Bền bỉ một nếp làng

12/05/2015 18:05

(Baonghean) - Nằm bên hữu ngạn sông Gang, làng Yên Lạc, xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) cổ kính với bao đền đài, phủ, quán, là địa chỉ đỏ gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta...

Làng ra đời từ xa xưa, đầu thế kỷ XV khi cụ tổ các dòng họ Trần, họ Võ về đây lập nghiệp, đã có làng rồi. Phía Tây, sông Gang quanh co uốn khúc giữa hai bờ ngô, lúa; phía Đông, núi Voi, núi Trắn kết thành một dải sừng sững, bảo vệ, che chắn cho làng. Làng xưa có 2 xóm: Yên Thượng và Yên Hạ; sau cách mạng, làng ra đời thêm nhiều xóm mới.

Theo các cụ cao niên, xóm Yên Thượng có ngôi đình 3 gian gỗ mít, ngoảnh về hướng Nam. Cạnh đình, làng dựng bia bà Hậu - ghi tạc công đức của người phụ nữ đã sung tiền của cho làng, xây dựng, phủ, đình. Sau đình là chùa Yên Thượng, có cổng tam quan với ngôi điện to, bên trong thờ nhiều tượng phật. Xóm Yên Hạ cũng có ngôi đình 3 gian gỗ lim, xây tường 3 phía. Hàng năm, tại đình thường làm lễ khai Hạ, Lễ giỗ Vua Mai Hắc Đế.

Những năm 1930 - 1931, đình Yên Hạ là nơi luyện tập của đội Tự vệ đỏ; nơi làm việc của chính quyền Xô viết địa phương; nơi cán bộ Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Tiêu đã hy sinh trong một lần địch về càn quét, bắn giết ở làng. Cạnh đình là chùa Yên Hạ, ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ. Ngày nay, 2 ngôi chùa đã phai nhoà dấu tích; đình Yên Thượng chỉ còn lại cây đa và tấm bia công đức trên nền đất xưa, giờ là trường học mầm non; đình Yên Hạ, tuy đã được dân làng khôi phục và nằm trong khuôn viên của một ngôi đền.

Phủ Yên Thượng,  xã Thanh Ngọc  (Thanh Chương).
Phủ Yên Thượng, xã Thanh Ngọc (Thanh Chương).

Bên dòng sông Gang, có phủ Yên Thượng thờ 8 vị thần, toạ lạc trên vùng đất đẹp, nhìn ra bến sông. Cổng phủ là 2 trụ biểu hướng về đình làng; thượng điện, tả vu, hữu vu, là những ngôi nhà nhỏ, được chạm khắc công phu; hai bên có tượng quan văn, quan võ; phía trước là nhà bái đường 3 gian gỗ mít, đặt 1 hương án với 2 dãy chỉnh tề. Hàng năm, dân làng thường tề tựu tại phủ làm lễ cầu yên đầu xuân và lễ cầu đảo những khi nắng hạn. Những năm 1930 - 1931, phủ là nơi cất giấu tài liệu của cách mạng, là trạm gác của tự vệ đỏ. Thời chống Mỹ, cả khu vườn phủ rộng gần 2 mẫu với nhiều cây cổ thụ, mây, tre rậm rạp, là nơi trú ẩn của những đoàn xe ô tô chở hàng ra tiền tuyến… Sau thời gian dài, xuống cấp, đổ nát, năm 2010, phủ đã được dân làng trùng tu, tôn tạo khang trang. Cây đa cổ thụ trước sân vẫn toả bóng sum suê. Cây đa trước cổng ôm lấy một bên trụ biểu. Hàng trăm năm tồn tại, phủ Yên Thượng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của làng xã, mà còn là điểm dừng chân, thắp hương, vãn cảnh của bao du khách mỗi lần ghé thăm làng.

Làng còn có quán Thánh toạ lạc trên đồng Ruộng Lái, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền; là nơi thắp hương của các sỹ tử, mỗi lần ứng thí thường đến cầu khoa. Người làng kể rằng: Quán Thánh được xây dựng cách xa các đình làng, là do các cụ xưa, mời thầy địa lý về chọn thế đất đẹp để xây cất, mong muốn con cháu trong làng học hành thành đạt… Năm 2010, quán Thánh đã được dân làng tôn tạo, gồm điện thờ, cổng tam quan. Trong khuôn viên của quán, bên trái tạo thêm hồ sen và dựng thêm nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ của làng.

Cây trôi Yên Hạ (ảnh lớn).
Cây trôi Yên Hạ.

Bến Yên Hạ có 2 cây cổ thụ, là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Cây đa già, gần mép nước, toả bóng sum suê ra giữa bến sông. Ngay cạnh đó là cây trôi hàng trăm năm tuổi, thân cao hàng chục mét, gốc to 7, 8 người ôm. Những năm 1930 - 1931, cây trôi là nơi cách mạng cắm cờ đỏ búa liềm; nơi dân làng tâp trung xuống đường đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Tại bến Yên Thượng, thời chống Mỹ, bộ đội đã bắc cầu gỗ qua sông Gang, cho xe chở hàng ra tiền tuyến, tránh “cung lửa” Rú Nguộc và Truông Bồn. Mỹ đã từng rải bom phá cầu, để cắt tuyến đường quan trọng này, nhưng cầu Yên Thượng vẫn hiên ngang. Cây trôi cũng bị bom Mỹ đào một hố sâu bên cạnh và bẻ gãy nhiều cành. Bây giờ, trên thân nó, lởm chởm nhiều vết thương của gió bão, đạn bom, tuy đã lành, nhưng vẫn nhìn thấy rõ. Bến sông xưa đã có cầu bắc qua, cây đa không còn nữa, nhưng cây trôi vẫn vươn lên xanh tốt, là chứng tích, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, cho tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của người dân nơi đây .

Vùng quê nghèo một thời, nay đã không còn cảnh “Ai về Yên Lạc mà coi / Bắc niêu lên bếp xách oi ra đồng”, những ngôi nhà cao tầng, những con đường bê tông đang ngày một nhiều hơn, và đặc biệt, những giá trị văn hoá truyền thống của bao thế hệ cha ông vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.

Huy Thư