Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Lima

14/12/2014 18:59

(Baonghean.vn) - Chủ nhật ngày 14/12, sau khi được kéo dài thêm 36 giờ đàm phán, Hội nghị về biến đồi khí hậu lần thứ 20 (COP20) của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Lima, Peru đã bế mạc bằng việc đạt được một thỏa thuận tối thiểu.

TIN LIÊN QUAN

Toàn thể phiên họp Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Lima, Peru hôm 12 tháng 12. Ảnh: Enrique Castro Mendivil
Toàn thể phiên họp Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Lima, Peru hôm 12 tháng 12. Ảnh: Enrique Castro Mendivil

Sự căng thẳng giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển đã làm giảm bớt hy vọng về một sự tiến triển được kỳ vọng khi Hội nghị mới bắt đầu. Điều này bị đánh giá là một dấu hiệu không tốt cho Hiệp định sẽ được 195 quốc gia thành viên ký kết tại Paris vào tháng 12/2015 sắp tới.

Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực năm 2020 và được xem là hiệp định đầu tiên mang tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia trong việc chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Mục đích của hiệp định là giữ mức gia tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất ở dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học của IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change), mức nhiệt độ này vẫn bị đánh giá là không an toàn.

Hội nghị ở Lima phải xác định rõ được các giai đoạn cũng như đảm bảo rằng các nước sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu đề ra thông qua các bản báo cáo giữa năm thì “con đường” dẫn đến việc hình thành Hiệp định tại Paris mới được đảm bảo. Các văn bản được thông qua hôm chủ nhật khẳng định nguyên tắc “đóng góp quốc gia” nhưng lại không có cơ chế nào kiểm ra lại. Có nghĩa là sự thành công của nguyên tắc này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của mỗi quốc gia.

Sau những bất đồng, các quốc gia mà đặc biệt là các nước đang phát triển cùng đạt được một sự nhất trí về việc đề cập sâu hơn tới các vấn đề biến đổi khí hậu trong các cuộc đàm phán. Nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” cam kết đưa ra một cách ứng xử riêng đối với các nước đang phát triển và các nước công nghiệp phát triển đã được tái khẳng định.

Quỹ Khí hậu Xanh đã được đóng góp với số tiền lên tới 10,2 tỷ USD. Tuy nhiên vẫn không có bất kỳ tiến triển nào trong việc đảm bảo các nước đang phát triển thực hiện lời hứa cung cấp viện trợ lên đến 100 tỷ USD vào năm 2020. Lời hứa này đã được đưa ra từ Hội nghị về khí hậu năm 2009 tại Copenhagen.

Cuối cùng, một “bản dự thảo” về Hiệp định Paris đã được thông qua. Bản dự thảo gồm 37 trang với các lựa chọn mở. Tất cả các nước đều nhắc lại mong muốn của mình nhằm đạt được một hiệp định vào năm tới. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hứa rằng ông sẽ chủ trì, tổ chức Hội nghị COP21 về khí hậu tại Paris bằng “hoài bão, lắng nghe và tinh thần thỏa hiệp”.

Chu Thanh – theo LeMonde 14/12