Ân tình với biển

31/12/2014 16:56

(Baonghean) - Biển miền Trung dọc dài thế, quả cũng là khó chọn cho một chuyến thăm thú ngắn ngày. “Về thăm nghề câu ở Sơn Hải đi, năm ni, Sơn Hải là một trong những xã đạt doanh thu từ nghề biển cao nhất trong toàn huyện” - cô bạn gọi điện “mách nhỏ” từ cơ sở. Nào, thì đi…

Tàu thuyền của ngư dân xã Sơn Hải ở Lạch Thơi.
Tàu thuyền của ngư dân xã Sơn Hải ở Lạch Thơi.

“Năm ni được!” - ông Trần Văn Thấy- Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) nói chắc như đinh đóng cột, rồi cười rạng rỡ. Ông còn nói thêm, năm ni cả xã Tết to, chỉ tính riêng tháng cuối năm 2014, áng chừng cả xã thu về hơn 20 tỷ tổng thu nhập từ nghề biển cơ mà. Cứ ra khơi, neo thuyền, đánh đèn lên, biển đãi con gì thì “ăn” con nấy, bất kể! Không “chê”, không so đo tính toán, cũng không vì chuyến biển lỗ mà buồn lòng. Chỉ có điều, vẫn xác định nghề câu mực và cá hố là nghề truyền thống điêu luyện nhất, nên với việc đánh cá thì hàng trăm tàu của Sơn Hải chỉ mang theo lưới mắt to, tránh tận thu cá nhỏ, cá con. Nguyên tắc ra khơi ấy đã theo ngư dân miền biển này bao đời nay như sự đối đáp ân tình với lòng biển mặn…

Không biết có phải vì ân tình ấy, mà nhiều năm lại nay, biển cả dành cho ngư dân Sơn Hải sự ưu đãi vô cùng. Dạo khắp làng trên, xóm dưới, thấy phong quang đường làng, ngõ xóm những tuyến bê tông nối dài, nhà cao tầng ốp gạch đời mới sáng lóa, ô tô, xe máy “xịn” chẳng còn xa lạ gì với người làng. Trên giấy tờ, báo cáo tổng kết cho thấy thu nhập bình quân đầu người trên 21 triệu đồng/năm, mà “dư luận” vui bảo chắc phải hơn, bởi đời sống khá giả hiện hiển rõ nét trong mỗi gia đình. Cái sự khá giả ấy lại chỉ thuần dựa vào nghề biển… Thấy tôi vẻ hiếu kỳ về “bí quyết”, người nhà chài góp chuyện, rằng dĩ nhiên chuyện tâm linh “nhờ trời” không thể thiếu, nhưng kể đằng sằng ra, thì thắng lớn nhờ nhiều yếu tố.

Mấy năm lại đây, cứ tính từ mốc năm 2010, khi Nhà nước ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngư dân, thì ngư dân Sơn Hải là một trong những xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu mạnh dạn đóng tàu to, máy lớn vươn khơi. Hiện toàn xã có 269 tàu, trong đó có 19 tàu đóng mới, với tổng công suất hơn 51 000 CV, đặc biệt, có 215 chiếc tàu công suất trên 90CV. Phần vì hiểu sự đầu tư cho nghề không bao giờ là thừa, phần khác, đặc trưng của nghề câu Sơn Hải đòi hỏi phải xa khơi, vòng vẫy khắp miệt biển Vịnh Bắc bộ, đến cả vùng đánh bắt chung giữa Việt Nam và Trung Quốc… Khơi xa, biển thẳm, nghề câu lẫy lừng đến mức, con mực và con cá hố mà ngư dân Sơn Hải câu lên, “dám quả quyết là nhất miền Bắc” - ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Sơn Hải chốt lời.

Ông Trần Văn Thấy được mệnh danh là “thủ lĩnh” nghề biển của Sơn Hải, đồng thời là “kho” chuyện xưa, nay nơi vùng bể ngót ngét ngàn năm tuổi này. Năm nay 58 tuổi, người thủ lĩnh ấy có dáng người thấp đậm, rắn rỏi và cương nghị. Tôi từng tiếp xúc nhiều ngư dân, đặc trưng chung ở họ là sự dạn dày, “sóng gió” ngay cả trong lời ăn, tiếng nói. Nhưng ở ông Thấy, sự “sóng gió” ấy là sự “sóng gió” của một con người tự tin, dám nghĩ, dám làm. Gia đình ông Thấy đã mấy đời gắn với nghiệp lênh đênh biển cả. Đến đời ông, 17 tuổi đã lên thuyền của cha làm “liền em” học việc. Thuở mấy mươi năm trước, “liền em” là chức danh gọi thợ học việc, chuyên bếp núc, quét tước trên tàu giúp thợ và “lão lèo”.

Mấy năm học việc như thế, tiếp tù tì một mạch hơn 30 năm làm thợ chính, rồi thuyền trưởng, tính ra, luồng lạch mạch gió nào trên vùng biển đánh bắt quen của dân Sơn Hải ông cũng rành rẽ như đường chỉ tay của mình. Nhiều năm liền, ông là Chủ tịch Hiệp hội nghề cá của xã, đóng vai trò tham mưu, tư vấn cho các đề án phát triển nghề và tích cực lên, xuống khắp các ban, ngành trong huyện, trong tỉnh để làm thủ tục cho ngư dân xã nhà được hưởng những quyền lợi chính đáng. Nghe ông kể chuyện biển, chuyện nghề thì mê tơi! Như kể riêng cái nghề câu mực và cá hố truyền thống của Sơn Hải đã cơ man nào chuyện dài, chuyện ngắn rồi…

Ông bảo, nghề câu đã gắn với ngư dân Sơn Hải từ hàng trăm năm, nhưng rồi dường như để cho chắc chắn, ông lại “quàng” thêm: “Ai mà nhớ được chính xác lúc mô, nói hàng trăm năm là nói chừng chừng rứa. Vì cứ kể truyền đời cho nhau nghe, ngày xửa ngày xưa, thuở sinh cơ lập ấp, ông cha đã dong thúng đi lộng để câu mực. Kỹ thuật câu mực thời nớ còn thô sơ, đánh bắt chỉ trong vòng 40 hải lý trở lại thôi, thuyền nhỏ buồm kéo chỉ nương sức gió, răng đi xa được. Đèn đóm cũng nỏ có, chập chờn đuốc, leo lét đèn dầu… Rứa mà nghề câu mực, câu cá hố cũng nuôi dân Sơn Hải này qua nhiều đận khó”. Rồi ông say sưa kể chuyện nghề câu, như thể nghề đã là đam mê máu thịt, bất chấp việc độ chục năm lại nay, vì lý do sức khỏe, ông đã nghỉ hẳn những chuyến lênh đênh, ở nhà chuyên tâm phát triển cơ sở dịch vụ thu gom và chế biến hải sản của gia đình.

Ông bảo, nhiều làng chài khắp cả nước có nghề câu mực, ngay cả biển xứ Nghệ ta đây cũng nhiều nơi thịnh nghề câu, nhưng kỹ thuật câu của ngư dân Sơn Hải thì hiếm nơi bì kịp. “Câu là câu khơi chứ không câu lộng là một. Dây câu sải dài 15- 20m là hai. Thợ câu nhiều kinh nghiệm chinh chiến trên các ngư trường, thông thạo luồng lạch và nhận biết được thời điểm thả câu, giật câu là ba. Mồi là bốn. Đó, sơ sơ rứa đã thấy kỳ công chưa?”- Thủ lĩnh biển khơi cười ha hả, bộc tuệch trình bày “bí quyết” mà vẫn thấy niềm tự hào khó giấu. Nhẩn nha thêm vài tuần trà, thì chuyện nghề càng đậm. “Mồi câu cá hố thì dùng chính con cá hố nhỏ, thái tươi quyện vào lưỡi câu là “đắt” nhất. Còn câu mực, tôi dám nói là câu bằng mồi giả là “ăn” hơn mồi thật. Mồi giả là mồi gỗ, mồi nhựa quấn giây chun xanh đỏ bắt mắt, bật vài chục đèn “siêu” (đèn siêu cao áp, mỗi đèn 1000KW- P.V) rồi vung câu ra vào giờ sóng yên, biển lặng. Đảm bảo “dính” - ông Thấy thổ lộ.

Như để xác tín niềm tin cho khách lạ về nghề câu Sơn Hải, ông Thấy dẫn tôi đến gặp thuyền trưởng trẻ Trần Văn Mạnh (1980). 34 tuổi, nhưng Mạnh đã có thâm niên gần chục năm làm thuyền trưởng. Vạm vỡ, giọng ồ ồ, nói sát sạt câu nào ra câu nấy, nếu ông Thấy không đồng hành, tôi dễ có cảm tưởng ngần ngại khi tiếp xúc với anh chàng ngư dân trẻ này. Mạnh vừa kết thúc chuyến biển 18 ngày ròng rã, vừa ghé tàu về bến “nghỉ trăng”, gương mặt còn rõ vẻ mệt mỏi sau chuỗi ngày thiếu ngủ và bạt gió. Thế mà hỏi chuyện biển, vẫn lồ lộ niềm vui “khoe” rằng thu hoạch được vài trăm triệu. “Vài trăm triệu là ổn rồi, tàu 200 CV có 10 thuyền viên, tính chi li dầu đèn, thực phẩm, đá lạnh… cũng còn lại mỗi người mười lăm, hai chục triệu” - Mạnh hồ hởi chia sẻ. Rồi quay lại kể với ông Thấy, là mực và cá hố đợt này trúng lắm. “Câu kiểu Sơn Hải” nên con mực và cá hố còn giãy đành đạch, vảy óng ánh, nhấp nháy, không hề sờn xước tí nào. Chuyến 18 ngày, xếp tất tật hải sản vào 3 hầm đá, về đến Cảng Lạch Thơi, thương lái đến thu mua tận nơi, nhìn độ tươi ngon mà định giá. “Bữa ni giá buôn tại bến là 180.000 đồng/kg mực tươi, còn cá hố gần 100.000 đồng bác ạ!”- Thuyền trưởng Trần Văn Mạnh nhẩm tính. Tươi ngon và uy tín thế, nên con mực và cá hố từ lòng thuyền Sơn Hải đã “đi” khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, mấy năm nay, lại được nhiều mối xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc… ưa chuộng, tăng giá trị kinh tế sản phẩm và đầu ra ổn định cho ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi.

Chuyện nghề câu Sơn Hải, còn là câu chuyện nghĩa tình với biển khơi, với người Mẹ Thiên Nhiên và các vị thần trông coi miền sông nước, mà trong tâm thức ngư dân nơi đây, họ hằng kính trọng. Theo chân thuyền trưởng Trần Văn Mạnh và “thủ lĩnh” biển khơi Trần Văn Thấy, tôi đến di tích đền Thơi, nằm thắc thỏm đầu cửa Lạch Thơi lồng lộng gió. Đền Thơi tòa ngang dãy dọc trong sử sách, qua bao biến động của thời gian nay chỉ còn trụ cổng và vài xếp đá rêu phong. Hai người đàn ông dạn dày biển cả quỳ xuống, xếp lễ vật đặt lên. Khói hương nằng nặng trong màn gió biển mặn mòi, tạt cay cả mắt. Tôi không thể biết được chiều hôm đó, Mạnh và ông Thấy đã nghĩ những gì? Có thể là về biển cả. Cũng có thể là về nghiệp sinh cơ. Hay là những cầu mong yên hàn năm mới? Còn tôi, tôi nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ còn về xã biển này thêm nhiều lần nữa, bởi niềm ao ước “dong” một chuyến khơi chiêm ngưỡng nghề câu bí truyền, và cũng bởi nỗi mong mỏi được thấy một Sơn Hải thắng nhiều mùa biển lớn hơn nữa, đổi khác hơn nữa trong diện mạo kinh tế - xã hội - văn hóa, mà có thể, bắt đầu từ việc phục dựng ngôi đền Thơi linh thiêng này…

Phương Chi