Kỷ niệm với Trường Sa

19/06/2015 11:40

(Baonghean) - Cách đây hơn 1 năm, con tàu HQ561 rời quân Cảng Cam Ranh, rẽ sóng bắt đầu chuyến hải trình đưa chúng tôi ra Trường Sa.

Lần đầu tiên đi biển dài ngày, lại được đi Trường Sa, những phóng viên trẻ chúng tôi đều có cảm giác thật lạ. Vừa háo hức, vừa xốn xang, vừa lo lắng lại xen lẫn xúc động. Cố gắng vượt qua và quên đi những cơn say sóng khủng khiếp giữa đại dương, chúng tôi được những chiếc xuống CQ tăng bo từ tàu HQ561 để vào đảo thăm người dân và chiến sỹ Trường Sa. Những cái tên đã trở thành huyền thoại như Đá Lát, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn... bỗng chốc thật gần gũi, thân quen. Lần đầu đến Trường Sa, những phóng viên trẻ chúng tôi say mê, thích thú ghi lại hình ảnh những chiến sỹ Trường Sa kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió, những ngư dân Trường Sa mưu sinh giữa biển cả hay những em bé Trường Sa ê a học bài trên chân sóng.

Tác giả với những người lính  Nghệ An trên đảo Trường Sa lớn.
Tác giả với những người lính Nghệ An trên đảo Trường Sa lớn.

Với những nhà báo đã từng tác nghiệp ở Trường Sa, vui nhất là cảm xúc được tác nghiệp trong những điều kiện đặc biệt. Trên boong tàu, trên xuồng CQ, giữa cái nắng như thiêu như đốt đến bỏng thịt, tróc da, là những lần chạy đua với con nước thủy triều để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của các chiến sỹ công binh. Các phóng viên vừa phải tranh thủ từng giờ, từng phút để ghi chép, quay phim, chụp ảnh vừa phải biết cách dò sóng 2G để truyền tin, bài về tòa soạn cho kịp thời... Để rồi hôm sau, khi đến một điểm đảo khác, tất cả những nhà báo già, trẻ đều hớn hở tranh thủ bật laptop, điện thoại khoe với nhau bài báo của mình gửi hôm qua cứ như trẻ con khoe nhau chiếc áo mới. Giữa quần đảo bão tố mênh mông, tranh thủ check được thông tin trên mạng, được xem, được bàn luận những tác phẩm của mình vừa tác nghiệp, ai mà không thích thú...

Ở bất cứ điểm đảo nào, tôi cũng được gặp những người lính Nghệ với giọng nói trọ trẹ, khuôn mặt xạm đen nhưng gân guốc và rắn rỏi. Họ cố gắng nói chuyện thật nhiều, say sưa kể về làng quê, về gia đình của mình với người đồng hương. Khi rời đảo, bên cạnh những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt, các chiến sỹ đều dặn rằng “nếu có cơ hội đi công tác qua quê mình, mời nhà báo đến chơi”... Tôi còn nhớ mãi câu chuyện của Nguyễn Văn Hùng, chiến sỹ lái xuồng đảo Trường Sa Đông quê ở Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

Hôm chúng tôi đến đảo, cũng là ngày đứa con đầu lòng của Hùng tròn 3 tháng tuổi. Cưới vợ được mấy tháng, Hùng nhận lệnh ra Trường Sa Đông. Dù ngày nào cũng gọi điện thoại nhưng Hùng chưa được về phép để được ôm con vào lòng. Hôm đó, trước khi chia tay chúng tôi, người lính trẻ gửi 4 hộp thịt hộp về làm quà cho con. Đây là khẩu phần ăn theo tiêu chuẩn, được anh bớt lại. Cùng với mấy hộp thịt, Hùng gửi theo một quả bàng vuông đã khô và con ốc biển được nâng niu cất trong ba lô hành lý. “Quà của lính Trường Sa chỉ có vậy thôi nhưng mang theo bao nhiêu tình cảm. Nhớ vợ con, nhớ gia đình nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, canh giữ vẹn nguyên từng tấc biển, từng bãi đá san hô và vùng trời của Tổ quốc”, Hùng tâm sự.

Trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp một hộ dân quê ở huyện Diễn Châu. Khi chúng tôi vào thăm gia đình người đồng hương này, anh rất bất ngờ, nói chuyện say sưa về làng biển Diễn Bích, về hành trình lênh đênh đến lập nghiệp ở Trường Sa và về tình quân dân ấm áp, keo sơn giữa trùng khơi bão tố. Hôm đó, khi đang say sưa nói chuyện quê nhà xứ Nghệ, bỗng nhiên, quầng mắt tôi chao đảo, nhìn thấy bức tường nhà như muốn đổ sập xuống. Người chủ nhà liền nhắc nhở với chất giọng Diễn Châu đặc sệt “nhà báo say đất liền rồi”. Thì ra, lâu nay cố gắng giữ thăng bằng trên xuồng, trên tàu nên khi vào đến đảo Trường Sa Lớn, tiếp xúc với đất liền lâu lại bị mất thăng bằng. Từng có dịp đi đến nhiều điểm đảo gần bờ, từng đến quê hương Hải đội Hoàng Sa anh hùng, từng lênh đênh cùng ngư dân Quỳnh Lưu trên vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ nhưng khi nghe ngư dân Trường Sa giải thích về hiện tượng say đất của mình, tôi vẫn cảm thấy bất ngờ.

Thế mới biết, lâu nay, cứ nghĩ làm phóng viên, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều thì đã biết nhiều, hiểu nhiều. Nhưng có ra với Trường Sa, mới thấy, mình thật nhỏ bé, cần phải học, trải nghiệm và trau dồi nhiều hơn nữa...

Bài, ảnh: Nguyên Khoa