Một ngày du ngoạn Tương Dương

28/05/2015 22:26

(Baonghean) - Anh bạn tôi ở Hà Nội qua mạng xã hội biết được miền núi Nghệ An có khu rừng săng lẻ tuyệt đẹp ngỏ ý với tôi muốn ghé thăm. Nhân tiện tôi “quảng cáo” rằng: Ngoài khu rừng săng lẻ còn có hồ thủy điện Bản Vẽ nước trong và mát, cảnh quan lại hùng vĩ rất phù hợp với người ưa khám phá. Đất này còn có đặc sản xoài trái nhỏ nhưng thơm ngọt hiếm thấy.

Rừng săng lẻ Tương Dương.
Rừng săng lẻ Tương Dương.

Nghe tôi bảo vậy anh bạn dành ngày cuối cùng, cũng là ngày cuối tuần trong chuyến công tác miền Trung để ghé thăm miền Tây Nghệ An. Anh cứ lo rằng với quỹ thời gian ít ỏi ấy, không biết có kịp từ Vinh về Tương Dương không. Nhưng tôi trấn an: Ở Thành phố Vinh đi xe khách về các huyện miền Tây Nam rất tiện. Từ quãng 3, 4 giờ sáng đã có xe chạy liên tục cho đến 7 giờ tối mới hết. Vậy là yên tâm rồi. Tôi còn bật mí thêm nếu muốn về các huyện Con Cuông, Tương Dương có một số nhà xe đón khách theo địa chỉ. Chỉ cần gọi vào di động, theo giờ đã định là họ đến rước tận nơi. Xe “dù” thật đấy những rất tiện. Giá vé lên huyện Con Cuông nơi có Vườn Quốc gia Pù Mát là 70.000 đồng, lên huyện Tương Dương đến rừng săng lẻ thì đắt hơn chút ít.

Dưới tán săng lẻ

Từ 5 giờ sáng, anh bạn tôi đã lên xe từ Thành phố Vinh. Sau gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi gặp nhau tại Thị trấn Con Cuông, huyện miền núi này nổi tiếng với tuyến du lịch Bản Nưa - Đập Phà Lài - Sông Giăng - thác Khe Kèm. Thế nhưng mục đích của bạn tôi là Tương Dương nên chúng tôi tiếp tục phía Tây thẳng tiến. Anh bạn tôi muốn chọn phương tiện dân dã nhất đó là xe gắn máy, mặc dù tại trung tâm huyện Con Cuông có dịch vụ cho thuê ô tô tự lái. Tôi chỉ biết chiều ý bạn nhưng thực ra khu rừng săng lẻ án ngữ ngay trên Quốc lộ 7, rất tiện đi ô tô.

Người dân bản Cây Me (Thạch Giám - Tương Dương) bán xoài bên cạnh quốc lộ 7A
Người dân bản Cây Me (Thạch Giám - Tương Dương) bán xoài bên cạnh quốc lộ 7A

Vì dịch vụ ở những điểm du lịch vùng cao Nghệ An còn quá nghèo nàn nên chúng tôi phải chuẩn bị khá kỹ những nhu yếu phẩm cần thiết. Sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi đến địa phận xã Tam Đình (Tương Dương). Nơi đây có khu rừng săng lẻ đặc biệt hiếm có ở miền Tây Nghệ An. Có người ví von cánh rừng nguyên sinh trải dài suốt hơn 1 km dọc Quốc lộ 7 này là “địa đàng xanh”. Từ những năm 1960 trở về trước đây là khu nghĩa địa của người dân trên địa bàn. Theo tập tục của người bản địa, khu rừng là nơi cấm kỵ, không ai dám động đến. Có lẽ chính vì quan niệm tâm linh này mà khu rừng vẫn giữ được vẻ nguyên sinh của nó cho đến khi chính quyền đưa vào diện quản lý đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt cho đến tận ngày nay. Trong cái nắng trưa gay gắt, đứng dưới tán rừng, thân nhiệt cơ thể như được điều hòa. Cái nóng nực tan biến dưới tán cây xanh mướt.

Sự hấp dẫn của khu rừng nhỏ này là điều không bàn đến nữa. Ấy vậy mà dường như quanh năm nơi đây khá vắng khách tham quan. Có chăng chỉ là những người dừng chân hóng mát chóng vánh rồi lên xe phóng đi. Anh bạn tôi lấy làm lạ, bởi vẻ nguyên sơ, trong lành của khu rừng săng lẻ thì khó có nơi nào bì kịp nhưng vẫn chưa có nhiều người quan tâm đến. Dường như biết được tâm tư của chúng tôi, một người có nhiệm vụ giữ rừng nơi đây là ông Vi Trường Vĩnh trú bản Quang Thịnh chia sẻ: Căn bản người ta dừng chân rồi đi bởi giữa khu rừng không có một hàng quán náo để người ta vừa nhâm nhi các món ăn, thức uống vừa ngắm cảnh.

Gặp ông Vi Võ Tuấn, Trưởng bản Quang Thịnh, địa bàn quản lý khu rừng săng lẻ, được biết: Quy mô của khu rừng đặc dụng này là 241 ha, trong đó phần rừng đặc chủng cây săng lẻ là 54 ha. Ông chỉ lên những tầng cây săng lẻ cao trên 40m rồi phân bua: “Hiện chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ chứ việc phát triển du lịch thì chỉ mới nghe nói đến chứ chưa thấy động tĩnh gì”.

Để đảm bảo về an ninh trât tự và an toàn phòng, chống cháy rừng, chính quyền địa phương chỉ cho phép các quán hàng bàn đồ uống phục vụ du khách hoạt động ở ngoài cửa rừng. Theo quan sát của nhóm chúng tôi thì phía bản Quang Thịnh chỉ có 4 quán hàng chủ yếu chỉ bán nước dừa. Các hàng quán hầu hết là của những người dân có nhà cạnh đường và một số sinh viên về bản nghỉ hè mở dịch vụ kiếm thêm thu nhập.

Xứ xoài ngọt

Ngược Quốc lộ 7A qua xã Tam Đình, nhóm chúng tôi đến xã Tam Thái và Thạch Giám, xứ sở của cộng đồng người Thái, cũng là “thủ phủ” của xoài ngọt Tương Dương. Đến bản Cây Me (Thạch Giám), phía hai bên đường có hàng chục quán lá dựng tạm bán những mặt hàng gồm rau, củ, quả của người vùng cao. Từ và năm trở lại đây, đời sống thay đổi, những thứ rau trên rừng, trồng trên rẫy cho đến những thứ củ, quả hái từ vườn nhà đều thành hàng hóa. Anh bạn chọn dừng chân cạnh quán lá có bán những trái xoài có vỏ màu xanh nhìn khá đặc biệt. Phảng phất ngoài vỏ mỗi trái xoài là một lớp phấn mỏng màu tro than.

Tôi nhận ra những quả xoài ngọt Tương Dương trước khi bà chủ trẻ đon đả mời chào. Bà chủ quán bảo những trái xoài hiện sắp chín. Mua về ủ một hai hôm là sẽ chín đỏ, thơm phức ngay. Để cho khách tin và chất lượng trái xoài, chủ hàng chọn một quả đã chín bổ ra mời ăn thử. Vị ngọt bùi tan nơi đầu lưỡi còn hương thơm thì như còn lưu mãi. Anh bạn tấm tắc: “Mình đi khắp thấy xoài này ngon nhất đấy. Chẳng kém xoài Lái Thiêu của miền Nam. Thậm chí xoài này dường như thơm hơn”. Tôi khoe thêm rằng: “Người Nghệ có câu: Cam Xã Đoài, xoài Tương Dương” mà bạn.

Sau khi khách đã thưởng thức, bà chủ cho biết: “Nếu các chú mua nhiều, chị bán cho 20.000 đồng mỗi cân, còn mua lẻ thì 25.000 đồng”. Anh bạn tôi chặc lưỡi: “Đúng là giá có nhỉnh hơn một số loại xoài khác trên thị trường, nhưng với độ ngon ngọt của đặc sản này thì xem ra vẫn... rẻ”. Sau khi mua một túi lớn những trái xoài ngọt với giá 20.000 đồng mỗi ký, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Xên Thị Liên, một hộ trồng xoài lâu năm. Hiện bà có gần 60 gốc xoài ở cả hai phía bên bờ sông Lam. Bà cho biết năm nay mất mùa xoài. Hạn hán khiến cây khó đậu quả, mới đây gió lốc cũng khiến xoài rụng hàng loạt. Dẫu vậy mỗi cây xoài vẫn có khoảng trên dưới một tạ quả.

Mời khách món xoài dầm ớt tươi, bà Liên chia sẻ: Lúc đầu gia đình chỉ trồng để con cháu có trái cây ăn, sau rồi chính quyền huyện triển khai dự án phát triền cây xoài bà mới mạnh dạn phát triển thành vườn cây. Giống xoài này dễ trồng, chỉ sau 5 năm là đã bắt đầu cho quả.

“Chạm ngõ” hồ Bản Vẽ

Dù trời đã đứng bóng nhưng anh bạn tôi vẫn muốn tham quan thêm hồ Thủy điện Bản Vẽ. Sau bữa ăn chóng vánh bằng món cá lăng, thịt gà đen, những thực đơn không hề khó kiếm tại các nhà hàng ở Thị trấn Hòa Bình, trung tâm huyện Tương Dương, chúng tôi lại ngồi “ngựa sắt” đi khoảng 25 km nữa thì đến Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na - Tương Dương).

Tôi thầm tiếc cho bạn vì chuyến đi không đúng dịp nhà máy xả lũ sẽ tạo thành một cảnh quan khá hùng vĩ chứ không mang cái vẻ tĩnh lặng của một buổi chiều mùa hè. Không quen đi núi nên phải khó khăn lắm người bạn Hà thành của tôi mới men xuống được dưới bến thuyền.

Nơi đây có một cái tên gọi khá “kêu”, bến Thượng Lưu quy tụ gần chục cái lán bán hàng của người dân, là nơi neo đậu thuyền. Từ một quán lá có thể phóng tầm mắt ra xa tít tắp. Mặt hồ lăn tăn sóng nước, phía xa là những dải núi nhấp nhô đầy vẻ bí ẩn. Tình yêu quê hương trỗi dậy, tôi thao thao bất tuyệt về cái hồ nước nhân tạo rộng hàng nghìn héc-ta này. Đây vốn dĩ là lưu vực con sông Nậm Nơn hùng vĩ bậc nhất miền Tây Nghệ An. Hiện giờ thì cái hồ nước này cũng chẳng kém cạnh về vẻ đẹp cũng như sự hùng vĩ so với nhiều hồ thủy điện trên cả nước. Giữa lòng hồ còn nhiều làng bản người thiểu số, tha hồ để bạn khám phá, tìm hiểu.

Thuyền chở người đi lại trên lòng hồ thủy điện bản Vẽ (Yên Na - Tương Dương)
Thuyền chở người đi lại trên lòng hồ thủy điện bản Vẽ (Yên Na - Tương Dương)

Dù trời đã bắt đầu về chiều nhưng anh bạn vẫn muốn thăm thú một vùng trên lòng hồ và ghé thăm một bản nhỏ nào đó. Tại đây có hàng chục chiếc thuyền máy đang neo đậu chờ khách. Họ cho biết sẵn sàng đi “hợp đồng” nếu khách du lịch có nhu cầu. Một chủ thuyền tên Thanh Du trú ngụ ngay tại bản Vẽ, nơi xây dựng nhà máy thủy điện. Sau một hồi mặc cả chúng tôi thống nhất sẽ chi cho chủ thuyền 800.000 đồng cho một chuyến thăm thú chỉ diễn ra chóng vánh trong vòng vài giờ đồng hồ trên hồ Bản Vẽ bởi tối nay anh bạn tôi phải về Hà Nội để chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Người chủ thuyền cho biết, nếu đi trọn một ngày thì giá mỗi chuyến là 1,8 triệu đồng. Nếu đi dài ngày thì 1 triệu đồng mỗi ngày. Anh lái thuyền phân bua hiện giá xăng đã tăng trở lại nên phải nâng giá cước. Thời điểm trước đây một vài tháng thì giá cho một chuyến đi trong ngày chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.

Dường như anh bạn tôi chẳng mấy để tâm đến chuyện giá cả mà tập trung ngắm cảnh lòng hồ. Chốc chốc chúng tôi là bắt gặp một vài chóp núi nhô lên khỏi mặt nược nước tạo nên một thứ cảnh quan lý thú. “Cái này khiến người ta dễ liên tưởng đến những ngọn núi ở Vịnh Hạ Long.” - Anh bạn tôi chia sẻ. Sau 40 phút chạy thuyền máy chúng tôi đến Pủng Ca Moong, một bản người Khơ mú thuộc xã Lượng Minh (Tương Dương). Chuyến thăm thú ở bản tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ này dù chỉ diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ nhưng đã để lại trong người bạn xứ Bắc của tôi một cảm giác nuối tiếc: Giá mà mình có nhiều thì giờ hơn.

Vì công việc bận rộn nên anh bạn tôi không có thời gian ở lại một đêm tại thị trấn vùng cao Hòa Bình. Dẫu vậy, anh cũng đã có một bữa tối ưa miệng với những món ăn được chế biến từ rau rừng mà theo như lời khuyên của bác sỹ dành cho anh và những người thừa cân thì đó quả là một thực đơn có lợi.

8 giờ tối, bạn tôi lên xe về Hà Nội. Trước khi từ biệt, anh đã kịp chia sẻ: Nơi đây điều gì cũng thú vị nhưng dường như địa phương vẫn chưa khai thác những tiềm năng để phát triển du lịch. Đem những trăn trở này chia sẻ với anh Vi Sắt Son, Trưởng phòng VH-TT&DL huyện Tương Dương thì nhận được lời tâm sự: “Mọi cái mới chỉ đang manh nha thôi, chú ạ. Tại lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ giờ đã có HTX Đồng Tâm xây dựng mô hình phục vụ khách du lịch. Những người làm HTX chủ yếu là cán bộ UBND huyện nhằm để bà con làm theo”.

Vậy là để đánh thức tiềm năng du lịch ở huyện Tương Dương nói riêng, và cả miền Tây xứ Nghệ nói chung, còn nhiều việc phải làm...

Hữu Vi