Nơi nương tựa của những phận người
(Baonghean) - Tuổi già, ai cũng mong được sum vầy bên con cháu lúc cuối đời. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, nhiều người đã không có “phúc phận” đó. Họ tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (Giang Sơn Đông, Đô Lương) như một chỗ dựa lúc xế chiều. Gần nửa thế kỷ qua, nơi đây trở thành mái nhà chung của những người già cô đơn, không nơi nương tựa...
Cụ Hồ Thị Loan quê ở xã Hưng Hòa - TP Vinh gắn bó với trung tâm gần 40 năm nay. Mỗi lần có người hỏi thăm hoàn cảnh, bà lại chực trào nước mắt. Ngày trước, bà cũng có gia đình đầm ấm như bao người phụ nữ khác. Thế nhưng, khi mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng, chồng bà ra đi sau một tai nạn trên biển. Gắng gượng sinh con, không còn ai thân thích nên đành bế con lang thang mưu sinh, rồi vào trung tâm và chọn nơi đây làm ngôi nhà thứ hai cho mình. Đã quá nửa đời người, chừng ấy thời gian cuộc sống mẹ con bà chỉ quẩn quanh trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông, tìm sự an ủi bên cạnh những người cùng hoàn cảnh. “Ở đây chúng tôi ai cũng có nỗi khổ riêng, nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Thỉnh thoảng lại được các tổ chức từ thiện đến thăm hỏi, tặng quà. Vậy là may mắn lắm rồi” - bà Loan cười nhẹ nhõm.
Đồng cảnh ngộ với bà Loan, có bà Đinh Thị Chắt (82 tuổi). Chồng mất sớm, cuộc sống quá khó khăn, bà Chắt đã đưa con vào nương náu tại Trung tâm. Ngày mới lên đây, trong bà bao giờ cũng thường trực nỗi tủi phận, chỉ ước ao, giá có một ngôi nhà để mẹ con nương tựa vào nhau. Sau một thời gian sống với nhau dưới mái nhà chung, hiểu được hoàn cảnh của nhau, sẻ chia cùng nhau, bà nguôi ngoai dần...
Phút nghỉ ngơi của các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An. |
Dường như, mỗi một số phận ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An là một câu chuyện buồn. Chỉ có ít người may mắn như bà Loan, bà Chắt là còn nhớ được quê quán, nguồn gốc của mình, còn lại khi đã vào đây họ đều đã già yếu, thiếu sự minh mẫn, ký ức nhiều khi chỉ là những mảnh vụn chắp vá với những nhớ nhớ quên quên. Gắn bó với công việc ở trung tâm gần ba mươi năm, anh Lê Công Tài chia sẻ: Muốn làm tốt công việc ở đây, quan trọng là phải hiểu được từng hoàn cảnh, từng số phận...
Các cụ bà, cụ ông ở đây đáng thương lắm. Họ cũng giống như bố mẹ mình, về già muốn được sum vầy, muốn có con cháu đỡ đần giúp đỡ nhưng thiếu may mắn nên đành chấp nhận... Vào ngày lễ, tết, các cụ lại ra ra vào vào, mắt ngóng về phía cổng mong có người thân đến thăm... Những lúc ấy, dù vật chất có được đáp ứng đầy đủ đến đâu thì cũng không lấp đầy được sự thiếu hụt về đời sống tinh thần. Có lẽ cũng bởi vì thế nên khi có người đến chơi, dù là lạ các cụ vũng vui lắm. Tíu tít trò chuyện, cứ như người thân lâu ngày mới gặp. Cũng bởi biết các cụ ở đây neo đơn nên khi đến thăm, họ mang thức ăn từ dưới xuôi lên, tự tay chế biến, nấu cơm, cố gắng cho các cụ được hưởng không khí đầm ấm của bữa cơm sum vầy.
Đến trung tâm, chúng tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh xúc động khác. Đó là hình ảnh các cụ bà thay nhau cầm gậy, dắt cụ Sửu bị mù đi lấy cơm. Hình ảnh của anh Nguyễn Văn Hiền (quê ở huyện Diễn Châu) dù 2 chân bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, đi lại khó khăn nhưng vẫn kiên trì tự phục vụ bản thân để không phải phiền đến mọi người. Là giây phút sinh hoạt đầm ấm của vợ chồng bán tăm Vương Đình Sơn và chị Nguyễn Thị Thủy. Ngày mới vào đây, anh bị mù, chị bị tàn tật, thuộc diện cơ nhỡ, không có người cưu mang. Nhưng sống với nhau, hiểu hoàn cảnh hai người tự xích lại với nhau thành vợ thành chồng. Nay cô con gái đầu của anh chị đã lấy chồng, con trai thì đang học ở trường cao đẳng.
Đến đây, chúng tôi cũng thấy yên tâm trước nụ cười lạc quan của cụ Lê Viết Vinh, người chịu thương, chịu khó được các anh chị ở trung tâm giao làm phụ bếp. Cụ vốn là trai thành phố, nhà có tới 7 anh em nhưng lớn lên đều bệnh tật rồi qua đời hết. Cụ là con út nhưng vì ốm yếu từ nhỏ nên chẳng dám lấy vợ. Ngày còn thanh niên, cụ siêng năng cần cù, nên làm thuê, làm mướn cũng đủ ăn qua ngày. Nhưng rồi, tuổi già, chịu không được sự cô đơn, cụ xin lên đây để có nơi nương tựa. Thấm thoắt, vậy mà cũng đã gần mười năm...
Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An được thành lập từ năm 1969 tại huyện Đô Lương và cho đến nay vẫn là địa chỉ duy nhất của cả tỉnh nhận nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa. Chế độ trợ cấp cho các cụ theo quy định chỉ 360.000 đồng/người/tháng nên để lo cho các cụ ba bữa ăn đủ chất chất dinh dưỡng là một điều rất khó. Để phục vụ hiệu quả, trung tâm đã cắt cử nhân viên đặt mua lương thực, thực phẩm tại chỗ, tận dụng nguồn củi đun rẻ thay cho than điện, chế biến, cải thiện món ăn... Chủ động mời hội đồng giám định mức độ khuyết tật cho các đối tượng, chăm lo chế độ cho những người trên 80 tuổi để đảm bảo cho các đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại trung tâm...
Anh - Hà