Khám phá cộng đồng người Mông miền Tây Nghệ An: Bài 3-Chiếc khèn Mông

07/05/2015 20:56

(Baonghean) - Hiện nay, giới trẻ các cộng đồng dân tộc thiểu số không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên đối với các bạn trẻ người Mông. Họ vẫn nghe nhạc Mông hát những làn điệu dân ca truyền thống và tiếng khèn Mông vẫn vang lên trên những bản nhỏ…

Truyền thuyết khèn Mông

Bất cứ người Mông nào ở vùng núi cao đều coi cây khèn như một vật thiêng. Đàn ông trưởng thành thường sắm một vài cái khèn, nhỏ to tùy lúc vui hay buồn đều đem ra thổi. Tiếng khèn thường vang lên trong những ngày hội Xuân, lúc rỗi việc nương rừng. Trong đám tang, tiếng khèn là thứ âm nhạc đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Mông, thì phải có cái khèn mới làm được đám tang. Tiếng khèn là lời nói và người chết theo những bài khèn đó mà ăn cơm sáng, cơm chiều và về cõi trời. Không có tiếng khèn, ma sẽ không hiểu được lời nói của người.

Ông Xồng Già Sâu - bản Nậm Càn (Nậm Càn - Kỳ Sơn) thổi khèn Mông.
Ông Xồng Già Sâu - bản Nậm Càn (Nậm Càn - Kỳ Sơn) thổi khèn Mông.

Về chiếc khèn Mông, có một số sự tích liên quan. Trong rất nhiều điều chia sẻ cùng chúng tôi suốt một buổi chiều, già bản Lầu Xái Phia ở bản Nậm Khiên xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) kể câu chuyện sau đây… Chẳng còn ai nhớ 6 anh em nhà nọ thuộc dòng họ gì nữa. Chỉ biết, họ không còn cha mẹ. Vì mồ côi nên mấy anh em thương yêu nhau như ngón chân, ngón tay. Một lần đi rẫy về, cả 6 người cùng lội qua một khúc suối lớn. Lúc ấy đang mưa gió và nước lũ đổ về. Đến giữa quãng thì tất cả đều bị lũ cuốn đi. Bốn người trong số họ chết đuối, còn 2 anh em thì dạt vào phía bên bờ sông không một bóng người, những bụi nứa bên sông thì ngổn ngang xác người chết đuối.

Sau khi tìm được cái ăn, hết cơn đói, 2 anh em than thân trách phận đã mồ côi trời còn chia cắt khiến họ âm dương ly biệt. Họ lấy xương người dạt vào bờ sông mài làm dao cắt nứa khoét ống sáo, rồi thổi lên vang động khắp núi rừng. Sau đó, hai người nghĩ về những người anh em xấu số của mình mà xót xa lòng. Họ bàn nhau đi kiếm 6 ống sáo ghép lại, cây lớn ngắn nhất là ống sáo anh cả. Cây nhỏ nhất là em út. 6 cây sáo tạo thành một loại nhạc cụ được đặt tên mới là chiếc khèn, khi ngân lên có tiếng bổng tiếng trầm, tiếng to tiếng nhỏ. Cây sáo giúp họ chuyện trò được với những người anh em đã mất đang ở cõi trời.

Nghe thấy tiếng sáo, tiếng khèn, tất cả các con vật ở rừng cũng hiểu được tâm sự của 2 anh em. Chúng tìm đến để nghe họ. Sau rồi các loài vật thèm muốn những nhạc cụ của hai anh em. Lúc này, hai người mới nói với chúng rằng ai giúp họ vượt sông sẽ thưởng cho ống sáo hay nhất. Trong số các loài vật trong rừng chỉ có vượn và diều hâu dũng cảm nhận lời. Vượn lần lượt cõng từng người bơi qua sông, còn diều hâu thì bay phía trước để dẫn đường và hỗ trợ ở những quãng khó khăn.

Sang sông rồi, hai anh em người Mông mừng rỡ đi tìm lại bản mường của mình. Họ cũng không quên công ơn của vượn và diều hâu. Vượn được tặng ống khèn kêu hay nhất còn diều hâu công cán ít hơn nên chỉ được cái ống khèn bình thường. Chính vì thế mà ngày nay tiếng hót của loài vượn còn hay hơn tất cả các loài chim muông. Ấy là nhờ được 2 anh em người Mông tặng cho chiếc ống khèn tốt nhất. Còn diều hâu chỉ được chiếc khèn có thanh âm bé nên giọng hót của nó chỉ ở mức bình thường…

Âm điệu vui ở bản Phà Nọi

Chính vì câu chuyện của già Xái Phia nên khi đến những bản Mông, chúng tôi thường lắng tai để tìm tiếng khèn. Thế rồi, trong một buổi chiều cuối ngày chúng tôi tới bản Phà Nọi xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Trước đó, Phó chủ tịch xã Hạ Bá Thái đã giới thiệu rằng bản này đông vui, đời sống cũng khấm khá nhất xã. Cái bản nhỏ chẳng mấy khi ngớt tiếng khèn, tiếng sáo.

Quả vậy, khi chúng tôi vào bản cũng vừa đến giờ bầy trẻ dong trâu từ bãi chăn thả ven những ngọn đồi về bản. Từ căn nhà gỗ bên đường cái vọng ra tiếng nhạc trầm đục lúc tỷ tê tâm tình lúc lại ngân lên hồn nhiên. Khi nhòm qua khe cửa thấy một ông bố trẻ tay cầm khèn ngồi thổi. Nép vào vai anh là 2 chú bé con đứa khoảng lên 2, đứa lên 4.

Nhà có khách lạ, ông bố trẻ ngừng tiếng nhạc, ngó lên cất lời chào bằng một gióng tiếng Kinh lơ lớ. Người bố trẻ ấy là Và Bá Dì, năm nay 30 tuổi. Anh là một trong 2 người thổi khèn giỏi nhất bản. Bá Dì cho biết chiều nay mấy đứa trẻ nhà anh quấy khóc nên ông bố trẻ phải dỗ chúng bằng tiếng khèn. Sau này, khi hỏi chuyện những người dân ở xã Na Ngoi mới biết rằng Và Bá Dì ở bản Phà Nọi là người trẻ thổi khèn giỏi nhất vùng.

Trong những cuộc giao lưu văn hóa vùng 4 xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, anh chàng này luôn giành giải nhất. Vốn là một người đam mê khèn Mông, lúc nào trong nhà Bá Dì cũng có 2 chiếc khèn. Người Mông ở miền Tây đất Nghệ chẳng còn mấy ai biết cách chế tác khèn Mông như ở các tỉnh miền núi phía Bắc nên họ phải mua khèn từ những người bán rong người Lào, thậm chí phải sang tận bên nước bạn mới mua được cái khèn như ý.

Rồi như một nghệ sỹ say sưa, Và Bá Dì kể về những điệu múa khèn. Theo anh, người Mông có khá nhiều những điệu múa khèn. Một người được cho là giỏi ít nhất phải biết thổi và múa 6 điệu khèn. Điệu khèn đơn giản nhất gọi là “tờn đí”. Để học được điệu khèn này không hề đơn giản bởi đó là bài tập đầu tiên. Trong khi việc làm chủ được cái khèn và những nốt nhạc đã là cả một việc gian nan đối với người mới tập thì việc để thổi ra bản nhạc lại càng khó khăn. Một khi đã làm chủ được cây khèn và bài tập đầu tiên thì việc học khèn trở nên đơn giản hơn.

Một người thổi khèn giỏi chưa hẳn đã múa đẹp. Những điệu múa nhìn qua tưởng như đơn giản, nhưng để tập được nó cũng phải tốn công và chịu khó lắm. Ngày mới tập múa khèn, chỉ với điệu múa vừa thổi khèn vừa đá chân ra sau hay về phía trước cũng đã khiến Và Bá Dì mất hẳn một mùa trăng. Sau rồi anh cũng đã vượt qua được 6 điệu khèn. Có bài chỉ tung tẩy chân tay theo tiết tấu của bản nhạc, có bài vừa tung chân vừa phải đi vòng tròn. Những điệu múa khèn đòi hỏi người tập phải vừa khéo léo lại phải có sức khỏe, bởi lẽ trong khi nhảy múa thì những âm điệu của bản nhạc vẫn phải ngân lên không được đứt quãng. Nếu tiếng nhạc ngừng thì coi như điệu múa này đã trở nên vô nghĩa, thậm chí nó còn làm cho ma không còn hiểu được lời của người nếu là múa khèn trong đám tang.

Những người dân trong bản bảo với chúng tôi rằng điều khiến chưa có người trẻ nào trong vùng vượt qua được tài năng múa khèn của Và Bá Dì là bởi anh đã thực hiện được điệu múa khó nhất. Điệu múa này được coi là bài cuối cùng mà người luyện tập phải đạt tới, trong đó có động tác vừa thổi khèn vừa lộn vòng về phía trước và ra phía sau. Và Bá Dì cho biết, nếu múa thành công trong điệu múa này người tập phải biết cách chịu đau, đặc biệt là né tránh tai nạn…

Dẫu chỉ có một buổi chiều ngắn ngủi trong khi dùng chân trên cuộc hành trình, nhưng anh bạn trẻ mê khèn Mông Và Bá Dì đã cho chúng tôi biết được khá nhiều điều thú vị về cây khèn có 6 ống trúc, không chỉ là một nhạc cụ mà còn là vật thiêng, để lại nhiều xúc cảm nhất đối với chúng tôi, trong hành trình khám phá cộng đồng người Mông ở miền Tây Nghệ An!

TIN LIÊN QUAN

Hữu Vi - Đào Thọ