Để ví, giặm trường tồn
(Baonghean) - Đã từ lâu nhắc đến Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là nghĩ ngay đến những điệu ví, câu hò hay đêm trăng phường vải. Và có thể nói, Dân ca ví, giặm đã là hồn cốt của Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.
Trong những ngày tháng Năm này, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng Tiếng hát làng Sen năm 2015, hướng đến kỷ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác kính yêu. Nghĩa Đàn là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức liên hoan. Điều đáng ghi nhận là liên hoan năm nay, trong chương trình của các đơn vị Dân ca ví, giặm chiếm thời lượng lớn.
Theo chị Nguyễn Thị Hương, đơn vị Nghĩa Hội thì: Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là hồn cốt, máu thịt của người dân xứ Nghệ. Vậy nên, các đơn vị đều chủ động bày tỏ niềm tự hào bằng cách xây dựng nhiều hơn các tiết mục, tăng thời lượng, khẳng định vị thế của thể loại Dân ca ví, giặm.
Còn huyện Đô Lương lại tổ chức xen kẽ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tại liên hoan, vị thế của loại hình nghệ thuật này được nâng cao, đậm các tiết mục ví, giặm tự biên, soạn lời mới.
Ông Nguyễn Kim Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện cho biết: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2015 của huyện diễn ra từ ngày 8/5 đến ngày 16/5, được chia làm 6 cụm. Chuẩn bị, định hướng cho liên hoan, Ban Tổ chức đã chủ động yêu cầu các đơn vị tham gia dành 2/3 thời lượng biểu diễn (25 phút) cho Dân ca ví, giặm, tiết mục còn lại ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu cũng phải mang âm hưởng Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Trao truyền câu hát dân ca. Ảnh: Trần Hải |
Qua các đêm diễn ra Liên hoan Tiếng hát Làng Sen 2015 ở các địa phương, có thể thấy các đơn vị đã bám sát vào thể lệ, chương trình có nhiều sáng tạo, phát huy đậm đà bản sắc văn hoá vùng, miền chất lượng nghệ thuật được nâng lên rõ rệt. Các câu lạc bộ đã chú trọng tốt đến việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Nhiều nghệ nhân dân ca đã rất chú ý đến giọng hát, kỹ thuật hát, nhấn nhá, ngân nga theo đúng nhịp phách, bên cạnh đó đã có những sáng tạo riêng thể hiện âm ngữ, giai điệu của từng địa phương, từng thể loại hò, ví và giặm. Cách trình diễn linh hoạt, thông mình và hóm hỉnh, kết hợp với sự triết lý, hồn nhiên, hấp dẫn đã đáp ứng thị hiếu khán giả… Liên hoan thành công trên nhiều mặt, nhất là ở ý thức giữ gìn và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.
“Liên hoan Tiếng hát Làng Sen mà thiếu ví, giặm thì còn gì sức sống” - Nghệ nhân Trần Văn Tư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví phường vải Kim Liên, huyện Nam Đàn khẳng định. Xác định Dân ca ví giặm là “hồn cốt” của Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, huyện Nam Đàn đã tổ chức tập huấn kỹ năng thanh nhạc, phương pháp dàn dựng chương trình theo chủ đề “Khúc hát dâng Người”, trọng tâm là các tiết mục ví, giặm cho các cán bộ chuyên trách văn hoá xã, thị trấn và các trường học trong toàn huyện.
Trải qua 34 lần tổ chức, sức lan tỏa của Liên hoan Tiếng hát Làng Sen ngày càng mạnh mẽ và Dân ca ví, giặm đã trở thành điểm nhấn không thể thiếu. Nhạc sỹ Đình Đắc, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ cho biết: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen ra đời từ Kim Liên - cái nôi của phường vải mà thân mẫu Bác Hồ, Bà Hoàng Thị Loan thường ru Bác những điệu hò, câu ví thiết tha. Bác của chúng ta đã lớn lên, trưởng thành và ra đi tìm đường cứu nước cũng vì câu ví, giặm, “rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”. Vậy nên, liên hoan không thể thiếu Dân ca ví, giặm. Lễ hội Làng Sen được tổ chức với quy mô toàn quốc, thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia, phục vụ các tầng lớp nhân dân, đây là cơ hội để chúng ta quảng bá Dân ca ví, giặm nói riêng…
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu mong muốn: Cần nâng cao hơn nữa vị thế của Dân ca ví, giặm trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Dân ca ví, giặm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và phải trở thành “đặc sản” của Lễ hội Làng Sen. Làm thế nào để mỗi tháng Năm về, du khách khắp nơi trong tỉnh, trong nước, quốc tế tìm về với Lễ hội Làng Sen để được nghe Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc năm nay thu hút 30 đoàn nghệ thuật trong cả nước và 2 đoàn nghệ thuật đến từ Lào và Thái Lan sẽ có những chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân khắp nơi trong tỉnh. Đây chính là cơ hội để chúng ta quảng bá Dân ca ví, giặm đến với người dân nhiều vùng quê trong cả nước và thế giới.
Thanh Sơn