Giá dầu giảm, ngân sách hụt 20.000 tỷ
Giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách hụt 1.000 tỷ và trong năm 2015, nếu giá dầu ở mức 80 USD/thùng thì ngân sách sẽ mất 20.000 tỷ.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra tối 1/12, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, mỗi thùng dầu thô giảm giá 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cách bù đắp khoản hụt thu ngân sách khi giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay: “Giá dầu hiện tại giảm nhanh và có thể tăng lại vào năm 2015 nhưng tình hình vẫn diễn ra phức tạp. Chính phủ đã báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách với Quốc hội, đã dự tính giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 30 USD/thùng và con số này còn có thể thay đổi. Chúng ta tính rằng, mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng và như thế chúng ta dự tính nếu năm 2015, con số trên dưới 80 USD/thùng thì chúng ta mất 20.000 tỷ đồng”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo thường kỳ tháng 11 (Ảnh: Việt Dũng). |
Về phương án cân đối ngân sách để bù số tiền hụt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin thêm: “Bộ Tài chính đã có phương án bù đắp. Hiện tại Việt Nam có rất nhiều điểm khai thác và giá dầu ở mỗi điểm từ 35 – 70 USD/thùng. Tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét những mỏ dầu có giá cao không nên khai thác vào lúc này, đợi đến lúc tăng giá mới khai thác. Còn hiện tại chỉ nên khai thác những mỏ có giá thấp như thế có thể đem lại cho chúng ta lợi nhuận tương đối.
Đồng thời, chúng ta tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp số hụt có thể xảy ra. Đến giờ này, chúng ta có thể tạm yên tâm rằng phương án bù đắp của Bộ Tài chính đưa ra là khả thi”.
Việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua kéo theo giá xăng – dầu trong nước giảm mạnh, hiện tại chỉ trong khoảng 20.000 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước vận tải của các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh. Trả lời câu hỏi về giá cước của các doanh nghiệp vận tải, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bộ này đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và các UBND tỉnh, thành phố để phối hợp kiểm soát giá cước theo mức giảm của giá xăng – dầu.
Bà Minh cũng công bố kết quả thanh tra, làm việc tại một số thành phố lớn. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%.
Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp kinh doanh taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các doanh nghiệp kinh doanh tuyến vận tải cố định cũng sẽ tính toán kê khai giảm, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7%.
Tại TP HCM, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%.
Ngày 1/12/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 17496 /BTC-QLG về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT (thay thế Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT, đã có hiệu lực thi hành) gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
Theo VOV