Tam Đình (Tương Dương): Điểm sáng giảm nghèo

31/12/2014 16:45

(Baonghean) - Nhờ chỉ đạo sát sao từ xã xuống thôn bản và thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tam Đình, huyện Tương Dương trong năm qua giảm mạnh, từ 52,05% đầu năm 2014 giảm xuống còn 29,30% đầu năm 2015, trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhất trên địa bàn huyện miền núi rẻo cao này…

Xã Tam Đình là địa phương vùng ngoài của huyện Tương Dương, có nhiều điều kiện hơn để phát triển kinh tế xã hội so với các xã vùng trong. Tuy nhiên trong những năm trước đây, do công tác bình xét hộ nghèo chưa được thực hiện nghiêm túc, nên tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm chuyển biến chậm. Năm 2011, còn trên 86% hộ nghèo, năm 2012, giảm còn hơn 81% hộ nghèo, năm 2013 vẫn còn ở mức gần 64% hộ nghèo và đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã này vẫn còn chiếm 52,05% số hộ. Tỷ lệ hộ nghèo như thế là cao so với những địa phương khác trong huyện.

Ông Kha Văn Khương, bản Quang Phúc chăm sóc trâu.
Ông Kha Văn Khương, bản Quang Phúc chăm sóc trâu.

Thực hiện nghiêm các chủ trương của Nhà nước, cụ thể là căn cứ vào Thông tư số 21/2012 của Bộ Lao động và TB - XH về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, cuối năm 2014 xã Tam Đình đã chỉ đạo các thôn bản triển khai thực hiện bình xét hộ nghèo cho năm 2015. Khác với các năm trước đây là giao cho các thôn bản bình xét, năm nay xã thành lập ban chỉ đạo, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, trực tiếp xuống từng thôn bản chỉ đạo, cùng với Ban quản lý bản, đến từng hộ, thống kê tài sản về vật chất, vật nuôi, lao động một cách dân chủ, công khai, khách quan. Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ 52% đầu năm 2014, nay giảm xuống còn 29,30%.

Anh Vi Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND xã, trưởng ban chỉ đạo của xã, cho biết, trước khi triển khai bình xét hộ nghèo trên toàn xã, UBND xã đã tập trung tuyên truyền đến từng thôn bản về chủ trương của Nhà nước trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo để bà con hiểu cặn kẽ, thấu đáo. Do vậy, khác với trước đây, lần này xã thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với ban quản lý các thôn bản rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách bài bản, chặt chẽ, công khai, khách quan. Bản thân anh Miên là trưởng ban chỉ đạo của xã, đã phối hợp với các bản, trực tiếp đến trên 90% số hộ trong xã để nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó thống kê tài sản, vật nuôi, nhân khẩu, lao động chính, từ đó để lấy cơ sở bình xét.

Những gia đình có lao động trẻ đang làm ăn ở nước ngoài hay ở các thành phố lớn trong nước, đều thống kê mức thu nhập chung trong gia đình. Vật nuôi là trâu, bò, căn cứ vào tỷ lệ tiêm phòng gia súc hàng năm để kê khai vào tài sản hiện có của gia đình. Với cách làm như vậy, các hộ dân không giấu giếm được tài sản, vật nuôi của mình, nên có cơ sở thực tế để bình xét. Trước đây, giao cho các thôn bản bình xét hộ nghèo, thường nể nang anh em, họ hàng, không chặt chẽ, nên xẩy ra tình trạng tranh giành nhau hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Trưởng bản Quang Phúc là ông Lô Văn Tăng cho biết: Bản có 280 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, đời sống của đồng bào chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Lâu nay, bản được đánh giá là phức tạp nhất trong công tác bình xét hộ nghèo hàng năm của xã. Thế nhưng, cuối năm 2014, với sự tuyên truyền, chỉ đạo sát sao của xã, công tác bình xét hộ nghèo, cận nghèo của bản hoàn toàn khác so với trước. Sau khi bình xét xong, hầu hết tâm lý của người dân đều thoải mái, vui vẻ, không có tình trạng gây mất đoàn kết trong bản. Bởi ai cũng cho rằng, cách làm của xã là thực tế, công bằng, khách quan. Thời điểm này đang là nông nhàn, nên gia đình nào cũng có người lớn ở nhà tranh thủ thời gian rào dậu mảnh đất vườn, trồng rau xanh, chăm sóc con lợn, đàn gà, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình.

Gia đình ông Kha Văn Khương, 1 trong 36 hộ của bản Quang Phúc vừa thoát khỏi hộ nghèo trong đợt bình xét vừa qua. Cũng như các hộ khác trong bản, ông Khương tận dụng những cây tre, chẻ mỏng, đóng thành tấm liếp, che chắn mảnh đất vườn, trồng rau, nuôi gà. Nhà ông còn chăn nuôi nhiều trâu sinh sản, trâu cày kéo. Con trâu là tài sản lớn trong gia đình, nên hàng ngày ông dành nhiều thời gian chăm sóc. Ông Khương cho biết, nhờ có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi trâu, hiện có 8 con trâu, là tài sản lớn của gia đình, ngoài ra còn làm nhiều nương rẫy, đã tích góp tiền của làm được nhà ở vững chắc, kín đáo, mua được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Những năm trước thuộc diện hộ nghèo của Nhà nước, nhưng đợt bình bầu vừa rồi, gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo rồi. “Vợ chồng, con cái khỏe mạnh, mình thoát nghèo là để có ý thức vươn lên trong cuộc sống, còn hộ nghèo dành cho hộ thực sự khó khăn khác. Bây giờ mọi thành viên trong gia đình đều nhận thức được rằng, việc phát triển kinh tế gia đình để không tái nghèo là trách nhiệm của mỗi người, nên ai cũng tích cực lao động” , ông Khương bộc bạch.

Với kết quả đã đạt được về công tác bình xét hộ nghèo cuối năm 2014 vừa qua, xã Tam Đình được đánh giá là có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhất trong năm 2015 trên địa bàn huyện Tương Dương. Đây là cách bình xét hộ nghèo thực hiện một cách chặt chẽ, có trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, với mục tiêu là hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân vào chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

Xuân Hoàng