Công trình nước sinh hoạt tự chảy ở miền núi: Bài 1-Nhiều công trình bỏ hoang

07/05/2015 20:46

(Baonghean) - Sinh sống trên các triền núi, xa nguồn nước khe suối, đặc biệt khi nguồn nước từ khe suối cũng bị ô nhiễm nặng nề chính là một trong những khó khăn lớn của đồng bào các dân tộc ở 11 huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta quan tâm dành nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt cộng đồng, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều công trình đưa vào sử dụng không được bao lâu đã hư hỏng, người dân bức xúc, Nhà nước lãng phí nguồn đầu tư lớn.

Bể nước tại bản Piêng Điếm, xã Châu Phong (Quỳ Châu) hiện đã hư hỏng.
Bể nước tại bản Piêng Điếm, xã Châu Phong (Quỳ Châu) hiện đã hư hỏng.

Đến bản Khun, xã Châu Hội (Quỳ Châu) một ngày nắng nóng giữa tháng 4, không khó bắt gặp hình ảnh người dân, từ già đến trẻ với lỉnh kỉnh xô, can đi xin nước. Ông Sầm Văn Lâm, một người dân nói với chúng tôi: “Khổ lắm các chú à, đi làm về đã mệt, nước không có để mà nấu ăn, nói chi rửa ráy, tắm giặt...”.

Trưởng bản Khun, ông Lữ Kim Thành, cho hay: Năm 2011, bản được đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho 218 hộ dân, tuy nhiên công trình chỉ sử dụng được 6 - 7 tháng sau đó hư hỏng, bỏ hoang từ đó đến nay. Vì vậy, ngoài nguồn nước mưa dự trữ, các gia đình đều phải đào giếng nhưng đến mùa tháng 4, tháng 5 nắng hạn, giếng “trơ đáy”, buộc phải sang các bản khác có địa hình thấp hơn để xin nước về dùng. “Một công trình tiền tỷ của Nhà nước đầu tư mà không mang lại hiệu quả cho người dân thì lãng phí vô cùng” - ông Thành nói.

Không riêng bản Khun, tại bản Tằn 2, công trình chứa nước tự chảy được đầu tư xây dựng cách đây 3 năm bằng nguồn vốn thuộc Chương trình 134 của Chính phủ, giờ đây cũng... bỏ hoang. Nếu như trước đây, nó là niềm ao ước của đồng bào, thì hiện công trình lại được phục vụ cho một mục đích khác, đó chính là trở thành... sân chơi cho những đứa trẻ trong bản.

Ông Lang Anh Tý, Chủ tịch UBND xã Châu Hội, cho biết: Xã Châu Hội, hiện nay có 3 công trình chứa nước sinh hoạt tự chảy, tuy nhiên 2 công trình đã bị xuống cấp và hư hỏng, không sử dụng được. Vì vậy, hàng trăm hộ dân nơi đây quanh năm thiếu nước sinh hoạt.

Còn ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) có 19 thôn, bản, đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ còn 3 công trình đang hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Trí Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quỳ Châu, cho biết: Từ nguồn vốn thuộc các Chương trình 134/CP, 135/CP... trong những năm qua, huyện đã xây dựng được 28 công trình nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn bản, với mức đầu tư trên 1 tỷ đồng/công trình. Tuy nhiên tính đến nay, toàn huyện chỉ còn 15 công trình còn sử dụng được. Đối với các công trình đã hư hỏng, theo tính toán nếu tu sửa cũng phải mất trên 20 tỷ đồng, trong khi hiện nay nguồn kinh phí chưa có.

Bể nước tại bản Khun, xã Châu Hội (Quỳ Châu) đã hư hỏng, trở thành nơi tập kết vật liệu.
Bể nước tại bản Khun, xã Châu Hội (Quỳ Châu) đã hư hỏng, trở thành nơi tập kết vật liệu.

Lên với huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương, phần lớn là đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống trên các triền núi cao tình hình cũng không khác là bao. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, nhưng qua thời gian sử dụng, nhiều trong số này đã hư hỏng. Hàng ngày người dân phải sử dụng can nhựa đến các mó (nguồn) nước xa bản để lấy nước về sinh hoạt, đặc biệt nghiêm trọng khi vào mùa khô.

Toàn huyện Kỳ Sơn đến nay đã xây dựng được 165 công trình nước phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho bà con đồng bào các dân tộc, với tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng từ các chương trình đầu tư như 134/CP, 135/CP... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có 15 công trình kém hiệu quả, 19 công trình không hoạt động.

Tại địa bàn huyện Anh Sơn, theo kết quả điều tra quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước tập trung, toàn huyện hiện có 9 công trình nước sạch và nước sinh hoạt, trong đó có 1 nhà máy cấp nước bơm dẫn cấp nước cho nhân dân thị trấn và vùng lân cận, do Trung tâm cấp nước Nghệ An quản lý, vận hành; 8 công trình cấp nước tự chảy được xây dựng rải rác trên địa bàn các xã Thọ Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn (2 công trình), Hoa Sơn (2 công trình), Phúc Sơn, trong khoảng thời gian từ 1994 - 2010, được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, Chương trình 134, 135, các dự án do Đan Mạch tài trợ. Quy mô đầu tư mỗi công trình từ 1 - 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay chỉ có 3 công trình còn hoạt động, gồm công trình nước tự chảy bản Ồ Ồ, Già Hóp, xã Tường Sơn; công trình nước tự chảy đập Khe Da, xã Tường Sơn; công trình cấp nước tự chảy thôn 8, 9, xã Hoa Sơn, còn lại các công trình đều đã hư hỏng, bỏ hoang, chưa có kinh phí tu sửa.

Đơn cử tại xã Hoa Sơn, vào năm 2007, thông qua Chương trình 134/CP, xã được đầu tư công trình nước tự chảy đầu nguồn tại 2 bản Vĩnh Kim, Yên Hoà. Công trình có 9 bể nước cộng đồng với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, bể nước đầu nguồn hư hỏng, bỏ không, đường ống dẫn nối từ mạch nguồn bị bể trong lòng đất, nhà tắm, vòi nước và nắp bê tông đều không còn. Tương tự, tại xã Phúc Sơn, năm 2002 công trình nước sinh hoạt cộng đồng lấy nước từ nguồn tự chảy tại bản Cao Vều 1, được hoàn thiện với hệ thống bể chứa nước, đường ống, bể lọc trên đỉnh đồi, trụ cấp nước cho các hộ.

Công trình được tài trợ từ Dự án chương trình nước sạch Danida, do xã làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 539 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị bàn giao thì hệ thống ống dẫn nước bị vỡ, nguồn nước dẫn về các hộ vẩn đục. Đến nay, toàn bộ hệ thống ống dẫn nước bị mục nát, ống kẽm gỉ sét, nhà thầu không quyết toán được công trình đã bỏ dở và không có thêm một động thái nào. Ông Lê Văn Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: Công trình bị hư hỏng đường ống dẫn, do đó khắc phục công trình này phải đầu tư lại từ đầu, chi phí lớn, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, không có để bố trí.

Công trình nước sinh hoạt cộng đồng bản TĐC Huôi Muồng, xã Tiền Phong (Quế Phong) không có nước về mùa khô.
Công trình nước sinh hoạt cộng đồng bản TĐC Huôi Muồng, xã Tiền Phong (Quế Phong) không có nước về mùa khô.

Những năm qua, thông qua các chương trình của Chính phủ, như 134, 135 và các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ: OXFAM, UNIXEF, JACA, DANIADA..., toàn tỉnh đã xây dựng được 437 công trình nước sinh hoạt tự chảy tại các huyện miền núi, trung du, giải quyết nước sinh hoạt cho 41.515 hộ dân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Không những giải quyết nước sinh hoạt hàng ngày cho con người, nhiều nơi bà con còn sử dụng nguồn nước này để chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống.

Thế nhưng, theo đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, hiện trong tổng số 437 công trình nước này chỉ có 18,5% công trình hoạt động hiệu quả; 34% công trình hoạt động trung bình; 24% công trình hoạt động kém hiệu quả; số còn lại 23,5% công trình ngừng hoạt động. Nguyên nhân sự kém hiệu quả được kể đến là khá nhiều: có công trình thời hạn đầu tư đã lâu (trước năm 2000), nhiều công trình được xây dựng không đảm bảo chất lượng, mức độ đầu tư không hoàn thiện, công trình thu gom nước đơn giản, không đầu tư vào hộ gia đình, nên không thu được tiền sử dụng nước; các công trình chủ yếu do cộng đồng quản lý, sử dụng, không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, đặc biệt sau mưa lũ, ý thức bảo vệ, sửa chữa của người dân còn kém...

Có thể thấy, thực trạng buồn là hầu hết các huyện miền núi của tỉnh ta đều có công trình nước sinh hoạt tự chảy cộng đồng bị hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, gây bức xúc trong dân trong khi dường như chính quyền địa phương thì rất lúng túng để tìm giải pháp khắc phục.

Xuân Hoàng - Đặng Cường