Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao: Cần đẩy mạnh xã hội hóa

10/05/2015 15:07

(Baonghean) - Trong mục tiêu chiến lược phát triển thể thao quốc gia, Nghệ An được Chính phủ chọn là 1 trong 9 trung tâm thể thao của cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân và yêu cầu phát triển thể thao thành tích cao, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thiếu và yếu.

Từ thiếu Nhà thi đấu...

Những năm qua, phong trào thể thao quần chúng của tỉnh có một số chuyển biến nhất định. Đến nay, toàn tỉnh cho đến nay đã có khoảng 1,1 triệu người duy trì việc tập luyện TDTT thường xuyên, đạt gần 31,7% dân số của tỉnh và con số này tăng đều mỗi năm; 21,4% số hộ đạt tiêu chí “gia đình thể thao”. Tại các xã, phường, thôn, bản, khối xóm phần lớn đã có nhà văn hóa kết hợp với sân thể thao cho các tầng lớp nhân dân đến tập luyện thể dục - thể thao. Ngoài ra, là các mô hình sân cỏ nhân tạo, sân quần vợt, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn…. như tại Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu…

Tuy nhiên, nhìn chung, cả ở cấp huyện, thành, thị, cơ sở vật chất thể thao vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Theo Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao, mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) phải có ít nhất hai trong các công trình thể dục, thể thao cấp huyện: sân vận động, bể bơi, nhà tập luyện thể thao. Nhưng ở tỉnh ta vẫn chưa có nhiều địa phương đạt được tiêu chí này. Ngoài TP. Vinh và các huyện, thị kể trên, nhiều huyện còn lại chỉ có mỗi sân vận động như Hưng Nguyên, Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn… Huyện Quỳ Châu thậm chí còn chưa có cả sân vận động lẫn nhà thi đấu. Theo bà Lô Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Quỳ Châu, thì: Do chưa có sân vận động nên huyện rất khó tổ chức các giải đấu bóng đá, còn khi tổ chức các giải đấu của các môn trong nhà như cầu lông, bóng bàn đều phải mượn sân của các cơ quan, đơn vị như UBND huyện, Công an huyện…

Nhìn rộng ra ở cấp tỉnh, một số môn thể thao phong trào phổ biến như: cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn… được đưa vào thi đấu ở rất nhiều giải thể thao, nhưng theo đánh giá của các HLV, VĐV nhiều kinh nghiệm, Nghệ An hiện không có một nhà thi đấu nào có đủ diện tích, bề mặt sàn đấu, ánh sáng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trung tâm thi đấu và dịch vụ TDTT, như đã nói, đã xuống cấp, còn nhà thi đấu TDTT TP. Vinh, dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2010 và có bề ngoài khá bề thế được đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng thiếu thiết bị che chắn gió, hệ thống ánh sáng cũng không đảm bảo….

Các VĐV bi sắt luyện tập trên sân không có mái che.
Các VĐV bi sắt luyện tập trên sân không có mái che.

Qua trao đổi với các cán bộ quản lý thể thao từ cấp huyện đến cấp tỉnh, nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT trên địa bàn tỉnh vừa thiếu, vừa yếu là vấn đề ngân sách eo hẹp, nên thiếu kinh phí đầu tư, rồi nguồn quỹ đất ở một số địa phương hạn chế… Tuy vậy, để tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động TDTT, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, từ năm 2009, tỉnh đã có Đề án “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, thể thao tỉnh Nghệ An đến năm 2015, có tính đến năm 2020”. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án, hiệu quả của việc xã hội hóa thể thao trên địa bàn tỉnh rất thấp. Ngoại trừ TP. Vinh và một số huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu…, hầu hết các địa phương đều thiếu tích cực trong đẩy mạnh công tác trên.

Thực tế cho thấy, để từng bước tạo kinh phí cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất ở cấp huyện, bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, thì các địa phương cũng phải năng động trong việc tạo ra phong trào thể thao sôi nổi trên địa bàn toàn huyện, đa dạng hóa phương thức hoạt động thể dục, thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tự nguyện tài trợ, đóng góp kinh phí và tham gia vào ban tổ chức các cuộc thi đấu thể thao cũng như mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng, quy mô hoạt động các cơ sở thể dục, thể thao ngoài công lập… Nếu không làm được điều đó thì không những khó khăn trong việc xây dựng các công trình thể thao, mà có xây dựng rồi cũng hoạt động kém hiệu quả. Như tại Nam Đàn, Quỳ Hợp… đã đầu tư xây dựng sân vận động, nhà thi đấu khá hoành tráng từ ngân sách nhà nước, nhưng do thiếu sự đa dạng trong việc tổ chức các hoạt động thể thao nên các công trình không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

...Đến thiếu chỗ tập

Những ngày nắng nóng đầu hè, đến Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT thỉnh, mới thấy được sự khó khăn của các VĐV, khi mà cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện các môn thể thao vừa thiếu, vừa xuống cấp. Ông Nguyễn Hữu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện trung tâm đang tập trung đào tạo 18 môn thể thao, với gần 300 vận động viên. Thế nhưng, hệ thống cơ sở vật chất, trong đó chủ yếu là nhà tập, phòng tập luyện lại không hề tương xứng với quy mô khi vừa thiếu vừa chật chội. Toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ tập luyện của trung tâm chỉ có một nhà khung sắt do Tổng cục TDTT hỗ trợ xây dựng cách đây gần 20 năm, có diện tích hơn 700m2, là nơi tập luyện của một số môn võ, vật và cử tạ; 1 bể bơi; một khu đất bên hông trung tâm là nơi tập luyện của các VĐV bi sắt. Còn lại, có đến 10 môn phải thuê địa điểm bên ngoài là SVĐ Vinh và Trung tâm thi đấu TDTT tỉnh dù các địa điểm này đều không đáp ứng được yêu cầu tập luyện”.

Tìm đến phòng tập của các VĐV môn Taekwondo ở dưới khán đài A, Sân vận động Vinh, dễ nhận thấy phòng tập này không những không đủ tiêu chuẩn về kích thước (diện tích phòng tập là 40m2 cho 20 vận động viên tập luyện, trong khi đó theo quy chuẩn phải đạt trên 100m2) mà còn ẩm thấp, tối, kín và nóng bức. Do diện tích sàn tập không đảm bảo theo đúng chuẩn, nên trong quá trình luyện tập, nhiều va chạm dẫn đến thương tích đáng tiếc đã xảy ra. Các môn võ cổ truyền, karatedo, wushu, boxing cũng trong tình trạng tương tự. Còn tại Trung tâm thi đấu và dịch vụ TDTT tỉnh, chỉ trên một mặt sàn bằng môt sân bóng đá 5 người, đã có đến 3 môn cùng tập là bóng chuyền, đá cầu và cầu mây chuyện bóng, cầu của môn này “bay” sang sân của môn kia làm gián đoạn việc tập luyện đã trở nên quen thuộc.

Đó là chưa kể Trung tâm thi đấu và dịch vụ TDTT tỉnh được đầu tư cách đây 16 năm nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp như: hệ thống sàn, điện chiếu sáng không đủ độ sáng, mái che đã thấm dột nhiều nơi… cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tập luyện của các VĐV. Còn tại bãi đất bên hông Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT tỉnh, đội tuyển bi sắt, dù đặc thù là tập luyện và thi đấu ở ngoài trời, nhưng vẫn chưa có sân tập luyện có mái che, trong khi thời tiết ở tỉnh ta lại khá khắc nghiệt.

Để thể thao Nghệ An ngày càng có vị thế và vươn xa, cần sự quan tâm và đầu tư của tỉnh và Trung ương trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT. Bên cạnh đó cũng rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân cũng như sự năng động của ngành thể thao và địa phương.

Minh Quân