Phương Tây, Iran ca ngợi thỏa thuận hạt nhân, Israel phản đối
Ngày 14-7, các nước phương Tây và Iran đồng loạt ca ngợi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, chấm dứt 13 năm đối đầu căng thẳng với hàng loạt thất bại ngoại giao và những đe dọa quân sự.
Các quan chức Iran và châu Âu vui vẻ sau khi đạt được thỏa thuận Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini mô tả thỏa thuận là “tín hiệu hi vọng cho cả thế giới, điều rất cần thiết trong thời điểm này”. “Đây là quyết định có thể mở ra một chương mới trong quan hệ quốc tế và cho thấy rằng ngoại giao và hợp tác sẽ vượt qua hàng thập kỷ căng thẳng và đối đầu”.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định thỏa thuận này là “khoảnh khắc lịch sử”. “Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận dù không hoàn hảo nhưng là thành tựu quan trọng cho tất cả. Chúng ta đang bắt đầu một chương hi vọng mới” - ông Zarif nhấn mạnh.
Dỡ bỏ cấm vận
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thế giới “thở phào nhẹ nhõm” sau khi có thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền Pháp thông báo Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thông qua một nghị quyết về thỏa thuận Iran trong vòng vài ngày tới.
Theo thỏa thuận, phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận ngặt nghèo đối với nền kinh tế Iran, bao gồm các ngành dầu khí, hàng không, vân tải, tài chính... Cấm vận phương Tây đã khiến xuất khẩu dầu thô của quốc gia thành viên OPEC giảm 25% trong những năm qua. Phương Tây cũng sẽ hủy việc đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Iran.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí và tên lửa của Liên Hiệp Quốc đối với Iran sẽ tiếp tục duy trì trong lần lượt năm và tám năm tới.
Đổi lại, Tehran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đảm bảo nước này không thể sản xuất vũ khí nguyên tử. Iran sẽ cắt giảm số lượng máy ly tâm xuống 2/3 trong vòng 10 năm tới.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ có quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran trong vòng 24 ngày tới. Iran đã có nhiều nhượng bộ quan trọng. Lực lượng thanh sát viên LHQ sẽ có quyền tiếp cận và giám sát các cơ sở quân sự của Iran.
Chính quyền Tehran cũng chấp nhận việc phương Tây nối lại cấm vận trong vòng 65 ngày nếu nước này vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Giới quan sát nhận định sau khi thỏa thuận được thực hiện, nền kinh tế Iran vẫn sẽ mất một thời gian dài mới có thể hồi phục. Phải đến sang năm các biện pháp cấm vận ngành dầu khí Iran mới được dỡ bỏ hoàn toàn.
Israel phản đối
Chỉ có Israel lên tiếng phản đối dữ dội thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đây là “sai lầm lịch sử” và nhấn mạnh ông vẫn sẵn sàng can thiệp quân sự để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Netanyahu cảnh báo với việc các biện pháp cấm vận được dỡ bỏ, Iran “sẽ nhận hàng trăm tỷ USD và dùng số tiền này để chạy cỗ máy khủng bố”. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon chỉ trích các cường quốc “đầu hàng” trước Iran. “Tehran bước vào bàn đàm phán với thế yếu, nhưng lại chiến thắng” - Bộ trưởng Yaalon bức xúc.
Bất chấp phản đối của Israel, giới quan sát nhận định thỏa thuận hạt nhân lịch sử này là một thành tựu ngoại giao quan trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama. AFP dẫn lời chuyên gia Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá trong 40 năm qua, chính sách đối đầu của Mỹ với Iran tỏ ra không hiệu quả.
Ngược lại ông Obama quyết tâm theo đuổi con đường ngoại giao, đàm phán với quốc gia cựu thù. “Do đó thỏa thuận này có ý nghĩa lớn” - ông Miller nhấn mạnh. Dù vậy, ông Obama sẽ không thể đơn phương dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran mà cần sự thông qua của Quốc hội.
(Theo AFP/TTO)
TIN LIÊN QUAN |
---|