việt Nam.

Nếu như người lao động nào khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài cũng xác định không chỉ sang để kiếm tiền mà còn tận dụng cơ hội để học nghề, học kinh nghiệm sau này đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế tại quê hương như anh Nguyên thì sẽ không còn ai phải viện lý do “về nước không có việc làm ổn định” để cố sống cố chết bám trụ lại nước bạn sau khi đã hết hạn hợp đồng.Vậy nên điều quan trọng nhất và là “chìa khóa” của vấn đề giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp vẫn là ý thức tự giác của người lao động.

Về đi Hàn Quốc theo con đường du học, ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục & Đào tạo cho rằng: Bản chất của du học là tích cực. Tuy nhiên phải là du học “đúng cách”, nghĩa là trước khi sang đó gia đình và người đi phải xác định mình học là chính, còn lao động chỉ là làm thêm: Nếu đã cho con đi du học Hàn Quốc thì gia đình phải lường trước được 5 năm không có tiền gửi về. Bởi lẽ, mất 1 năm đầu tiên học sinh phải làm quen, đi học tiếng. Từ năm thứ 2, học sinh đã bắt đầu đi làm nhưng số tiền làm ra cũng chỉ đủ cho các em chi phí và nạp tiền nhập học. Nhưng ngược lại sau khi học xong các em có một tấm bằng có giá trị, được cấp visa lâu dài và có nhiều cơ hội được làm việc tại Hàn Quốc dành cho lao động có trình độ cao.

Mỹ Hà - Khánh Ly