Tài hoa thợ mộc Nam Lộc

18/07/2015 11:30

(Baonghean) - Ngót ngét nửa thập kỷ nay, tay nghề của những người thợ mộc xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn đã nức tiếng khắp vùng. Những ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi; những nhà gỗ cầu kỳ; những vì, kèo nhà thờ, đền đài, miếu mạo với nét chạm trổ tinh xảo... đều do bàn tay tài hoa của người thợ mộc Nam Lộc làm nên…

Xã Nam Lộc, nằm kế bên bờ sông Lam, đất chật người đông nên cái đói, cái nghèo một thời đeo đẳng. Ngày trước, người dân Nam Lộc ngoài con cá dưới sông thì nghề chính cũng chỉ có làm ruộng. Nghề mộc du nhập vào làng giữa những năm 60 khi Nhà máy gỗ Vinh chuyển về sơ tán trong vùng. Thời điểm ấy, Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh rất ác liệt. Để đảm bảo an toàn, công nhân của nhà máy gỗ cùng ăn, ở, và làm việc trong nhà dân, nhờ nhân dân trong vùng che chở. Nhà máy gỗ về cũng đem đến một luồng gió mới trong vùng, mà vui nhất có lẽ là lũ trẻ bởi lần đầu biết đến cái máy cưa, biết đến những con thuyền đồ sộ, biết thế nào là dui, là đục. Nhiều thanh niên trai tráng trong làng cũng may mắn được chọn vào làm công nhân, bước đầu làm quen với nghề mộc. Nhớ về những ngày tháng ấy, bác Nguyễn Văn Hiệp (xóm 4) – một trong những người thợ “lão làng” nhất trong vùng nói rằng: Khi đó, trong xã có 2 xưởng đóng tàu, một ở bến bà Bang, một ở bến ông Hữu. Thanh niên chúng tôi mỗi lần đi tắm sông về liền chui vào xưởng nhìn công nhân đục đục, gõ gõ. Thỉnh thoảng các chú còn cho chúng tôi tập cưa...

Anh Nguyễn Văn Đức (bên trái) cùng thợ trong xưởng mộc.
Anh Nguyễn Văn Đức (bên trái) cùng thợ trong xưởng mộc.

Với bàn tay khéo léo, chịu khó, người dân trong vùng đã dần dần làm quen với nghề mộc. Trong làng có ông cố Tý – vốn là Việt kiều ở Thái Lan về, ông lên những vùng xa như Tân Kỳ, Tương Dương tìm gỗ. Những chuyến ngược rừng cũng đem đến cho dân trong làng nhiều đơn đặt hàng, mà đa số là làm nhà sàn cho bà con người dân tộc Thái, Thanh, Thổ. Nghề làm nhà sàn của người dân Nam Lộc cũng bắt đầu từ ngày đó.

Nghề làm nhà sàn khi đó công nhiều nhưng vất vả thì vô vàn. Có thể cũng chính vì thế nên nghề mộc ở đất Nghệ không hiếm nhưng nói đến làm nhà sàn thì chẳng phải nơi nào cũng làm được. Theo đuổi nghề đóng nhà sàn từ những năm mới 19, 20 tuổi anh Nguyễn Văn Đức kể: Mỗi lần nhận được đơn đặt hàng ở Tương Dương chúng tôi phải dậy từ tờ mờ sáng. Ròng rã đi xe khách mất hơn 1 ngày mới đến Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Lên đến nơi, anh em phải cuốc bộ vào các xã vùng sâu, vùng xa. Có khi đi bộ ròng rã mất 2 - 3 ngày mới đến nơi. Làm 1 cái nhà sàn, cầu kỳ cũng mất gần 3 tháng. Gần 90 ngày xa gia đình ai cũng nhớ nhà... Sợ nhất là những khi ốm đau, bởi khi đó điều kiện đi lại khó khăn, y tế cơ sở thì chưa phát triển... Có đi ngược nhiều mới thấm thía những cơn sốt rét rừng. Anh em nhiều người biết mình bị bệnh nhưng phải cắn răng chịu đựng, bởi biết rằng để đưa một người bệnh ra thị trấn, tiền vận chuyển cũng đã ngót nghét 1 chỉ vàng. Trong làng cũng đã có người phải bỏ lại mạng ở trong rừng vì không cấp cứu kịp. Chính anh Dương thì cũng một lần “thập tử nhất sinh” do sốt rét rừng hành hạ.

Cuộc sống phát triển, đến nay xã Nam Lộc có hơn 150 hộ làm nghề, trong đó nhiều nhất là ở xóm 4 – xóm giáo toàn tòng với hơn 130 hộ làm nghề mộc. Một điều cũng rất đáng tự hào với người dân trong đó là dù hiện tại người làm nhà sàn ngày một ít đi, nhưng trên đất Nghệ những căn nhà sàn nào đẹp nhất, kỳ công nhất vẫn là do thợ Nam Lộc dựng nên. Người dân Nam Lộc cũng rất nhạy bén, khi nhu cầu làm nhà sàn ít đi, họ chuyển sang làm nhà gỗ, nhà thờ. Về Nam Lộc, cũng không lạ khi nghe những câu chuyện về những công trình tiền tỷ được chạm trổ kỳ công do bàn tay tài hoa của người thợ mộc Nam Lộc làm nên... Không ít những công trình nức tiếng ở Nghi Diên, Nghi Kiều, Thanh Chương... cũng là do thợ mộc Nam Lộc đảm nhận. Không chỉ đi trong tỉnh thợ mộc Nam Lộc còn đem nghề đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang Lào, Malaysia, Cam-pu-chia. Ông Cao Ngọc Liên – Bí thư xóm 4 cho biết: Hiện ở trong xóm có rất nhiều tốp thợ và quanh năm suốt tháng mải miết ở khắp mọi miền của đất nước. Lương của thợ mộc hiện cũng khá cao, với thợ chính thì trung bình từ 10 – 12 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Con trai ông Cao Ngọc Hùng, mới hơn 30 tuổi, cũng từ nghề mộc mà nay đã phát triển đưa gần 20 người trong làng sang Lào mở xưởng, làm ăn thu nhập ổn định. Toàn xã có 183 hộ, nhưng chỉ có 9 hộ nghèo, còn lại là khá giàu, trong đó có đến 30% là hộ giàu. Cũng rất đáng trân trọng là người dân xóm 4 rất đoàn kết, không giấu nghề mà ngược lại rất có ý thức truyền nghề. Nghề mộc làm đổi thay cả làng chúng tôi, tạo nên thương hiệu cho người dân trong làng...

Bài, ảnh: Mỹ Hà