Để đáp ứng tiến độ cấp quyền sử dụng đất, nhà ở trên TP. Vinh
(Baonghean) - Tính đến năm 2014, trên địa bàn TP. Vinh có 46 khu chung cư, khu đô thị mới đã được đưa vào sử dụng với khoảng 3.000 hộ dân đến ở. Tuy nhiên mới chỉ có 879 trường hợp được cấp quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất; theo yêu cầu của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015, TP. Vinh phải cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận đối với 2.105 hộ. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quốc Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh xung quanh vấn đề trên.
Khu chung cư cao tầng trên Đại lộ Lê Nin - TP Vinh. Ảnh: hoàng vĩnh |
P.V: Đồng chí có thể cho biết một số kết quả trong việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của các tổ chức đầu tư xây dựng nhà để bán trên địa bàn TP. Vinh đến thời điểm hiện nay?
Đồng chí Lê Quốc Hồng: Hiện nay trên địa bàn TP. Vinh có 46 dự án khu chung cư, khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng. Trong đó có 65 trên 84 dự án xây dựng chung cư cao tầng, 36 dự án xây dựng biệt thự, nhà liền kề đã được tỉnh giao đất cho chủ đầu tư. Theo thống kê của UBND thành phố, đã có gần 3.000 trường hợp hộ dân đến ở trong các dự án nêu trên. Về cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng, tính đến thời điểm hiện nay, các chủ đầu tư đã nộp hồ sơ cho thành phố 1.246 bộ, trong đó có 1.065 bộ là chung cư tại các block cao tầng, 181 nhà liền kề, biệt thự tại 17 dự án. Trong tổng số 1.246 bộ hồ sơ chủ đầu tư đã nộp, UBND thành phố đã trao bìa cho chủ đầu tư để chủ đầu tư trao bìa cho hộ dân 1.011 trường hợp, đạt 81,1%. Số còn lại chủ đầu tư mới nộp 146 bộ hồ sơ, qua kiểm tra UBND thành phố chuyển trả cho chủ đầu tư để hoàn thiện lại 55 bộ hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trả lại là 4,4%.
P.V: Trên thực tế lâu nay các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các hộ dân cũng phản ánh việc các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cũng như chậm các quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân đã nhận chuyển nhượng nhà hoặc quyền sử dụng đất ở các khu chung cư, khu đô thị mới. Vậy theo đồng chí khó khăn lớn nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối diện là cái gì?
Đồng chí Lê Quốc Hồng: Khó khăn thứ nhất là chủ đầu tư chưa tích cực lập hồ sơ thủ tục để trình Sở TN&MT kiểm tra theo quy định tại Điều 72. Khó khăn thứ hai là đối với các dự án đã được Sở TN&MT kiểm tra, ban hành thông báo đủ điều kiện để cấp bìa cho người nhận chuyển nhượng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chịu lập hồ sơ cho từng hộ dân để trình thành phố. Việc chủ đầu tư vẫn chưa lập hồ sơ trình thành phố, chúng tôi đánh giá có một số nguyên nhân sau: Người nhận chuyển nhượng chưa trả đủ tiền cho chủ đầu tư; chủ đầu tư đã được Sở TN&MT cấp bìa rồi nhưng bìa đang được thế chấp trong ngân hàng thương mại nên không có bìa để trình UBND thành phố để cấp bìa cho hộ dân; chủ đầu tư không liên hệ được với người nhận chuyển nhượng do người nhận chuyển nhượng đã cho người khác thuê lại; người nhận chuyển nhượng đã tự ý thông tầng, thay đổi kết cấu trong nhà mà không được phép của chủ đầu tư nên không được cấp bìa. Và theo đánh giá thống kê của chủ đầu từ gửi Sở TN&MT thì có đến 958 trường hợp rơi vào 4 nguyên nhân trên.
P.V: Trong trường hợp tiền đã nộp, các thủ tục về phía người dân đã hoàn thành nhưng vẫn không được phía chủ đầu tư cấp bìa, các hộ dân cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quốc Hồng: Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, nhất là Sở TN&MT và UBND thành phố đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc và phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai của thành phố đã trực tiếp làm việc, hướng dẫn cho từng hộ dân, nhưng có một số hộ dân vẫn chưa hợp tác trong việc lập hồ sơ để thành phố cấp bìa. Xin đề nghị mấy ý như sau:
Thứ nhất, các hộ dân khi đã nhận chuyển nhượng căn hộ hoặc nhận chuyển nhượng biệt thự, lô đất liền kề tại các dự án phát triển nhà ở thì cần phải đăng ký đất đai với cơ quan nhà nước. Việc đăng ký đất đai này thực hiện theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai 2013, đó là đăng ký tại UBND phường, xã sở tại hoặc tại văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Và khi đăng ký đất đai rồi, người dân có nhu cầu để được cấp bìa thì lập hồ sơ để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố. Tức là muốn làm được điều đó người dân phải hoàn thành việc nộp tiền cho chủ dự án để nhận chuyển nhượng căn hộ hoặc nhận chuyển nhượng lô đất.
Thứ hai, đối với trường hợp nhận chuyển nhượng lô đất biệt thự hoặc lô đất liền kề, theo quy định thì cấp huyện chỉ cấp bìa cho hộ dân khi trên đó đã được xây dựng công trình, tối thiểu phải xây dựng phần thô công trình. Hiện nay, theo quy định tại Điều 194 của Luật Đất đai 2013 và cụ thể hóa tại Điều 41 của Nghị định 43 thì có thể là các trường hợp dự án đã hoàn thành hạ tầng có thể được chuyển nhượng lô đất. Về nội dung này thì chưa có thông tư hướng dẫn. Trên địa bàn Nghệ An cũng đã có một số dự án trình nội dung này, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng kiểm tra. Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản trình xin ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng. Về trường hợp này khi nào có văn bản hướng dẫn chúng ta sẽ thực hiện, còn hiện tại vẫn đang yêu cầu phải có công trình trên lô đất đó. Có nghĩa rằng người dân nhận chuyển nhượng lô đất biệt thự, lô đất liền kề thì trên đất phải được xây dựng công trình. Theo quy định là chủ đầu tư xây dựng công trình nhưng thực tế lâu nay người dân tự bỏ tiền ra mua vật liệu và tự xây. Phải theo thiết kế được duyệt của dự án đó.
P.V: Thành phố có chính sách, giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của tỉnh là hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2015, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quốc Hồng: Tính đến thời điểm 31/1/2015 đang còn 2.105 trường hợp chưa được cấp bìa, trách nhiệm của thành phố là phải cấp bìa cho các hộ dân này. Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND thành phố đã có những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với chủ đầu tư xây dựng phát triển nhà trên địa bàn thành phố, trên cơ sở thông báo của Sở TN&MT khẳng định đủ điều kiện để được cấp bìa cho hộ dân, UBND thành phố đã có các văn bản gửi trực tiếp cho chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư lập hồ sơ để cấp bìa cho hộ dân theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT. Thứ hai, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư thông báo đến từng người nhận chuyển nhượng căn hộ hoặc lô đất đã xây dựng nhà và hướng dẫn cho người nhận chuyển nhượng đó hoàn thiện các hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm tra của Sở TN&MT đã khẳng định đủ điều kiện để được cấp bìa. Trường hợp chủ đầu tư đã chuyển nhượng căn hộ hoặc lô đất cho người dân mà chậm lập hồ sơ hoặc không chịu lập hồ sơ, thì UBND thành phố sẽ tổ chức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 102/2014 của Chính phủ, sau khi đôn đốc 3 lần nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 10 triệu đến 500 triệu đồng. Thứ ba, UBND thành phố đã chỉ đạo các bộ phận liên quan mà trực tiếp là Văn phòng đăng ký đất đai và phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp tốt với Sở TN&MT trong việc kiểm tra theo quy định tại Điều 72 của Nghị định 43. Thứ tư, yêu cầu phòng Tài nguyên - Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cử cán bộ chuyên quản trực tiếp làm việc với từng chủ đầu tư theo kết quả tại thông báo kiểm tra của Sở TN&MT. Thứ năm, yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai và phòng Tài nguyên Môi trường khi nhận được hồ sơ từ chủ đầu tư về việc cấp bìa cho người nhận chuyển nhượng thì tập trung ưu tiên giải quyết nhanh nhất có thể theo đúng quy định của pháp luật. Thứ sáu, định kỳ hàng tháng, phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm tổng hợp các số liệu nhận thông báo kết quả kiểm tra bên Sở TN&MT, số liệu cấp bìa cho hộ dân để đối chiếu, so sánh và tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tiếp theo giữa hai số liệu này.
P.V: Những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân ở khu chung cư, khu đô thị mới sẽ gây áp lực cho công tác quản lý hành chính đối với các khu dân cư nói trên? Đồng chí có chia sẻ gì tới các chủ đầu tư xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới?
Đồng chí Lê Quốc Hồng: Thành phố có Quyết định 1910 phê duyệt Đề án Quản lý hành chính khu dân cư. Và đối với các khu chung cư có 50% số hộ đã đến ở thì thành phố chỉ đạo chủ đầu tư phải thành lập ban quản trị khu chung cư để vận hành khu chung cư đó. Áp lực đối với nhà nước đó là áp lực quản lý hành chính: Thứ nhất, làm thế nào để quản lý được, có thể là tạm trú, có thể là thường trú. Thứ hai, phải cấp giấy chứng nhận cho hộ dân để người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất đồng thời nhà nước quản lý được tài sản đó.
Đối với các nhà đầu tư, chúng tôi có một số đề nghị như sau: Thứ nhất, đối với các dự án phát triển nhà ở, đề nghị các chủ đầu tư sớm lập thủ tục để trình Sở TN&MT kiểm tra điều kiện để thành phố cấp bìa cho hộ dân theo đúng quy định của Điều 72, Nghị định 43, ngày 14/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn. Nếu chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng công trình hoặc hoàn thành một bộ phận của công trình mà không trình Sở TN&MT kiểm tra, thì thành phố không có điều kiện để cấp bìa cho hộ dân. Thứ hai, khi Sở TN&MT đã kiểm tra đủ điều kiện cấp bìa rồi, thì phải thông báo cho các hộ dân nhận chuyển nhượng căn hộ hoặc lô đất hoàn thiện hồ sơ để trình UBND thành phố cấp bìa cho hộ dân. Trường hợp thông báo 3 lần rồi mà người dân vẫn không hợp tác thì đề nghị chủ đầu tư lập danh sách báo cáo UBND cấp xã sở tại và thành phố để chúng tôi xử phạt theo quy định tại Nghị định 102. Thứ ba, đề nghị hàng tháng vào ngày 25, chủ đầu tư lập danh sách các hộ dân đến ở trong tháng đó ở căn hộ, lô đất để gửi cho UBND phường, xã sở tại và gửi cho thành phố để chúng tôi nắm, theo dõi việc chủ đầu tư trình Sở TN&MT kiểm tra và UBND thành phố cấp bìa. Thứ tư, theo quy định đề nghị chủ đầu tư hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình công cộng trong dự án đó theo đúng thiết kế cơ sở để đảm bảo mỹ quan đô thị, cũng như đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân khi đến ở. Và khi đã hoàn thành xây dựng các công trình công cộng này rồi thì phải bàn giao cho thành phố. Thành phố sẽ nhận và vận hành các công trình công cộng này.
P.V: Xin cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)