"Bây giờ là mấy giờ rồi?"

11/07/2015 12:01

(Baonghean) - Chiều nay, chở cô cháu gái đi học ở Nhà Văn hoá, ngang qua Bến xe Vinh tự nhiên thấy lòng nao nao. Chẳng là ngày xưa có chuyện tình với cô nàng học khoá dưới cùng trường cấp 3, câu chuyện bắt đầu từ cái bến xe mà kết thúc cũng chính tại nơi “định mệnh” này. Đang “bơi” trong dòng hồi tưởng, cô cháu gái thỏ thẻ: “Cậu ơi, mình có vào bến xe đón ai đâu mà cậu định rẽ vào thế kia? Đến Nhà Văn hoá phải đi thẳng cơ mà?”. Thú nhận là “ngựa quen đường cũ” ghé vào chốn xưa thì xấu hổ lắm, nên mình phải “bẻ lái” sang hướng khác: “Cậu đang nhớ lại xem, Bến xe Vinh này có tự bao giờ ấy mà?”

Cô cháu gái hiếu kỳ, láu lỉnh nhất định không chịu buông tha, kỳ kèo hỏi mình bến xe có từ năm nào? Mình lục lại ký ức: Lần đầu tiên mình đi ra bến xe là theo mẹ và chị cả bắt xe ra Hà Nội, đưa chị nhập trường đại học. Mình là con út trong nhà, lúc đó chị 18 tuổi còn mình mới lên 7 tuổi. Đó cũng là lần đầu tiên được đi xe khách ra thủ đô nên mình háo hức lắm. Trong khi mẹ và chị tay xách nách mang, đồ đoàn lỉnh kỉnh, mình chỉ được giao mỗi nhiệm vụ cầm mấy chiếc bánh mỳ và hộp sữa Ông Thọ để mấy mẹ con ăn lót dạ trên đường.

Mua vé xong xuôi, nhân lúc mẹ và chỉ mải mê xếp đồ vào gầm xe, mình tót đi chơi một vòng trong bến xe. Báo hại mẹ và chị tưởng mình bị “mẹ mìn” bắt cóc, đi tìm bở hơi tai, khóc hết nước mắt. Cái túi bánh mỳ là mình mải chơi để quên ở đâu mất, đành nói dối là: “Con bị người ta móc túi”. Lúc ấy bé quá có biết “móc túi” là ra làm sao? Nghe lỏm mẹ dặn chị “Tiền nong, giấy tờ con khâu cái túi ở cạp quần mà lận vào, đề phòng quân móc túi”, mình cũng bắt chước nói theo vậy thôi. Sau này nghĩ lại sự cố bị “móc túi” mất mấy chiếc bánh mỳ ở Bến xe Vinh, vẫn thấy buồn cười.

Hành khách chuẩn bị  lên xe.
Hành khách chuẩn bị lên xe.

Thế có nghĩa là từ những năm 80, 90, đã có bến xe rồi. Mình nghĩ mãi và ngạc nhiên nhận ra, ngày nào cũng đi qua đoạn đường này ấy vậy mà chẳng lúc nào mình đặt ra câu hỏi: Bến xe có từ bao giờ? Chắc bởi vì đó là một thành viên thuộc vào hàng “kỳ cựu” của thành phố này rồi, nó xuất hiện ở đó từ trước cả khi rất nhiều thế hệ người đang sống bây giờ được sinh ra. Mẹ mình, một người đàn bà gốc Bắc từng quảy gánh đi bộ từ Sơn La vào Nghệ An bảo rằng: “Thời xưa nghèo làm gì có tiền đi tàu, đi xe? Cha các con là bộ đội, biền biệt quanh năm, gở mồm sống chết biết khi nào? Bà cố một thân một mình ở trong quê, mẹ sao đành lòng.

Thế là dặm trường thiên lý, trẩy gánh đi vô miền trong, tìm về quê chồng”. Đó là chuyện mẹ kể khi dắt mình và chị gái đến trước cổng vào bến xe ngày đưa chị nhập học. Xe khách, bến xe - những thứ xa xỉ đối với người đàn bà lam lũ tha hương, một thân một mình vun vén cho gia đình nhỏ và vẫn ở vậy mãi đến tận sau này, sau khi cha hy sinh ở chiến trường. Mình sẽ mãi mãi chẳng bao giờ quên đôi tay mẹ run run cầm chiếc vé nhận từ tay người lơ xe, thành kính và có chút gì sợ sệt như thể được nhận món quà quý giá vô ngần. Mình sẽ chẳng bao giờ quên chuyến đi đầu tiên ấy - đầu tiên với cả mình, chị gái và mẹ. Khổ thân mẹ, chưa bao giờ đi xe đường xa nên say xe, vật vã xanh xao như tàu lá úa...

Bến xe là “vương quốc” của người lao động - có lẽ đó là một chân lý thật hơn cả sự thật. Bởi vì không ở đâu mà người lao động lại tập trung đông đến như thế. Những người đi xe khách chủ yếu là người lao động ở tầng lớp không mấy khá giả trong xã hội: nếu dư dả tiền bạc, họ hẳn đã đi máy bay hoặc đi tàu - nếu dư dả thời gian. Nhưng than ôi, cả thời gian và tiền bạc đều là những thứ “xa xỉ phẩm” đối với người lao động nghèo. Ở đó, ta dễ dàng bắt gặp những người lữ khách đến từ các huyện vùng cao, xuống thành phố đi lấy mối hoặc giao hàng, hoặc thăm bà con họ hàng - thường là vào những dịp đặc biệt như ma chay, cưới hỏi.

Thậm chí, hành khách đến từ mọi vùng, miền Tổ quốc, nhưng điểm chung thường thấy nhất ở họ là: hành lý nặng nề, những khuôn mặt nhàu nhĩ với những mối lo hiển hiện rõ, những cuốn sổ ghi chép đầy con số và những cái tên. Có đến bến xe vào những dịp nghỉ lễ trong năm mới thấm thía được nỗi suy tư, trăn trở của những người lao động xa xứ. “Lơ ơi, còn chỗ không?”, “Không có ghế ngồi thì cho tôi ngồi luồng cũng được”, “Còn chuyến nào nữa không hả cháu?”, “Không biết mấy giờ thì về đến nhà...”. Thời sinh viên, mình cũng thường xuyên bắt xe khách đi về Vinh - Hà Nội nên chẳng lạ gì với những câu hỏi trên - lặp đi lặp lại không ngừng trên nền thanh âm ồn ào, hỗn loạn của tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người lao xao, tiếng gia cầm nháo nhác ở bến xe. Những lúc đó, mình cũng thường hoà vào dòng suy tư chung của những người khách lữ hành: Bây giờ là mấy giờ rồi?

“Bây giờ là mấy giờ rồi, hả cô?” - Tiếng một thanh niên cất lên khiến mình tưởng như nghe lại, thấy lại hình bóng của bản thân những năm tháng còn là cậu sinh viên khăn gói quả mướp ra thủ đô đi học. Những lúc ra bến mà xe chưa chạy, mình thường tạt vào hàng nước chè của mấy dì, mấy cô ngay cạnh cửa vào, ngồi nhâm nhi cốc chè chát và nhìn mấy bác xe ôm khoan khoái rít thuốc lào. Thời mình đi học, còn có cả xích lô nữa, nhưng vẫn không thịnh bằng xe ôm. Xích lô cồng kềnh, không “bon chen” được với dòng người đông đúc, xô bồ như những chiếc xe 82, xe Cup bé tí tẹo. Hoặc một nhóm khác thường xuyên có mặt ở bến xe là những anh phu bốc vác. Những anh này không có được cái nét xởi lởi, bỗ bã như cánh xe ôm, xích lô, có lẽ đặc thù công việc đã khiến họ lầm lì, khép nép như thế. Cao to, nước da bắt nắng rất tợn, đứng lừng lững như tảng đá, tảng đất. Ấy thế nhưng mà lành, lành như đất.

Bến xe khách Vinh.
Bến xe khách Vinh.

Hàng xôi khuya cũng là một đặc trưng không lẫn vào đâu khác được của bến xe. Đến nỗi mà người ta đặt hẳn cho cái thương hiệu “Xôi bến xe”, ý chỉ những hàng xôi của các bà, các cô, mở ở bên kia đường chếch sang phía đường Minh Khai cắt đường Lê Lợi. Ban ngày, ở đấy là vỉa hè của các quán hàng, nhà dân kinh doanh nhưng bắt đầu từ chập chiều cho đến đêm khuya tảng sáng, đấy chính là “vương quốc ẩm thực” chuyên phục vụ cho bến xe, hay nói đúng hơn là phục vụ cho khách và lực lượng người lao động đổ về đó. Phải từ sau 11 giờ thì hàng xôi mới tấp nập người ra, kẻ vào và họ cứ bán mãi đến 2, 3 giờ sáng mới soạn hàng đi về. Nói một cách đằng sằng thì xôi ở đó không có gì đặc sắc, chỉ là xôi trứng, xôi giò chả như mọi nơi khác. Nhưng điểm đặc biệt là người ta tìm đến quán xôi này vào những giờ giấc “oái oăm” và lúc đó, thành thực mà nói, dạ dày cũng không lấy làm khó tính lắm. Nhất là lại bán cho những người dân lao động vốn có cái bụng rất nhuần.

Giật mình nhìn lại, Bến xe quá đỗi bình thường mà sao có thể lưu giữ nhiều ký ức, nhiều hình ảnh, âm thanh đến thế? Bây giờ công việc ổn định, cũng có chút ít tiền ra tiền vào nên từ lâu mình đã chẳng còn đi xe khách nữa. Chàng sinh viên nhịn ăn dành tiền mua vé xe để về thăm cô bạn gái bé nhỏ nơi quê nhà thời ấy, đã được xếp vào ngăn tủ dĩ vãng từ thời nảo thời nao. Chỉ còn lại đây một chút gì nhung nhớ, một chút gì tiếc nuối cho những ngày tháng trong sáng, hồn nhiên đó - đã được bến xe, nơi mà người ta vẫn gắn cho những cái gì xô bồ nhất, bon chen nhất, lưu giữ lại vẹn nguyên không mảy may sứt mẻ. Bởi vì, chính trong sự ồn ã, náo động đó, mang theo hơi thở cuộc sống của một thành phố đang hối hả đuổi theo bước chân thời đại. Những giọt mồ hôi của lao động, mặn mòi và nặng nhọc nhưng đáng quý, đáng yêu. Nhìn dòng xe tấp nập vào ra trong những tiếng còi dài giục giã, bất chợt thấy lòng mình lắng lại với câu hát “Vội vã trở về, vội vã ra đi”...

Thục Anh