Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành

25/06/2015 14:27

Sáng 25/6, với 428 đại biểu (chiếm tỷ lệ 86,64% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của dư luận ngay từ khi hình thành dự án và đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.


Ngay sau kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát thực địa Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa và địa điểm quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai.

Đoàn công tác cũng đã làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan tham vấn để báo cáo Quốc hội.

Tán thành về mặt chủ trương, song, trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu việc xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phải có phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi.

Chính phủ cần có kế hoạch Đầu tư xây dựng hạ tầng và các hạng mục phụ trợ phục vụ thực hiện Dự án; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quốc hội cũng yêu cầu triển khai Dự án phải bảo đảm tiến độ, hiệu quả kinh tế - xã hội, có đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; huy động và cân đối nguồn đầu tư theo quy định của pháp luật; không gây tác động xấu đến nợ công.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án (5.000 ha); có giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả đất chưa sử dụng của Dự án. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng.

Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội tán thành việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, với mục tiêu giai đoạn 1 khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Về quy mô, Dự án được đầu tư xây dựng để đạt công suất 100 triệu khách/năm, hàng hóa 5 triệu tấn/năm với công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí thuận tiện, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo với 452 đại biểu tán thành (91,50% tổng số đại biểu Quốc hội). Cũng với 442 đại biểu (89,47 % tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Đáng chú ý, trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội vinh dự đón cụ bà Ngô Thị Huệ, lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm Quốc hội.

Năm 2015, là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015), nhằm tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới của đất nước; đồng thời, nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của đồng chí Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đầu đổi mới.

Theo TTXVN