Dâng Người khúc hát quê hương

14/05/2015 16:02

(Baonghean) - Lễ hội Làng Sen năm 2015 toàn quốc được tổ chức nhân Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp người dân cả nước thể hiện lòng biết ơn, thành kính, sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất qua những khúc hát quê hương...

“Trường Dục Thanh vọng mãi tên Người”

Năm 1910, trên hành trình từ Bắc vào Nam, Bác Hồ đã dừng chân tại Bình Thuận và dạy học tại Trường Dục Thanh. Hơn 1 thế kỷ kể từ ngày Bác rời mái trường Dục Thanh đi tìm đường cứu nước và trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đối với những người con Phan Thiết (Bình Thuận), Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của Trường Dục Thanh ngày nào.

Cũng bởi vậy mà chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh Bình Thuận tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc có chủ đề “Trường Dục Thanh vọng mãi tên Người” với 7 ca khúc ca ngợi công ơn của Bác Hồ vĩ đại, dấu ấn của Người trên mảnh đất Phan Thiết (Bình Thuận) và tình cảm của đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Thuận với Người.

Tiết mục Làng Chăm ơn Bác của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Bình Thuận.
Tiết mục "Làng Chăm ơn Bác" của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Bình Thuận.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Thuận, Trưởng đoàn NTQC tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc năm nay, đoàn Bình Thuận có 20 ca sỹ, diễn viên, biên đạo. Để chuẩn bị cho Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, đoàn đã tập trung tập luyện hơn 3 tuần nay với khí thế rất hào hứng. Dù đoàn Bình Thuận thường xuyên góp mặt tại các kỳ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, những thành viên của đoàn đợt này, phần lớn chưa được về Nghệ An thăm quê hương Bác Hồ, vì vậy ai cũng háo hức, mong được mang những lời ca, tiếng hát hay nhất, những điệu múa đẹp nhất đến với làng Sen quê Người”.

Với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, trong các thành viên đoàn NTQC tỉnh Bình Thuận, người “kỳ cựu” nhất là ca sỹ Kim Luông (SN 1986), khi mà chị đã 3 lần tham gia (năm 2005, 2010 và 2015). Chị cũng là diễn viên dân tộc Chăm duy nhất trong thành phần của đoàn. Tại liên hoan lần này, ca sỹ Kim Luông thể hiện bài hát “Làng Chăm ơn Bác” - tác phẩm mà nhạc sỹ A Mư Nhân - người con của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận sáng tác.

Trong một lần về thăm làng Sen, anh đã xúc động viết nên những lời ca gửi trọn niềm tin của đồng bào mình với Bác: “Từ làng Chăm xa xôi, nay con về thăm quê Bác/ Nghe trong lòng bao thương nhớ, Ôi mang nặng tình Bác trong tim/ Nhớ lời Bác gìn giữ quê hương nòi giống/ Ánh dương rạng rỡ Tổ quốc gấm vóc non sông/ Người Chăm luôn ghi nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại”.

Ca sỹ Kim Luông tâm sự: “Người Chăm ai cũng thuộc lòng bài hát này. Còn tôi, hát về Bác, tham gia các chương trình nghệ thuật về Người đã nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng thấy xúc động. Mỗi khi cất lên bài hát ca ngợi Bác, tôi thấy mình cần cố gắng, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, cần phải học tập, noi theo tấm gương đạo đức, lối sống bình dị của Người. Được đem lời ca, tiếng hát dâng lên Người, mừng Sinh nhật Người là niềm tự hào của tôi - người con của đồng bào Chăm...”.

“Bác muốn nghe một câu hò Huế…”

Sinh thời, Bác đã đi và sống ở rất nhiều nơi, nhưng Huế là nơi lưu giữ thời niên thiếu của Bác nhiều nhất. Bác đến sống ở Huế 2 lần, lần thứ nhất từ năm 1895 - 1901 và lần thứ hai từ năm 1906 - 1909, cả 2 giai đoạn là gần 10 năm. Đó là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của Bác, tác động đến sự hình thành một con người yêu nước, một tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là khoảng thời gian gắn liền với hình ảnh người mẹ hiền tần tảo, hy sinh cả đời mình vì chồng, vì con, người mẹ mà Bác hằng tôn kính, đã mãi mãi ra đi...

Tiết mục tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiết mục tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ ý nghĩa lịch sử thiêng liêng đó và tình cảm sâu nặng mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế dành cho Bác, tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc năm nay, với chủ đề “Từ Làng Sen ánh hào quang tỏa sáng”, mong muốn của các diễn viên đến từ mảnh đất sông Hương, núi Ngự là mang đến những tiết mục đậm chất Huế - thơ mộng mà mặn mà, sâu lắng. Và như tinh thần của câu hát “Bác muốn nghe một câu hò Huế, hoặc muốn nghe câu ví, giặm quê nhà” (Lời Bác dặn trước lúc đi xa - Trần Hoàn), trong số 7 tiết mục mà đoàn nghệ thuật Thừa Thiên Huế tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen có đến 3 tiết mục mang đậm chất dân ca Huế. Ngoài ra còn có bài hát quen thuộc “Người con gái Pa Cô” của nhạc sỹ Huy Thục nói về tình cảm của đồng bào dân tộc Pa Cô trên đại ngàn Trường Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế với Bác kính yêu.

Trong thành phần của đoàn NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế, có một người con quê Nghệ An hiện đang sinh sống và công tác tại Huế. Đó là anh Ngô Văn Giáo (SN 1981) công tác ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế. Phụ trách phần âm nhạc của đoàn NTQC Thừa Thiên Huế tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, anh Giáo xúc động tâm sự: “Là người con xa quê, được về góp mặt tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, tôi muốn cùng 26 ca sỹ, diễn viên xứ Huế dâng lên người những lời ca, điệu nhạc bằng những tình cảm mộc mạc, chân thành nhất từ sâu thẳm con tim để góp một phần nhỏ làm nên sự thành công của liên hoan. Đó không chỉ thể hiện tình cảm, lời tri ân với Bác mà còn với quê hương xứ Nghệ”.

“Miền Nam nhớ mãi ơn Người”

Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp quốc gia, được coi là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi chương trình hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng về Bác, hướng về Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, những ngày này đoàn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tập luyện chuẩn bị các tiết mục nghệ thuật đặc sắc để biểu diễn, giao lưu tại lễ hội.

Đoàn nghệ thuật quần chúng Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) luyện tập chuẩn bị tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen 2015.
Đoàn nghệ thuật quần chúng Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) luyện tập chuẩn bị tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen 2015.

Chương trình nghệ thuật của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh góp mặt trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm nay với những ca khúc ngọt ngào, tha thiết, mở đầu “Từ Làng Sen”, “Thăm bến Nhà Rồng” đến “Sáng mãi tên Người Hồ Chí Minh’, “40 mùa hoa rực rỡ” đã phác hoạ một chặng đường lịch sử của thành phố mang tên Người. “Trong mỗi tiết mục biểu diễn hát, múa của chương trình đều thấp thoáng bóng hình Bác gắn bó, hoà quyện với mảnh đất, con người Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung… Bởi đằm sâu trong những lời ca, điệu múa ấy là tấm lòng biết ơn sâu sắc, sự ngưỡng mộ thành kính của những “trái tim phương Nam” luôn hướng về Bác kính yêu với chủ đề xuyên suốt “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” - ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Mong muốn dành những “bông hoa” nghệ thuật ngát hương và tươi trẻ, giàu sức sống dâng Người đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 125, các thành viên của đoàn tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen được lựa chọn từ câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng của một quận trong thành phố (Quận 3); với các thành viên trẻ tuổi chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên. Đây cũng là chủ trương của thành phố trong việc lựa chọn các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng cấp quận, huyện tham gia hội diễn khu vực, toàn quốc, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cho các đội, nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật. Đây thực sự là cơ hội quý khi các thành viên được giao lưu, gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm từ các đoàn nghệ thuật của hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước và các nước bạn tại lễ hội giàu ý nghĩa này.

Hầu hết các thành viên trong đoàn đều lần đầu tiên được về với Kim Liên quê hương Bác, bởi vậy ai cũng mang tâm trạng háo hức mừng vui. Sinh viên Lưu Hoàng Tuấn (một thành viên trong đoàn) bồi hồi chia sẻ: “Với mỗi thành viên trong đoàn chúng em đều mong chờ ngày về với làng Sen quê Bác, bởi đó là một lần chúng em được về nguồn để được hiểu thêm về thân thế và công lao của Bác đối với dân tộc, bồi đắp thêm động lực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”.

Việt Bắc nhớ Bác

Về với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm nay, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang mang đến đêm giao lưu chương trình nghệ thuật với chủ đề “Việt Bắc nhớ Bác”; gồm 6 ca khúc: “Đường về Tân Trào”, “Con đường Bác đã đi qua”, “Trong xanh Khuôn Pén”, múa hát “Việt Bắc nhớ Bác”, “Người Dao ơn Bác” và điệu múa sen “Nhớ ơn Bác”…

Buổi tập luyện của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang.
Buổi tập luyện của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang.

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Tuyên Quang với thời gian hơn 6 năm, những tên làng, tên xã nơi đây đã đi vào lịch sử làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Sáu mươi chín năm đã qua, nhưng trên từng bậc cầu thang của lán Nà Nưa, lán Hang Bòng đơn sơ, hay mái đình Hồng Thái, gốc đa Tân Trào thiêng liêng… trong ký ức của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang hình bóng Bác như vẫn còn đây. Những câu chuyện về Bác luôn được nhân dân nơi đây nhắc đến với lòng thành kính, tự hào. Qua những ca khúc này, các nghệ sỹ muốn gửi gắm tình cảm của những người con từ mảnh đất Tuyên Quang về với Bác Hồ kính yêu, với mảnh đất Nghệ An dày truyền thống lịch sử.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm - Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Ngọc Khanh cho biết: “Đây là lần thứ 3 đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang hành hương về quê Bác. Lần đầu tiên là vào năm 1990, nhưng lần nào cảm xúc cũng dâng trào, cũng đau đáu muốn được trở về thăm mảnh đất ấy, quê hương ấy. Với 26 nghệ sỹ của tỉnh tham gia lễ hội năm nay sẽ đại diện cho 22 dân tộc anh em tỉnh Tuyên Quang dành tình cảm thiêng liêng của mình đối với Người. Và đây cũng là dịp để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu học hỏi từ các đoàn nghệ thuật với các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của các vùng, miền. Được tham dự lễ hội, dâng nén hương thơm trước anh linh Người, cùng hòa trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chúng tôi không chỉ được thấy gần Bác hơn, mà còn là dịp để soi lại lòng mình, chiêm nghiệm những giá trị đích thực trong cuộc sống, về con đường mà mình đã, đang và sẽ đi…

Minh Quân - Đinh Nguyệt - Ngọc Anh