Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015: Mở ra cánh cửa mới
(Baonghean) - Hội nghị Thượng đỉnh các nước G7 diễn ra tại Đức ngày 7-8/6 vừa qua là sự kiện quốc tế mới nhất thu hút sự chú ý của dư luận. Phóng viên báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an về vấn đề này.
Các vị nguyên thủ quốc gia G7 nhóm họp tại Đức. Ảnh Internet |
P.V: Xin Thiếu tướng cho biết đôi nét khái quát về nhóm các nước G7?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên, về bản chất tổ chức, G7 không phải là một liên minh, diễn đàn, câu lạc bộ hay đối thoại. G7 là tập hợp các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.
Về kinh tế, đây là những nước đã hoàn thành công nghiệp hóa cách đây 100 năm - sớm nhất thế giới. Hiện tại, GDP của các nước này chiếm 70% GDP của thế giới.
Về khoa học, đây là trung tâm tri thức của thế giới. Một bằng chứng cụ thể: 80% các sáng chế, phát minh hàng năm và 85% giải thưởng Nobel của thế giới thuộc về các nước G7.
Về chính trị, trong nhóm này có 3 nước nằm trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp. Về an ninh, trừ Canada và Nhật Bản thì các nước còn lại đều là thành viên của Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về lịch sử, 6/7 nước là những nước đế quốc, đã tổ chức các cuộc chiến tranh chinh phục thuộc địa khắp hành tinh này.
Với những đặc điểm nói trên, G7 được xem là nhóm “tinh hoa” và cũng là nhóm áp đặt trật tự cho thế giới. Một ví dụ trực quan là các tổ chức kinh tế hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đều tuân thủ “luật chơi” do G7 đặt ra.
P.V: Thưa thiếu tướng, quay trở lại với Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015, so với Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2014 có điểm gì khác biệt?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có bốn điểm khác biệt cơ bản:
Thứ nhất, về chính trị, nếu như không khí bao trùm lên Hội nghị G7 năm 2014 là khủng hoảng Ukraina, trừng phạt Nga thì vấn đề này đã tạm “hạ nhiệt” trong Hội nghị G7 năm 2015. Tôi cho rằng đó là vì tình hình mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đã đi đến giới hạn và tạm “thắt gút” vấn đề bằng Hiệp ước hoà bình Minsk hồi tháng 2 vừa rồi. Dĩ nhiên, đây là một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Thứ hai, về kinh tế, G7 năm nay cũng có nhiều khởi sắc. Nền kinh tế Mỹ - “xương sống” của nhóm có bước phát triển khá. Nhật Bản bắt đầu khôi phục lại từ sau cuộc suy thoái năm 2014. Các nước EU mặc dù còn có điểm nóng nhưng cơ bản ổn định. Tựu chung, Hội nghị G7 lần này có không khí vui vẻ hơn về mặt kinh tế.
Thứ ba, về an ninh, nổi lên vấn đề IS như một câu hỏi hóc búa đối với G7. Xin nhắc để bạn đọc nhớ, cách đây đúng 1 năm, Tổng thống Obama tuyên bố với 320 triệu người Mỹ và 8 tỷ người trên hành tinh rằng Mỹ bằng mọi cách tiêu diệt IS. Nhưng đến nay, IS vẫn “tung hoành” ở Trung Đông, bất chấp những nỗ lực của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.
Thứ tư, vẫn là vấn đề an ninh nhưng điểm nóng được “dời” đến châu Á - Thái Bình Dương, là vấn đề Biển Đông. Năm nay, mối quan tâm của G7 đến Biển Đông và Biển Hoa Đông thể hiện rõ nét hơn hẳn năm 2014. G7 công khai yêu cầu phải dừng việc cải tạo đá chìm ở Trường Sa thành căn cứ quân sự; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải cho con đường giao thương nhộn nhịp bậc nhất hành tinh. Sở dĩ có bước tiến trong thái độ của G7 đối với vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông như vậy, tôi cho là vì những động thái ngày càng hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc không chỉ là mối đe doạ đối với an ninh - chính trị - kinh tế khu vực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có G7.
P.V: Thưa Thiếu tướng, thời gian gần đây người ta cũng nhắc nhiều đến nhóm BRICS như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với G7. Thiếu tướng có nhận định như thế nào về quan điểm này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: BRICS - nhóm các nền kinh tế mới phát triển lớn nhất thế giới - thực sự là một nhân tố mới, thú vị trên cán cân quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng trong vòng 15 - 20 năm nữa, BRICS có thể là trung tâm của kinh tế thế giới, thay thế vai trò của G7. Tất nhiên, có những lập luận nhất định như: quy mô nền kinh tế của Trung Quốc; sức mạnh trỗi dậy của Ấn Độ, Nga, Brazil; cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008 làm suy yếu ba trung tâm kinh tế là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Cá nhân tôi lại cho rằng có lẽ một tương lai gần là chưa đủ để BRICS “soán ngôi” G7. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng trình độ, chất lượng phát triển của BRICS vẫn thấp so với G7. Nội bộ BRICS cũng có không ít vấn đề. Một Trung Quốc với 28 ngàn tỷ đô la nợ công, lớn gấp gần 3 lần GDP. Một nền kinh tế Nga trì trệ do quá trình chuyển đổi quá chậm, thêm vào đó là lệnh trừng phạt bao vây cấm vận của phương Tây. Tôi đồng tình với một số học giả phản ánh mô hình kinh tế thế giới theo mô hình đồng tâm 3 vòng tròn với vòng trung tâm là G7, còn BRICS chỉ mới ở vòng ngoài mà thôi.
P.V: Vậy trong mô hình đó, G20 nằm ở vị trí nào thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo logic thông thường, G20 tất nhiên bao hàm G7. Cũng theo logic đó, người ta sẽ nghĩ rằng G7 là hạt nhân, tập trung quyền lực mang tính quyết định đối với các vấn đề trọng đại của thế giới.
Nhưng những năm gần đây, có một sự thật là những vấn đề lớn của kinh tế thế giới chỉ được giải quyết trong diễn đàn G20. Điều này có nghĩa là sức mạnh chi phối của G7 đang dần được chuyển giao, “pha loãng” ra vòng G20. Điều này có nghĩa là G7 yếu đi?
Tôi nghĩ rằng lý do thuộc về phía còn lại thì đúng hơn. Không phải vì G7 yếu đi mà vì thế giới đang “mạnh” lên. Khi thế giới phát triển đến một mức độ nhất định, sẽ vượt khỏi giới hạn của vòng tròn G7 trong cùng. G20 xuất hiện đúng lúc nền kinh tế thế giới yêu cầu một nền dân chủ trong kinh tế, với quyền quyết định được chia nhỏ ra thay vì tập trung trong tay của chỉ một vài quốc gia như trước.
Nếu như G7 là nhóm chi phối thì G20 lại thiên về một nhóm hợp tác. Đó là một xu hướng tích cực mà cả thế giới đồng thuận.
P.V: Thưa Thiếu tướng, dự đoán trong thời gian tới, G7 sẽ phát triển theo chiều hướng nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như tôi đã nói ở trên, có khả năng trong vòng 15 – 20 năm nữa, vòng tròn G7 vẫn sẽ tồn tại chứ chưa bị phá vỡ, nhưng giới hạn về quyền lực của nó sẽ ngày càng giảm khoảng cách với vòng G20. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hạ thấp vai trò của G7 mà vấn đề đặt ra là nên đặt mối quan hệ với ai và ở mức độ nào?
Tôi cho rằng, Việt Nam chúng ta mở rộng quan hệ đối tác với càng nhiều quốc gia thì càng tốt. Nhưng chiến lược của chúng ta phải có trọng tâm thì mới tiến nhanh được. Trên lộ trình đối ngoại đó, G7 sẽ vẫn được quan tâm đặc biệt, nhưng đồng thời chúng ta sẽ mở rộng cửa và nhìn ra rộng hơn, hoà vào xu hướng chung của thế giới.
P.V: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!
Thục Anh - Phương Thảo
(Thực hiện)