Nguyên Tổng Bí thư: Công chúng luôn yêu, đặt niềm tin vào báo chí

20/06/2015 15:11

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về báo chí và hoạt động báo chí nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015).

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: VGP/Phương Liên
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: VGP/Phương Liên

Là người thường xuyên quan tâm, theo dõi hoạt động báo chí, ông đánh giá ra sao về nền báo chí hiện nay?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Có thể khẳng định, trong chặng đường 90 năm qua, báo chí Việt Nam đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, báo chí vẫn tiếp tục là ngọn cờ cách mạng, trở thành một trong những động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới. Đúng như nhận định của Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XI, những năm qua, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong khuôn khổ pháp luật, báo chí đã thực hiện rất tốt vai trò là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, là diễn đàn của nhân dân.

Chưa bao giờ hệ thống báo chí nước ta phát triển nhanh, mạnh về số lượng, loại hình, nội dung, hình thức, đội ngũ cán bộ… như bây giờ. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2014, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình. Cả nước có 180 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá; tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép là 40 kênh. Như vậy, người dân được hưởng thụ khối lượng thông tin vô cùng phong phú, đa dạng, sôi động theo từng ngày, từng giờ. Không chỉ thông tin nhiều và nhanh, báo chí còn thực hiện tốt chức năng tư tưởng - một chức năng quan trọng góp phần truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa hệ tư tưởng của Đảng thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.

Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thông qua báo chí mà đến được với quần chúng. Những đợt vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”, “Toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992”… là những đợt sinh hoạt chính trị to lớn, thu hút sự quan tâm của toàn dân, được báo chí thông tin, tuyên truyền rất tốt.

Báo chí phản ánh tình cảm, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo nên dư luận xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Nhân dân yêu và tin tưởng báo chí nhiều lắm. Nhờ báo chí, họ được nói lên tiếng nói của mình, được tham gia quản lý, giám sát xã hội. Nhiều nguồn chống tham nhũng, tiêu cực đến từ nhân dân. Không những thế, trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị luôn lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, báo chí đã đấu tranh phản bác thông tin và luận điệu sai trái một cách có hiệu quả.

Các cơ quan báo chí đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình ổn định, hợp tác để phát triển đất nước.

Báo chí cũng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; động viên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi và rộng khắp của nhân dân; giới thiệu những điển hình tốt, những kinh nghiệm hay ở các địa phương, cơ sở.

Đặc biệt, thời gian qua, báo chí đã làm rất tốt chức năng giám sát, quản lý, phản biện xã hội. Nhiều cuộc điều tra độc lập, điều tra theo đơn thư bạn đọc của nhiều cơ quan báo chí đã làm sáng tỏ những vấn đề khó như vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, phù hợp với xu thế phát triển xã hội.

Nhiều vụ án lớn đã được báo chí phanh phui như vụ Năm Cam và đồng bọn, PMU 18, Vinalines, Vinashin và hàng nghìn vụ án kinh tế, dân sự khác, góp phần giúp các cơ quan chức năng xét xử đúng người, đúng tội, củng cổ niềm tin trong nhân dân. Từ sức mạnh của báo chí, Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân đặt niềm tin lớn lao vào các cơ quan báo chí trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định. Theo ông, đó là những hạn chế nào?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Ngay trong Hội nghị Trung ương 10 khóa XI, Trung ương Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của hệ thống báo chí. Đó là, cơ cấu, quy mô chưa hợp lý; khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách, thông tin không chuẩn xác chưa được khắc phục; năng lực cán bộ của nhiều cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ làm báo còn những bất cập; vai trò, tinh thần trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt; hoạt động kinh tế của nhiều cơ quan báo chí khó khăn…

Những điều này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhắc đến rất nhiều. Thời gian qua, nhất là trên các tờ báo mạng điện tử, những chuyện giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan bị đưa nhiều quá, phản cảm quá. Nhiều câu chuyện bịa đặt trắng trợn được đăng tải, truyền phát trên các tờ báo có lượng truy cập, lượng người đọc, người nghe, người xem đông, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều tờ báo địa phương ít đi sâu vào những vấn đề cấp thiết của địa phương mình, mà lại “bàn” nhiều về những vấn đề ở cấp Trung ương; báo chí ngành này “nói chuyện” của ngành khác; báo chí về giới đăng nhiều vụ án kinh tế; báo chí kinh tế-khoa học lại bàn nhiều về văn hóa-văn nghệ; một vụ án, vụ tai nạn… có hàng chục báo cùng đưa tin. Rất nhiều báo, lượng tin bài về người tốt, việc tốt còn quá ít; trái lại, tin bài về các vụ án, tiêu cực lại dày đặc. Đáng lo ngại là vấn đề này không còn là hiện tượng cá biệt mà đang là hiện tượng khá phổ biến.

Nhiều cơ quan báo chí quan trọng của Đảng, Nhà nước chậm đổi mới, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội.

Hiện tượng xuống cấp về đạo đức báo chí cũng đáng lo ngại. Số lượng các nhà báo bị kỷ luật, khiển trách, thu hồi thẻ theo như tôi biết, trong năm 2014 cũng đã có tới vài chục trường hợp nhưng vẫn chưa phản ánh hết thực tế đâu vì còn rất nhiều nhà báo mới chỉ bị nhắc nhở hoặc chưa bị xử lý vì lý do này, lý do khác.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, trong bối cảnh đất nước hội nhập với quốc tế, việc báo chí bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực, chạy theo lợi nhuận, tính tự phát… là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí tỉnh táo, có tầm nhìn xa, đề cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ bản lĩnh, kiên quyết trong xử lý thì mức độ và hậu quả xấu có thể cơ bản được hạn chế và ngăn chặn.

Thưa ông, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc nhằm rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí trong cả nước. Liệu đây có phải là yếu tố căn cốt để hạn chế tiêu cực, giúp báo chí phát triển?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay từ tháng 10/2006, Bộ Chính trị khóa X đã yêu cầu Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí trong cả nước. Đến Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Đặc biệt lưu ý là Trung ương Đảng yêu cầu Đề án phải đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những vấn đề đang nổi cộm cần tiếp tục đổi mới, khắc phục trong tổ chức, hoạt động, phát triển và quản lý hệ thống báo chí nước ta hiện nay, bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử.

Việc quy hoạch phải chú ý toàn diện các mặt: số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, nhân lực, tài chính, phương thức hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan. Chỉ ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả, thành tích đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đồng thời, dự báo thật sát sao xu thế sắp tới để từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi Quy hoạch.

Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng, thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới là những vấn đề được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thực hiện được tốt các vấn đề này sẽ hạn chế những yếu kém, khuyết điểm của báo chí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn