Cuộc chiến chống IS lại gặp khó vì đối địch chồng chéo

01/07/2015 09:29

(Baonghean) - Trong lúc cả thế giới đang dồn sức cho cuộc chiến chống IS mà vẫn chưa đạt kết quả thì cuộc chiến này lại đang đứng trước nguy cơ bị tác động nặng nề. Lý do xuất phát từ mối quan hệ thù địch giữa hai lực lượng đang chiến đấu chống IS là chính quyền Thổ Nhỹ Kỳ và lực lượng người Kurd trong khu vực.

Mối lo người Kurd của Thổ Nhỹ Kỳ

Cuối tuần qua, lực lượng dân quân người Kurd đã tái chiếm thành công toàn bộ thị trấn chiến lược Kobane ở miền Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà quan sát quốc tế, hiện dân quân người Kurd đang nỗ lực tấn công lực lượng IS nhằm bảo vệ cộng đồng tại miền Bắc Syria, một phần trong kế hoạch đòi thành lập vùng tự trị tại khu vực có đa số người Kurd sinh sống này. Người Kurd không chỉ tham chiến chống lại các tay súng cực đoan mà theo giới chức lãnh đạo của họ thì cứ mỗi chiến thắng trước IS lại góp phần thúc đẩy hình thành một nhà nước độc lập. Đáng chú ý, từ những bất ổn tại hai quốc gia Iraq và Syria khiến IS phát triển đã buộc người Kurd phải tự vũ trang cho mình để đối kháng lại IS. Và cũng từ cuộc chiến chống IS, liên kết giữa người Kurd ở hai quốc gia Iraq và Syria trở nên chặt chẽ hơn.

Một tay súng người Kurd. Nguồn: AFP
Một tay súng người Kurd. Nguồn: AFP

Mặc dù Mỹ và phương Tây có thể đã biết được mục đích cuối cùng của thành phần người Kurd có vũ trang là thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd nhằm ly khai khỏi Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Song, vì không muốn đưa bộ binh đến Iraq chiến đấu chống IS, Mỹ đã hậu thuẫn cho các tay súng người Kurd lớn mạnh rồi sử dụng chính các tay súng người Kurd chiến đấu chống lại phiến quân IS. Do đó, lực lượng vũ trang của người Kurd mạnh lên cũng một phần nhờ vào sự bảo trợ của phương Tây.

Trước những diễn biến này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cuối tuần qua khẳng định nước này sẽ không bao giờ cho phép một nhà nước người Kurd độc lập giáp với biên giới của mình. Thậm chí, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn thẳng thừng tuyên bố có thể đưa quân đội vào Syria để ngăn chặn điều này xảy ra. Ngày 28/6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố: “Nếu an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hoại hoặc nếu chúng tôi xác định khu vực này bị đe dọa, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào. Chúng tôi cũng đã thực hiện tất cả các công việc cần thiết để sẵn sàng đối phó”. Ngày 29/6, ông Ahmet Davutoglu tiếp tục khẳng định nước này đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ liên quan đến vấn đề an ninh dọc biên giới lãnh thổ với Syria và Iraq. Trong khi đó, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chưa triển khai quân đội nhưng nước này đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết cho một chiến dịch trên bộ.

Giấc mộng độc lập

Trên thực tế, người Kurd được xếp vào nhóm các dân tộc lớn trên thế giới với khoảng 25 triệu người, sinh sống ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq cùng cộng đồng người Kurd sống rải rác ở các nước châu Âu. Vùng đất tập trung đông người Kurd nhất có tên gọi Kurdistan, là vùng đất nằm ở phần giáp nhau của 4 quốc gia Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Song cho đến nay, vì chưa có được một Nhà nước độc lập của dân tộc mình nên người Kurd vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng này. Tại Iraq, người Kurd có một khu tự trị cao độ ở phía Bắc, thậm chí được cho là đối kháng với Chính phủ Baghdad từ trước năm 2003 khi Mỹ tấn công vào Iraq. Tại Syria, người Kurd cũng tập trung ở miền Bắc và đứng ngoài cuộc giao tranh giữa Chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad với lực lượng đối lập, song chính sự bất ổn của Syria khiến người Kurd tự vũ trang mạnh mẽ, gần giống với quân đội riêng để bảo vệ dân tộc mình. Còn tại Thổ Nhỹ Kỳ, đảng Công nhân người Kurd (PKK) hơn 3 thập kỷ qua thường xuyên tiến hành những chiến dịch vũ trang nhằm đưa lực lượng người Kurd ly khai khỏi Chính quyền Ankara khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Do đó, tại Thổ Nhỹ Kỳ, sự thù địch giữa người Kurd và chính quyền Trung ương còn “sâu sắc” hơn cả ở Iraq và Syria. Với những chiến thắng quan trọng trước phiến quân IS ở Syria và Iraq, không có lý do gì người Kurd không mơ đến giấc mơ độc lập của dân tộc mình.

Cuộc chiến chống IS gặp khó

Có chung đường biên giới với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại sự lớn mạnh của lực lượng người Kurd ở Syria, giống như người Kurd ở quốc gia láng giềng Iraq, vì đây có thể tạo ra một hậu phương cho các hoạt động của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những diễn biến này cho thấy, tam giác thù địch Thổ Nhỹ Kỳ - IS – người Kurd đang “nóng” lên, đe dọa biến “chảo lửa” ở khu vực này bùng cháy mạnh mẽ.

Trên thực tế, Mỹ và phương Tây vẫn luôn “đau đầu” với các mối quan hệ thù địch chồng chéo này, dẫn đến cuộc chiến chống IS không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa bộ binh vào Syria nhằm đối phó với cả lực lượng người Kurd lẫn IS thì cuộc chiến chống các tay súng cực đoan IS tại khu vực sẽ thay đổi về căn bản. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ, là quốc gia có quân đội đông nhất và hiện cũng là quốc gia đi đầu trong liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, nước này lại thù địch với các tay súng người Kurd trong khi các tay súng người Kurd cũng đang là lực lượng bộ binh chính giáp mặt với IS. Điều mà Mỹ và phương Tây lo ngại đang dần hiện hữu khi mâu thuẫn chồng chéo có nguy cơ bùng phát.

Cả Thổ Nhỹ Kỳ và người Kurd đang cùng chống lại IS song Thổ Nhỹ Kỳ lại thù địch với người Kurd. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng xả ra một cuộc chiến khác, đó là cuộc đối đầu giữa quân đội Thổ Nhỹ Kỳ và các tay súng người Kurd ở cả lãnh thổ Thổ Nhỹ Kỳ, Iraq và Syria nếu người Kurd thành lập Nhà nước của riêng mình. Vấn đề này sẽ biến IS nghiễm nhiên trở thành “ngư ông đắc lợi”, IS có thể lợi dụng tình hình này để củng cố lực lượng. Do đó, nếu Thổ Nhỹ Kỳ có chiến tranh với các tay súng người Kurd thì không những khu vực lại bùng phát thêm một chảo lửa mới, mà cuộc chiến chống IS có thể sẽ lại lâm vào bế tắc và kéo dài. Và như vậy, những người dân thường tại khu vực này chưa thể có cuộc sống bình yên trên mảnh đất của mình, thảm họa nhân đạo vẫn chưa thể chấm dứt.

Nguyễn Cao Biền