Trở lại Xốp Mạt

21/06/2015 12:13

(Baonghean) - Cách đây vài năm khi nói về thẻo đất ấy, trong một bài viết trước đây tôi đã hình dung Xốp Mạt như “một kheo xương chó”. Cái bản nằm chênh vênh dọc theo dòng Nậm Nơn hiu quạnh, tiêu điều như có trận lốc vừa tràn qua. Ai đã từng đặt chân lên bản Xốp Mạt vào thời điểm ấy chắc hẳn cũng có cảm nhận tương tự. Nhưng nay khi tôi trở lại Xốp Mạt mọi thứ đã đổi khác, cho dù vẫn còn đó những vất vả, toan lo.

Mô hình trồng bầu của người dân  bản Xốp Mạt.
Mô hình trồng bầu của người dân bản Xốp Mạt.

Chuyện buồn ở Xốp Mạt

Khi nói về Xốp Mạt - một bản thuộc đồng bào dân tộc Thái ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nhiều người vẫn nguyên cảm giác rùng mình, lo sợ về một cụm dân cư được “định danh” là bản “không chồng” hay “thủ phủ ma túy” ở miền Tây xứ Nghệ. Không lo lắng sao được khi Xốp Mạt chỉ có 37 hộ dân mà có tới hàng chục người nghiện ma túy, hơn 30 gia đình có người đi tù vì các tội danh liên quan đến ma túy. Có những gia đình liên tục 3, 4 thế hệ, nào ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt đều vào tù vì tội buôn bán “cái chết trắng”. Thậm chí vào năm 2011 khi tôi đến Xốp Mạt đã bắt gặp những người “điềm nhiên” ngồi hút, chích heroin ngay bên đường, chẳng có chút e dè trước sự có mặt của những người xung quanh.

Người ta nói ở Xốp Mạt mua ma túy dễ hơn mua rau không hề quá. Khi đó Xốp Mạt còn nằm dưới chân núi, phía đông dòng Nậm Nơn và có tuyến đường núi xuyên qua bản Đửa (Lượng Minh) đến khu vực xã Cao Thắng thuộc huyện Kỳ Sơn giáp với nước bạn Lào. Đây cũng chính là con đường chủ yếu để các loại tội phạm lén lút đưa ma túy, xâm nhập và làm tan nát nhiều cộng đồng dân cư nơi đầu nguồn sông Cả. Ở Xốp Mạt, cơn bão ma túy đã cuốn theo đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Hàng chục gia đình tan nát vì heroin. Những vách lán tiêu điều không có đàn ông, những đứa trẻ sinh ra không bao giờ được hưởng trọn vẹn tình thương yêu của cha mẹ; những luống nương rãy thiếu bàn tay người vun xới; rồi HIV, rồi AIDS... Tất cả biến Xốp Mạt trở thành mảnh đất dữ, âm u lạnh lẽo.

Còn nhớ gia đình ông Lô Viết Luân, cả nhà có hơn 10 người thì có tới 8 người nghiện và đi tù vì ma túy, gồm cả bố, mẹ, con gái, con rể, cháu ngoại. Trở lại Xốp Mạt lần này, tìm đến nhà ông Luân thì được biết ông đã chết, vợ ông bị bắt đi tù vì ma túy đầu năm nay, 2 đứa con vẫn đang thụ án tận tỉnh Quảng Bình, còn những đứa cháu mỗi đứa phiêu bạt một nơi chẳng ai biết. Vậy mà trước đây ông Lô Viết Luân từng là Đảng ủy viên, cán bộ UBND xã Lượng Minh. Còn vợ ông cũng từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh. Cơn lốc ma túy quyét qua Xốp Mạt tạo ra một thứ dịch bệnh giết chóc và lây lan nhanh. Đã có rất nhiều nỗi đau âm ỉ và cháy bùng phát trong cái bản nằm chơi vơi bên suối ấy. Theo cắt nghĩa của đồng bào Thái, “Xốp Mạt” là cửa khe, suối nhưng đã có lúc người ta nghĩ “mạt” là mất, là hết. Và thực tế cái bản con con ấy đã biến mất dần trên vị trí địa lý ban đầu.

Liên tục trong các năm 2011, 2012 bản Xốp Mạt bị sạt lở nghiêm trọng. Đã có nhiều ngôi nhà bị bùn đất vùi lấp, lở núi cũng khiến nhiều ngôi nhà khác trôi tuột xuống dòng Nậm Nơn. Chính quyền địa phương các cấp đã quyết định phải di dời bản đến nơi tái định cư mới. Nhưng trước khi tìm được địa điểm để quy hoạch chỗ ở, người dân trong bản phải dựng tạm lán trại bám dọc Nậm Nơn. Rồi khu vực tái định cư cũng được quy hoạch và hình thành ở phía Tây của dòng Nậm Nơn, cách bản cũ chưa đầy 1 km. Thế nhưng ông trời dường như chẳng cho dân bản một cơ may, có vẻ như ông vẫn giận Xốp Mạt vì chưa dứt bỏ được ma túy. Vậy nên khu tái định cư tiếp tục sạt lở khi đơn vị thi công mới thực hiện san lấp được 2/3 mặt bằng. Người dân Xốp Mạt đã phải thở dài rằng: ông trời muốn dân Xốp Mạt tránh xa khu vực bản cũ. Lần thứ 2, khu tái định cư của bản Xốp Mạt được quy hoạch và thực hiện. Bản mới nằm cách xa nơi ở cũ khoảng 5 km, sát với trung tâm y tế và trung tâm văn hóa cộng đồng của xã Lượng Minh. Bắt đầu từ năm 2014, bà con đã di chuyển đến nơi ở mới.

Chờ mùa vui trở lại

Chúng tôi tìm về bản mới Xốp Mạt vào một ngày đầu tháng 6. Xốp Mạt lô xô dưới cái nắng đỉnh điểm của mùa hạn hán lịch sử. Địa chỉ đầu tiên chúng tôi muốn ghé thăm là nhà trưởng bản. Hóa ra đó là “anh” trưởng bản chứ không phải là “ông” trưởng bản như tôi đã hình dung. Lương Văn Thiện đón chúng tôi với nụ cười kín đáo và cái bắt tay rụt rè. Kể cũng lạ, trưởng bản mới 27 tuổi và có cái tên gây thiện cảm ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Lương Văn Thiện cho biết, hiện nay bản Xốp Mạt mới có 44 hộ gia đình. Khi chuyển từ nơi ở cũ về khu tái định cư mới các hộ dân đều được nhà nước hỗ trợ kinh phí di chuyển. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng, đối với nhà kê sàn được huyện hỗ trợ thêm 4 triệu đồng, nhà cột bình thường được hỗ trợ 3 triệu đồng. Ngoài ra các gia đình trong bản đều được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng làm nhà vệ sinh. Trưởng bản Lương Văn Thiện dẫn chúng tôi đi một vòng thăm nơi ăn ở mới của bà con. “Về đây yên tâm lắm, không lo như cái bữa trước. Ma túy, lở đất. Khổ lắm”. Thiện còn cho chúng tôi xem những luống rau nhỏ, giàn bầu, bí đã đơm hoa, kết trái do bà con tự gieo trồng và chăm sóc. “Người đang tưới rau là chị Lô Thị Thải, còn đang cho bê uống nước là La Thị Chùng. Nhà nớ khá. Có cả gà lợn nữa” - Trưởng bản chỉ tay giới thiệu.

Bản Xốp Mạt hiện có 158 khẩu và người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50%. Tuy vậy, theo như cách nói của anh Lương Trọng Phú thì: “Ở đây không ai phân biệt người trong hay ngoài tuổi lao động. Ai cũng phải làm việc để kiếm cái ăn”. Ngay cá nhân anh Phú mặc dù nhà đã chuyển về khu tái định cư nhưng vẫn phải dựng lều bên sông Nậm Nơn gần nơi ở cũ để buôn bán kiếm sống. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là vợ chồng anh Lương Trọng Phú, chị Lô Thị Thắm có 2 người con thì cậu cả Lương May Bún đang là sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học y Thái Bình, cô út Lương Thị Thu Hảo đang theo học Khoa Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Vinh. Chúng tôi nhận thấy trong ánh mắt của đôi vợ chồng ấy cháy lên một niềm tự hào, hy vọng tha thiết. “Cũng là kiếm cái tiền học cho con các chú nà. Vợ chồng kinh “danh” lặt vặt, tui có thêm cái nghề may vá. Mình mà làm điều “xáu”, con hắn tựa lưng ở mô, hắn cũng “rày” chớ” - là chị Thắm đã dãi bày với chúng tôi như vậy. Còn anh Phú chồng chị, người đảng viên ở Chi bộ Xốp Mạt thì suy tư rằng: muốn bản thay đổi thì mình phải làm trước.

Biết vậy nhưng ở Xốp Mạt để cuộc sống trở lại như nếp bản xưa chẳng đơn giản chút nào. Nói như bà Lô Thị Lợi, người dân ở Xốp Mạt thì bà con đang ở nhờ trên đất của bản lạ. Cũng đúng, khu vực tái định cư của Xốp Mạt được quy hoạch trên địa bàn bản Lạ, một bản dân cư khác của xã Lượng Minh. Mỗi hộ được bàn giao mặt bằng gồm đất ở và đất vườn khoảng 200m2. Diện tích này chỉ đủ dựng nhà chứ không thể làm thêm chuồng để nuôi lợn, nuôi gà. “Mình mà làm chuồng nuôi lợn thì sẽ gây ô nhiễm với nhà bên cạnh” - bà Lô Thị Lợi cho hay. Bên cạnh đó, dù đã chuyển về khu tái định cư nhưng bà con vẫn phải vượt gần 5 km trở về nơi ở cũ để gieo hạt, làm nương. Điều kiện đi lại cách trở đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, trồng trọt của bà con.

Đã thế năm nay lại đại hạn, Trưởng bản Lương Văn Thiện cho biết vụ này không có gia đình nào làm rẫy, nương được. Ngô trồng vừa được gang tay đều chết cháy hết. Điều này cũng được ông Lô Văn Vui - Trưởng Ban nông nghiệp xã Lượng Minh xác nhận với tâm trạng lo lắng: “Bà con kéo nhau đi làm kiếm sống khắp nơi. Người thì đi Trung Quốc, Quảng Trị, Quảng Bình, người đi công ty. Những ai đi ra ngoài còn có tiền bạc gửi về giúp đỡ gia đinh, chớ nhà mô không có người đi thì rau măng qua ngày”. Thực tế này không chỉ tác động đến đời sống của người dân Xốp Mạt mà còn có thể tạo ra những hệ lụy khó lường ở một nơi từng được biết đến là vùng đất của “cái chết trắng”.

Chia tay Xốp Mạt, chia tay với người trưởng bản có nụ cười hiền trên gương mặt dày râu quai nón chúng tôi đã không khỏi day dứt về cái cụm dân cư bé nhỏ với gần 70% hộ nghèo. Không dám nghĩ “mạt” là mất, là hết, chỉ mong mảnh đất có tên “cửa sông, suối” ấy nước sẽ trong trở lại, mùa vui sẽ rộn rã nếp nhà.

Đào Tuấn - Nhật Lân

“Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 37 hộ dân bản Xốp Mạt và trung tâm hành chính xã, các trường học ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở nguy hiểm xã Lượng Minh, huyện Tương Dương” được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt thông qua Quyết định 3972/QĐ.UBND ngày 9/9/2013. Theo đó Tổng kinh phí được duyệt là: 56 tỷ đồng; kinh phí được cấp đến 31/12/2013 là 10 tỷ đồng; kinh phí đã giải ngân đến 31/12/2013 là hơn 1,9 tỷ đồng; số kinh phi được giao năm 2014 là 1 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu là 45 tỷ đồng. Đến thời điểm này Dự án đã hoàn thành khu tái định cư, khu trung tâm hành chính, trường mầm non, nhà văn hóa cộng đồng...