Người Rohingya trong các trại tị nạn ở Bangladesh lo sợ phải di chuyển

03/06/2015 10:48

(Baonghean.vn) - Hơn 20 năm sau khi làn sóng đầu tiên của người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar, sự sợ hãi buộc phải di chuyển một lần nữa đang thực sự lan rộng tại các trại tị nạn ngột ngạt của những ngôi nhà tối tăm nơi họ đang trú ẩn ở miền nam Bangladesh.

Rupban, một người phụ nữ Rohingya tại một trại tị nạn ở Kutupalong
Rupban, một người phụ nữ Rohingya với bức ảnh gia đình của cô ấy tại một trại tị nạn ở Kutupalong.

Những người tị nạn lo lắng chính phủ Bangladesh muốn đưa họ ra khỏi tầm mắt, có lẽ là đến một trong những hòn đảo trong vịnh Bengal. "Bây giờ đây là nhà của chúng tôi, hòa bình ở đây” - Nur Alam, người đã từng vượt sông Naf bằng một chiếc thuyền nhỏ vào năm 1991 nói. "Chúng tôi không chắc chắn sẽ được an toàn ở những nơi khác."

Khoảng 33.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống chen chúc trong hai trại đổ nát ở các làng Kutupalong và Nayapara, gần biên giới Myanmar, được hỗ trợ bởi Liên Hiệp Quốc và chính phủ Bangladesh. Họ là những người may mắn.

Ở bất cứ trại tị nạn và ngọn đồi nào gần đó đều có từ 200.000 đến 400.000 người Rohingya - những người mà chính phủ không chấp nhận họ là người tị nạn tạm thời vì sợ làm giảm khả năng đưa họ trở lại Myanmar, nơi mà họ nói rằng họ phải đối mặt với cuộc khủng bố.

HTImam, cố vấn chính trị của Thủ tướng Sheikh Hasina, cho biết sự hiện diện của rất nhiều người nước ngoài mà không có giấy tờ tùy thân hợp pháp hoặc không có việc làm đã gây ra nhiều vấn đề cho người dân địa phương và làm cản trở sự phát triển. "Người Rohingya là những công dân của Myanmar và họ buộc phải quay trở lại", ông nói. "Chúng tôi đồng cảm với họ, nhưng chúng tôi không thể cho họ lưu trú lâu hơn nữa."

Những tuần gần đây, cộng đồng quốc tế quan ngại trước tình cảnh khốn khó của người Rohingya khi hơn 4.000 người di cư lênh đênh trên những chiếc thuyền ọp ẹp bên bờ biển của khu vực Đông Nam Á. Những người di cư, chủ yếu là người Rohingya và người Bangladesh muốn thoát khỏi nghèo túng ở quê nhà, đã bị những người buôn người bỏ rơi trên biển sau khi Thái Lan đã phát động một chiến dịch truy quét các băng nhóm buôn người qua biên giới phía nam Thái Lan và Malaysia.

Phương Thảo

(Theo Reuters)