Những nét văn hóa của cộng đồng người khơ mú. Bài 4: Trỉa lúa xong thì cúng bản

16/07/2015 15:33

(Baonghean) - Nếu như lễ “ăn trâu” để trả công ơn những đấng sinh thành thì với lễ cúng bản gần như là dịp duy nhất để mỗi nhà trong bản khấn thần và ma bản phù hộ cho việc làm ăn được thuận lợi. Đây cũng là ngày duy nhất trong năm mà ngôi đền thiêng trong khu rừng cạnh bản tập nấp người đến lễ.

Lâu nay tôi vẫn ngỡ rằng người Khơ mú có ít ngày lễ, ngày hội. Ngoài tết nguyên đán, ngày mừng cơm mới, dựng nhà đám cưới ra chẳng còn mấy dịp vui. Điều này hóa ra lại sai bởi cộng đồng vốn sống hồn nhiên nhất trong các dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ này có khá nhiều ngày lễ và hội. Kể ra cũng đến 7, 8 thứ lễ và hội chứ chẳng phải ít ỏi gì. Đối với họ những dịp như đám cưới, mừng nhà mới hay như lễ đón năm mới “gơ rơ” cũng là dịp vui, ngày hội của cả cộng đồng. Đó còn chưa nói đến hay lễ cúng bản.

Đền bản của bà con Cha Ca 1 - Bảo Thắng, Kỳ Sơn
Đền bản của bà con Cha Ca 1 - Bảo Thắng, Kỳ Sơn.
Thớt chặt thịt và những dụng cụ nấu nướng đều để lại đền
Thớt chặt thịt và những dụng cụ nấu nướng đều để lại đền.

Ngôi đền thiêng thờ thần và ma bản

Xin được tiếp tục loạt bài bằng việc trở lại với ông Xeo Phò Mạnh ở bản Cha Ca 1 (Bảo Thắng - Kỳ Sơn), một nhân vật am hiểu phong tục bậc nhất trong cộng đồng người Khơ mú mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Sau câu chuyện về lễ “ăn trâu” mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bài viết trước của chuyên đề này, ông Mạnh lại tiếp tục kể về một ngày lễ khác của người Khơ mú, lễ cúng bản. Noi là lễ cúng nhưng kỳ thực đó là một lễ hội bởi sau phần cúng bái các thần linh là phần hội với những hoạt động như uống rượu cần, hát tơm rất đặc trưng của người Khơ mú. Người ta cúng bản là để xin với các thần linh bảo vệ cuộc sống bình yên, no ấm cho bản làng.

Thấy chúng tôi háo hức với câu chuyện mới, lại nhân lúc nắng nóng chưa thể lên rẫy trỉa lúa, ông Xeo Phò Mạnh lại nhấp thêm một ngụm nước cây rừng để chỉnh giọng. Chúng tôi nhìn lên vẻ chờ đợi nhưng chưa vội, ông thầy mo huơ tay ra trước mặt như đang gọi một đấng linh thiêng nào đó trở về. Lúc này gương mặt xương xương của ông cụ như bao phủ một màn sương hư ảo.

Xeo Phò Mạnh tiếp tục câu chuyện: “Mỗi năm bản ta có một lần làm lễ cúng đền. Đền là một cái nhà như nhà sàn nhưng nó thiêng lắm.” Người bạn đồng hành của tôi trố mắt nhìn ông Mạnh vẻ đầy lạ lẫm. Tôi hiểu rằng anh ta đang hình dung về một ngôi đền trên núi thờ một vị sơn thần hay một vị quan có công trấn giữ miền biên ải nào đó. Thậm chí là một ngôi đền giữa rừng già như kiểu phim kiếm hiệp Trung Hoa… Thế nhưng Xeo Phò Mạnh đã đưa anh trở về hiện thực. Đền bản chỉ thờ trời và những ma rừng, ma bản mà thôi. Ngôi đền được dựng một cách tạm bợ và thường phải tu sửa sau một vài năm chịu sương gió. Người Khơ mú ở bản Cha Ca 1 gọi đền bản của họ là “sơn luông" như cách của người Thái vẫn gọi, nghĩa là một ngôi đền lớn. Ngôi đền lợp lá được cất cạnh một gốc săng lẻ cổ thụ như cách của người Thái ở Mỹ Lý (Kỳ Sơn) vẫn thường cất dựng đền bản.

Tung thẻ gọi thần linh

“Ngày làm lễ cúng đền cả bản ai cũng đi ăn cỗ”, ông Mạnh tiếp tục câu chuyện. Người ta chọn ngày làm lễ cúng đền vào 15/7 theo lịch của người Lào. Lúc ấy lúa đã trỉa xuống rẫy chỉ còn chờ đến ngày làm cỏ. Dân bản tận dụng dịp rỗi này để tổ chức lễ hội. Trước đó một con lợn cúng thần, cúng trời đã được chọn mua. Lớn hay bé không cần thiết, miễn sao đủ biện cỗ cho cả bản đến ăn. Tiền mua lợn thì cả bản cùng góp. Sáng sớm ngày làm lễ mỗi gia đình trong bản còn mang theo mâm lễ của mình đến cúng thần. Mỗi nhà cúng một con gà, 2 bát xôi đựng trong bát.

Khu rừng có ngôi đền vốn quanh năm vắng lặng. Nếu không có việc gì chẳng mấy ai bén mảng đến. Người dân ở đây không có tục thắp hương ở đền hàng tháng hay khi cần khấn gì là mang hương vào đền chùa như người miền xuôi. Thế nên dịp có lễ cúng khu vực xung quanh ngôi đền trở nên tấp nập người người đi lễ.

“Buổi cúng lễ thường bắt đầu khoảng từ 7 giờ sáng, đến 11, 12 giờ mới xong” - thầy mo Xeo Phò Mạnh lại tiếp tục câu chuyện. Trước khi đọc bài cúng, mo bản cầm 2 chiếc thẻ nắng mảnh lạt nứa cắt nhỏ. Một mặt xanh quy ước là sấp, một mặt trắng quy ước là ngửa. Thầy mo khấn hỏi: “Nếu các thần đã đến đông đủ, cho một chiếc sấp, một chiếc ngửa nhé.” Sau 3 lần tung, kết quả đều một chiếc sấp, một chiếc ngửa coi như ma và các thần đều đã đến đông đủ. Nếu kết quả không trùng khớp thì phải thực hiện lại cho đến khi thẻ tre “mách bảo” rằng ma và các thần đã đến đông đủ mới thôi.

Khi những vị khách mời đã đến đông đủ, lễ cúng cũng là lễ mời cơm bắt đầu. Thầy cúng đọc bài cúng bằng một giọng điệu ngân nga như lời hát kể nói về những việc mà dân bản đã làm được trong suốt mùa rẫy vừa qua. Trong bản có nhà đã nuôi được nhiều trâu, làm được nhiều rẫy, bụng đã hết đói, nghèo khổ cũng đỡ hơn. Người thì bị bệnh lâu ngày cũng đã khỏe lại. Trong bản có người được đi học xa, đi bộ đội, làm cán bộ..

Bài cúng cũng nhắc chuyện rằng: Dẫu vậy thì người bản cũng còn nhà bị mất mùa vì chim rừng, chuột phá lúa. Con trâu đang nuôi tự dưng đi lạc mất, có người bị ốm chữa còn chưa khỏi. Người thì dù đã chăm làm nhưng vẫn nghèo mãi. Bài cúng xin ma và các thần đến ăn thịt, ăn xôi rồi phù hộ giúp cho những người đã ăn nên làm ra thì cả năm sẽ được thuận đường làm ăn. Nhà mất mùa thì lúa sẽ tốt trở lại, người đã khỏi bệnh thì khỏe hơn. Người đang ốm thì bày cho đường tìm thuốc chữa.

Ngày kiêng kỵ

Sau bài cúng chung của bản thì đến lượt từng nhà bày mâm cúng. Mỗi người đến đặt mâm xuống trên những chiếc sạp nạp được làm sẵn cạnh đền và đọc lời khấn để nói lên những ước mong của bản thân, của gia đình trong mùa rẫy sắp tới. Đây gần như là dịp duy nhất để bà con cúng bái khẩn cầu. Họ cũng chẳng cầu mong lợi lộc phát tài hay được thăng quan tiến chức gì. Người ta xin với thần núi, thần rừng ma bản và các Then là những vị tối linh ở cõi trời phù hộ cho quanh năm vừa có mưa, vừa có nắng, cây lúa trỉa xuống đất rồi biết mọc thành cây rồi biết kết bông, kết hạt. Trâu bò, lợn gà không bị bệnh dịch…

Trước đây, cảnh ăn uống tiệc tùng thường diễn ra ngay cạnh ngôi đền sau khi xong lễ cúng. Người ta cùng chia thịt lợn, thịt gà mà những nhà trong bản mang đến để bày cỗ ăn chung. Bây giờ không gian quanh ngôi đền chật hẹp, dân bản thường chọn nhà của bí thư chi bộ hoặc trưởng bản để làm nơi tụ họp ăn uống sau phần lễ. Lúc này, rượu cần được mở ra, những bài hát tơm có được cất lên một cách ngẫu hứng.

Dịp lễ cúng đền cũng là một ngày kiêng kị. Người dân thường chỉ ở nhà chứ không đi đâu xa. Tuy nhiên ngày nay trong các cộng đồng đã có người đi làm ăn, đi học xa không thể về vào ngày bản cúng đền, vì vậy lễ cúng đền ngày nay không còn nhộn nhịp như trước kia nữa. Dẫu vậy thì đây vẫn là một lễ không thể thiếu của người Khơ mú ở bản Cha Ca 1.

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN