Câu hò trên đất Thạch Sơn
(Baonghean) - Về Anh Sơn hôm nay, không chỉ cảm nhận rõ sự đổi thay trên quê hương dưới đỉnh Kim Nhan hùng vĩ mà còn được đắm mình trong những làn điệu dân ca ví, giặm mượt mà, sâu lắng của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Trong đó, xã Thạch Sơn là điển hình của huyện trong phong trào phát triển dân ca ví, giặm.
Trên địa bàn huyện Anh Sơn, hiện có 2 câu lạc bộ dân ca được xếp hạng cấp tỉnh và 6 câu lạc bộ khác mới được xây dựng. Trong đó, hoạt động thường xuyên, sôi nổi, có chất lượng nhất phải kể đến đó là CLB Dân ca xã Thạch Sơn. Nguồn gốc là một đội thông tin lưu động của xã được ra đời với vai trò tham gia xây dựng các chương trình văn nghệ, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; phục vụ bà con nhân dân trong vùng và một số vùng phụ cận. Dần dần, câu lạc bộ trở thành địa chỉ quen thuộc, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường xuyên của nhân dân trong xã nói riêng và các xã lân cận của huyện Anh Sơn nói chung. Năm 2010 khi có chủ trương của tỉnh về việc thành lập các CLB đàn hát dân ca trên địa bàn các huyện, nhằm gây dựng phong trào đàn, hát dân ca Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Thạch Sơn chính thức ra đời.
Một tiết mục biểu diễn của CLB Dân ca ví, giặm xã Thạch Sơn. |
Chúng tôi tìm về xã Thạch Sơn giữa những ngày gió Lào nắng rát. Hiện ra trước mắt là một vùng đất sơn thủy hữu tình với đồi núi trùng điệp xen lẫn những bãi bồi phù sa dọc đôi bờ Sông Lam trù phú với ngút ngàn màu xanh của lúa, ngô, khoai, sắn. Phong cảnh nên thơ đó đã phần nào tạo nên cho người dân nơi đây một tâm hồn lãng mạn, giàu chất văn nghệ, để rồi dệt nên những câu hát dân ca mượt mà, đằm thắm. Mới đến đầu xã, tiếng loa phát thanh đã vang lên những bài hát dân ca, càng nghe kỹ càng nhận rõ âm thanh của những tiết mục do các tác giả trong Câu lạc bộ tự tác biên soạn.
Trên tấm chiếu trải rộng giữa nhà, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Quang Thống và những hội viên đang say sưa hát bài “Lung linh hồn quê xứ Nghệ”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Vinh, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, cũng là thành viên, một cây sáo có tiếng của câu lạc bộ tâm sự: Buổi đầu khi mới thành lập, CLB chỉ có 11 thành viên, phần đa là những người trung và cao tuổi. Họ đến với nhau bởi tình yêu tha thiết với những câu hát dân ca quê nhà. Những ngày đầu gây dựng phong trào đàn hát Dân ca ví, giặm rất gian nan vì sức lan tỏa của Dân ca Nghệ Tĩnh trong đời sống của nhân dân chưa mạnh mẽ như bây giờ, các lời mới không nhiều và người dân không thật hứng thú. Mặc dù vậy, với tình yêu văn nghệ, yêu câu hát dân ca và dựa trên tinh thần tự nguyện (tự sáng tác và tự đóng góp kinh phí), câu lạc bộ từng bước vượt qua khó khăn và trưởng thành.
Đến nay, câu lạc bộ có 27 thành viên, độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Cháu nhỏ nhất là Lê Na, Sông Thương năm nay 11, 12 tuổi. Cụ già nhất năm nay đã gần 80. Tuy nhiên, tuổi tác chưa bao giờ là khoảng cách trong câu lạc bộ, mọi người quây quần bên nhau trong một nhà, người đàn, người hát, người sáng tác lời mới... Tất cả vì mục tiêu tạo nên sự lan tỏa trong phong trào. Không chỉ phục vụ người dân địa phương mà các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh tổ chức đều có sự tham gia của câu lạc bộ. Từ năm 2011 đến nay, câu lạc bộ đều tham gia các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và đã gặt hái được nhiều giải thưởng, nhiều bằng khen; được đông đảo các câu lạc bộ bạn ở các huyện, thành, thị và đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Đặc biệt, những tiết mục như “Lạch làng mở hội; Gái Làng Khoai, trai Yên Phúc; Hướng về biển, đảo; Thuận vợ thuận chồng; Hiến đất làm nhà...” đã trở thành thương hiệu riêng của câu lạc bộ, in sâu vào lòng công chúng trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Quang Thống, Chủ nhiệm CLB tâm sự, trên đất Thạch Sơn nhà nào cũng háo hức hát dân ca, xóm nào cũng muốn thành lập câu lạc bộ. Không chỉ phát triển về mặt số lượng mà các nghệ nhân ở Thạch Sơn như bác Thống đã tự túc kinh phí, khăn gói đi sưu tầm các bài hát dân ca cổ. Thậm chí, họ còn về tới các huyện như Thanh Chương, Nam Đàn để tìm hiểu về phong trào hát ví, và cách thức thành lập câu lạc bộ, từ đó về phát triển phong trào ở địa phương.
Nói về kinh nghiệm xây dựng câu lạc bộ, thầy giáo Lê Khắc Hiểu, Trường THCS Thị trấn Anh Sơn, cũng là một hạt nhân của Câu lạc bộ Dân ca Thạch Sơn cho biết: Quan trọng nhất là các thành viên phải có đam mê, tâm huyết, sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tất cả vì mục tiêu làm sao cho câu ví, giặm bay xa.
Chia tay Câu lạc bộ Dân ca xã Thạch Sơn, chúng tôi vừa cảm phục trước tấm lòng yêu mến dân ca của những người dân nơi đây và mong muốn cơ quan chức năng sẽ sớm có những cơ chế, chính sách để góp phần nuôi dưỡng hoạt động của các câu lạc bộ dân ca. Và, nếu như ở đâu trên đất Nghệ này cũng đều có một phong trào đàn hát dân ca như thế thì di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại này chắc chắn sẽ được trao truyền mãi mãi.
Trịnh Văn Phú
(Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ)