Ta-leo đôi cho cơm lam
(Baonghean) - Từ xưa, cơm lam đã được chọn làm một trong những lễ vật không thể thiếu trong tập tục hôn nhân chính thống của người Thái. Khi đại diện bên nhà trai cùng với ông mối đến nhà gái làm lễ “xan nha” (xan nha: nghĩa là giao kết, đính ước - lễ này chỉ được tiến hành một lần duy nhất, trước khi tiến hành hôn lễ chính thức một thời gian ngắn) - thì ngoài các lễ vật khác, họ phải chuẩn bị cho được 2 ống cơm lam đẹp, đều đặn, có thể trang trí thêm. Nhưng tập tục người Thái còn quy định thêm rằng, ngoài nút lá thông thường trên miệng ống cơm lam còn phải được bảo vệ bằng một cái ta- leo đan lồng đôi.
Đan ta - leo kiểu lồng đôi thường là phải có mẹo mới thực hiện được, thế nhưng ở mỗi bản vẫn có vài người khéo vót nan và biết đan sao cho đẹp. “Ta - leo lồng đôi” được buộc úp chụp vào miệng ống bằng 2 sợi lạt giang mềm, mỗi khoanh lạt buộc cách nhau một đoạn ngắn. Người Thái cho rằng ta- leo có chức năng trừ tà, xua ma đuổi quỷ, nút ta - leo được dùng với mục đích ngăn chặn các loại tà ma dọc đường đi, để nó không thể “thâm nhập” vào các ống cơm lam để lén “thưởng thức” trước, giữ cho ống cơm lam luôn được “nguyên lành, thanh sạch” cho đến lúc dâng cúng lên tổ tiên bên nhà gái. Trong trường hợp này, dễ nhận thấy các ống cơm lam đã được người Thái sử dụng để nêu bật, tôn vinh sự nguyên vẹn, trinh trắng trong hạnh phúc lứa đôi. Còn sự “chính thống” thể hiện trong việc này lại liên quan đến chi tiết, khi mà hai ống cơm lam dùng cho lễ “xan nha” đó bắt buộc phải được chọn từ hai cây nứa riêng biệt chứ không được dùng chung cùng một cây. Chỉ có trong hôn nhân chính thống (nam nữ còn thanh tân và không “trộm phép mẹ cha” tự ý ưng thuận đến với nhau làm vợ làm chồng) người Thái mới có lễ “xan nha” và dùng đến cơm lam…
Sở dĩ được gọi là cơm lam vì cơm được nấu chín trong các ống nứa, cũng có khi bằng ống tre, ống vầu, ống bương… Nhưng ống bằng nứa vẫn được sử dụng nhiều nhất vì nứa mọc nhiều, dễ chặt tỉa lại có các lứa cây phù hợp cho việc sử dụng làm ống cơm lam vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tốt nhất là những cây nứa bánh tẻ có đường kính khoảng trên dưới 3 phân, mọc ở nơi có nhiều ánh sáng. Các ống nứa được chọn phải tương đối đồng đều về kích cỡ; nhất thiết phần miệng của ống phải là phần phía gốc, phần đáy ống là phần phía ngọn của cây nứa.
Gạo để nấu cơm lam thường là loại nếp nương, nếp cẩm. Gạo được ngâm, có thể cho thêm chút ít muối. Bỏ gạo vào ống đầy lên cách miệng ống chừng vài ba đốt lóng tay thì đổ thêm ít nước thấy xâm xấp là được. Miệng ống được nút bằng lá chuối rừng rồi đem “lam” cho cơm chín.
“Lam” là động tác đặt hơi nghiêng ống nứa bên than hồng hoặc sát kề ngọn lửa, rồi chú ý xoay trở thường xuyên sao cho ống nhận đủ nhiệt để làm chín những thứ bên trong mà vỏ ống không bị cháy. Người đảm nhận việc “lam” cơm, do đó phải là người có tính chịu khó, kiên trì, khéo léo mới “lam” được những ống cơm lam ngon và đẹp. Đó là những ống có mùi thơm đượm của cơm nếp vừa chín tới, vỏ ống chỉ bị sém vàng. Người ta dùng dao mỏng chẻ tách bỏ lớp áo vỏ sém, chỉ giữ lại phần ruột vỏ trắng mỏng bên trong. Khi ăn có thể dùng tay tước lớp vỏ này ra một cách dễ dàng (cầu kỳ hơn thì dùng dao xắt ra từng khoanh giống như khoanh giò lụa).
Cơm lam có thể ăn ngay khi còn nóng, tuỳ theo điều kiện và khẩu vị mà người ta chấm với muối lạc, muối vừng, muối riềng, với loại “chẻo xụp” (chẻo xụp: loại “chẻo” được làm từ lá môn ngọt hông chín, phơi khô- rất thơm nếu được làm đúng cách) vụn khô, mà thậm chí không cần ăn với thứ “chẻo”, thứ “muối” nào cũng vẫn ngon như thường. Nếu sử dụng cơm lam làm món lương khô trong việc đi rừng săn thú, tìm ong… thì cứ để nguyên cả ống cơm lam đến hàng tuần vẫn có thể sử dụng ăn ngon như thường.
Món cơm lam của người Thái từng được phong lên hàng “đệ nhất ẩm thực Thái”. Và đã hàng trăm hàng ngàn năm nay, những ống cơm lam “đệ nhất” đó không chỉ nuôi sống con người, mà vẫn đang từng ngày từng giờ đảm nhận trọng trách cao quý trong việc bắc nhịp cầu hạnh phúc cho bao cặp uyên ương trong các bản mường người Thái, vun đắp cho cuộc sống của họ mãi mãi sinh sôi nảy nở.
SầmVăn Bình
(Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp)