Ấm áp ngày đoàn viên

31/12/2014 16:38

(Baonghean) - Do sự đẩy đưa của số phận, người phụ nữ ấy đã sa chân lưu lạc nơi xứ người suốt hơn 20 năm, có lúc tưởng chừng như cánh cửa trở về đã khép chặt. Nhưng rồi, cuộc đời rộng mở đã dẫn lối, đưa đường để người đàn bà đáng thương ấy được trở về quê hương, đoàn tụ cùng anh em, làng xóm...

Nước mắt lưu lạc

Những ngày cuối năm, trời rét ngọt, lại thêm mưa phùn gió bấc nhưng ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm Hồng Thịnh (Diễn Hồng - Diễn Châu) của bà Trương Thị Lan (SN 1957) vẫn đầy không khí ấm cúng. Những cụ già và những người bạn vong niên cùng xóm với bà Lan tranh thủ ngày mưa đến cùng chuyện trò, chia sẻ và chơi bài tam cúc. Rót chén trà nóng mời khách, bà Lan có vẻ hơi ngần ngại khi có người hỏi về những câu chuyện diễn ra trong cuộc đời mình. Bởi theo bà, chuyện đã xảy ra từ rất lâu, giờ không muốn nhắc lại, muốn chôn chặt nó tận sâu thẳm đáy lòng. Nhưng khi chủ và khách chuyện trò thân mật, cùng với lời “phụ họa” của những người hàng xóm thân thiết, người phụ nữ ấy bộc bạch dòng tâm sự một cách tự nhiên, dường như trở thành nhu cầu được trao đổi và sẻ chia nỗi lòng.

Niềm vui của bà Trương Thị Lan (trái) bên những người hàng xóm.
Niềm vui của bà Trương Thị Lan (trái) bên những người hàng xóm.

Qua dòng tâm sự, mọi người xung quanh có thể chắp nối thành một câu chuyện cuộc đời với đầy đủ dư vị đắng, cay, ngọt, bùi. Chuyện bắt đầu từ cách đây ngót 40 năm, khi cô thôn nữ Trương Thị Lan đang ở độ tuổi đôi mươi dạt dào sức sống và lắm ước mong, hy vọng. Bố mẹ sinh được 7 chị em (6 gái, 1 trai), là con gái đầu nên bà Lan sớm thuần thục công việc nội trợ cũng như đồng áng, giúp bố mẹ chăm sóc đàn em. Đẹp người, đẹp nết, công việc siêng năng nên được nhiều chàng trai để ý và đem lòng yêu thương. Nhưng cô thôn nữ xóm Hồng Thịnh chỉ dành tình yêu cho một người con trai gần nhà, hai người từng thề non hẹn biển và chờ ngày kết tóc xe tơ.

Một hôm, Lan thấy đau bụng dữ dội, mỗi lúc cơn đau càng mạnh hơn, gia đình phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ kết luận cô bị bệnh đường ruột, phải phẫu thuật cắt bỏ vị trí viêm nhiễm mới cứu được tính mạng. Nhưng sau ca phẫu thuật, rất có thể sẽ bị mất quyền làm mẹ, nghĩa là có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến việc sinh nở. Tính mạng con người là quan trọng nhất nên gia đình quyết định để các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, Trương Thị Lan từng bước hồi phục sức khỏe và xuất viện. Hay tin người yêu có thể đã mất khả năng sinh nở, người con trai lâu nay cô dành biết bao tình yêu thương ngày càng tỏ ra hờ hững, tình cảm phai nhạt dần. Chẳng bao lâu sau, con người bạc bẽo ấy thành hôn với một cô gái khác ở cùng làng, cõi lòng cô thôn nữ càng thêm tan nát.

Lần đầu bước vào tình yêu với bao mong chờ, hy vọng, những tưởng hạnh phúc đã cầm chắc trong tay, không ngờ chỉ trong phút giây, cô gái đã mất hết tất cả. Đất trời quay cuồng, đầu óc muốn nổ tung, cô không nghĩ đến bất cứ điều gì, cũng không còn thiết sống. Bao nhiêu đêm thức trắng, nước mắt đầm đìa ướt cả chiếc gối, thân hình ngày một tiều tụy, héo hon. Hằng ngày, cô vào ra, đi về thẫn thờ như một chiếc bóng, chẳng buồn chuyện trò, tâm sự cùng ai. Người làng bảo cô đã mắc chứng bệnh “nội thương”, khổ đau, phiền não đã gây nên bệnh tật. Có người lại bảo tâm thần không ổn định, vì thường thấy cô đôi lúc cười nói một mình, lại không hay để tâm đến xung quanh. Trông thấy vậy, ai cũng thương xót cô gái ngoan hiền nhưng không có cách nào giúp đỡ, bởi căn nguyên của bệnh xuất phát từ nội tâm của cô.

Rồi một ngày, cô thôn nữ Trương Thị Lan quyết định đi buôn, gom các mặt hàng ở quê rồi đưa ra bán ở các tỉnh phía Bắc. Thực ra, chẳng tha thiết gì với công việc buôn bán nhưng cô quyết định như vậy là để mong vơi đi phần nào những nỗi ưu tư, những buồn phiền mà bản thân mình đang gặp phải. Và để khỏi hàng ngày phải đối mặt với con người bội bạc kia, để quên đi những ước mơ, kỷ niệm một thời, quên đi những tháng ngày buồn đau và thất vọng. Từ đó, cô thôn nữ ngày nào quen dần với những chuyến hàng vào ra, có thêm nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi các em nhỏ. Sau mỗi chuyến hàng, các mối quan hệ và quen biết ngày một nhiều hơn, việc làm ăn cũng có phần thuận lợi.

Một lần, giữa năm 1989, sau khi bán hết số hàng gom từ quê nhà ra, một người bạn mới quen rủ Lan đi chơi và tìm mối làm ăn, mở rộng quan hệ buôn bán. Nghe bùi tai, cô gái xóm Hồng Thịnh đã đi theo và không hề mảy may nghi ngờ. Đi suốt mấy ngày, hết đi xe rồi ngồi thuyền, ngồi thuyền xong lại đi bộ. Cho đến lúc, một ngôi làng vùng núi hiện ra, từ kiểu kiến trúc, cách ăn mặc và lời nói khác xa những nơi đã đi qua, Lan mới lờ mờ đoán rằng mình đã đặt chân sang đất Trung Quốc. Nhưng đã muộn, dường như tất cả cuộc hành trình ấy đã được những kẻ độc ác, nham hiểm “lập trình” sẵn, cái thòng lọng vô hình đang siết chặt lấy số phận của một cô gái tội nghiệp. Trương Thị Lan bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc lấy về làm vợ.

Một lần nữa, Lan cảm thấy trời đất như quay cuồng, lòng dạ ngổn ngang như tơ vò, chỉ rối. Cô đã nhiều lần khóc lóc, vật vã, van xin những người xa lạ kia cho cơ hội được trở về với gia đình, quê hương nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vô cảm. Cô biết mình đã rơi vào tình thế vô vọng, không còn lối thoát giữa chốn xa lạ đất khách quê người. Vậy là, cuộc đời cô gái xóm Hồng Thịnh lại bước sang một trang khác: Làm vợ người đàn ông mình chưa từng quen biết, yêu thương, sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ bất đồng, việc giao tiếp chủ yếu thông qua cử chỉ. Nỗi nhớ bố mẹ, nhớ các em, nhó xóm làng, cánh đồng, nhớ quê hương như thiêu đốt tâm can cô gái không may bị sa chân lưu lạc xứ người. Mấy tháng đầu, gần như không đêm nào cô chợp mắt, vì những hình ảnh và kỷ niệm chốn quê nhà cứ hiện về, khiến lòng dạ thêm đớn đau, bùi ngùi. Cứ thế, người con gái ấy cứ sống trong sự mỏi mòn, khắc khoải đợi chờ và hy vọng...

Nụ cười đoàn tụ

Cách đây gần 4 năm, cả xóm Hồng Thịnh và xã Diễn Hồng được dịp xôn xao khi có một người đàn bà dạo bước đi lại, hỏi nhà ông Kính, bà Trường. Hầu hết mọi người đều không biết hoặc không thể nhận ra người ấy là ai. Thật may, một người bạn cũ cùng trang lứa đi qua, nhìn khuôn mặt và ánh mắt có điều gì ngờ ngợ đã mạnh dạn cất lời: “Có phải Lan đó không?”. Niềm vui như vỡ òa, hai người ôm chầm lấy nhau, bao dồn nén mấy chục năm qua giờ như bung tỏa... Người bạn đưa bà Lan về tận nhà, các em, các cháu, họ hàng, làng xóm ai cũng muốn ôm chặt lấy bà, không muốn rời ra, dường như sợ người thân, hàng xóm của mình lại “biệt vô âm tín”. Nỗi xúc động vơi dần, từng bước lấy lại tinh thần và sự bình tĩnh, bà Trương Thị Lan bắt đầu kể về những năm tháng lưu lạc của đời mình. Quãng thời gian dằng dặc hơn 22 năm lưu lạc quê người, chắc hẳn có không ít điều để tâm tư, chia sẻ. Ngày ra đi, mái tóc đang xanh, ngày trở về tóc đã nhiều sợi bạc, mỗi sợi bạc là một nỗi niềm...

Bà Trương Thị Lan mở quán hàng kiếm thêm thu nhập.
Bà Trương Thị Lan mở quán hàng kiếm thêm thu nhập.

“Cánh cửa” để bà Trương Thị Lan trở về chính là người phụ nữ tên Dung, quê ở Phủ Lý - Hà Nam. Hai người gần như cùng cảnh ngộ, nghĩa là bị lừa bán sang Trung Quốc, phải sống cảnh làm vợ người xa xứ. Nhưng bà Dung may mắn hơn vì mỗi năm chồng cho về thăm quê 2 lần nên biết đường đi lối lại. Hai người tình cờ gặp nhau tại một phiên chợ, rồi tình cảm ngày một gắn bó hơn, trở thành những người bạn thân thiết. Bà Lan chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ quê và mong có ngày được trở về, bà Dung thương bạn nên quyết tâm giúp đỡ. Trong một lần về thăm quê, bà Dung rủ bạn đi cùng và bao hết toàn bộ tiền lộ phí. Khi bà Lan về đoạn tụ với các em, người nhà mới mang tiền ra Hà Nam tìm bà Dung để thanh toán và không quên lời cảm ơn.

Ở quê nhà, từ ngày cô gái Trương Thị Lan mất tích, gia đình, họ hàng đã đến khăp những nơi có thể để dò hỏi, tìm kiếm, mong lần ra được manh mối. Nhưng cuối cùng, tất cả vẫn là con số “không”. Hầu hết đều đoán rằng người phụ nữ này đã chết bởi gặp một tan nạn, rủi ro nào đó trên đường. Có người còn khuyên gia đình lập bàn thờ để chăm lo hương khói vào các dịp lễ tết, để hương hồn người đã khuất đỡ tủi phận. Nhưng bà Trường, mẹ cô nhất định không cho lập bàn thờ, bởi bằng linh tính của người mẹ, bà luôn mang niềm tin sắt đá rằng con gái mình vẫn con sống và đang lưu lạc đâu đó. Bà vẫn gắng gỏi đợi chờ hàng chục năm trời. Chồng mất, rồi bản thân cũng ra đi vì tuổi già và bệnh tật, bà vẫn dặn dò các con chờ chị cả trở về. Và đúng 2 năm kể từ ngày bà Trường về với tổ tiên, người con gái lưu lạc của bà đã tìm về với gia đình, quê hương trong niềm vui, niềm hạnh phúc tưởng chừng như bất tận.

Hơn 22 năm biền biệt, ngày trở về các em đều đã yên bề gia thất, ai cũng có mái ấm riêng và con cháu đuề huề. Các em của bà Lan đều thương chị và muốn được bù đắp, đặc biệt là bù đắp tình cảm cho chị sau hàng chục năm xa cách. Ngôi nhà của bố mẹ đã xuống cấp, xập xệ, mọi người cùng góp công, góp của xây lại khang trang hơn để chị gái được sống yên ấm và chăm sóc hương khói cho bố mẹ. Không quá rộng lớn, nhưng ngôi nhà luôn có đủ sự ấm cúng và cả niềm vui. Bà Lan sắm tủ hàng để buôn bán mấy thứ lặt vặt cho khuây khỏa, chi phí ăn uống và sinh hoạt hàng ngày luôn được các em chu cấp. Bà chia sẻ: “Mấy năm nay ăn Tết, tôi đều rưng rưng khi cầm bóc bánh chưng. Vì nhiều lúc, cứ nghĩ chẳng bao giờ có cơ hội được ăn bánh chưng trong ngày Tết nữa...”. Cũng là điều dễ hiểu, ngần ấy năm sống trong nỗi vô vọng, nơi xứ người không có thứ bánh đặc trưng của quê nhà, con người ta xót xa rơi nước mắt là chuyện thường tình. Và trong ngày vui đoàn tụ, có lúc lại nhớ về những năm tháng đắng cay đã trải...

Một năm mới đã mở ra, một cái Tết cổ truyền nữa sắp sửa cận kề, là cái Tết thứ 4 bà Trương Thị Lan được sum vầy, đoàn tụ với gia đình, quê hương. Có lẽ, đó là niềm vui lớn nhất của người phụ nữ gặp nhiều sóng gió và bất hạnh này. Nhìn vẻ mặt và nụ cười của bà Lan, chúng tôi biết bà thực sự đang sống trong những ngày tháng ngập tràn và ấm áp tình yêu thương, vừa gần gũi nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng, quý giá!

Công Kiên