"Gà Thanh Chương": Lối đi cũ, cách làm mới

20/07/2015 11:16

(Baonghean) - Đuổi kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, nghề chăn nuôi gà truyền thống ở Thanh Chương đang được chuyển đổi theo hướng thương mại hoá. Trên nền tảng sẵn có vững chãi với điều kiện tự nhiên và con người thuận lợi, nuôi gà quy mô lớn đang mở ra cho người nông dân Thanh Chương một lối đi mới rất đáng để hy vọng.

Nghề chăn nuôi quen thuộc với người dân

Gia đình anh Trần Công Sơn (xóm 13, xã Thanh Mỹ) là một trong những hộ nuôi gà thịt có quy mô trên địa bàn. Cũng như các hộ dân khác, từ lâu gà đã trở thành vật nuôi thường xuyên trong gia đình anh. Tuy nhiên, đến năm 2007 anh mới bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại, cho ấp nở gà theo đúng quy trình kỹ thuật với số lượng lớn.

Hiện tại, mỗi năm gia đình anh Sơn bán ra thị trường khoảng 6 vạn gà con, 5 tấn gà thịt, tương đương 2.000 - 3.000 con/năm, cho thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Nói về nguồn tiêu thụ, anh Sơn chia sẻ: “Vì giống gà đồi này thịt ngon, đảm bảo chất lượng, nên nhiều thương lái tìm đến tận nơi để mua. Các cơ quan công sở, đặc biệt là các trường mầm non bán trú lân cận cũng thường xuyên đặt hàng để phục vụ bữa cơm cho các cháu. Tất nhiên, vẫn chưa có đầu ra tiêu thụ ổn định theo cách thức chuyên nghiệp như ký hợp đồng cung cấp hay chưa đưa sản phẩm gà đồi ra các tỉnh khác, các thị trường lớn hơn. Nhưng chung quy lại, thu nhập tương đối ổn định vì những vùng gần đây đều biết “tiếng” gà Thanh Chương nên sức mua của người dân khá lớn”.

Một con gà trưởng thành đạt yêu cầu xuất chuồng của gia trại anh Trần Công Sơn ở xã Thanh Mỹ.
Gà đạt yêu cầu xuất chuồng của gia trại anh Trần Công Sơn ở xã Thanh Mỹ.

Theo kinh nghiệm nuôi gà của bản thân, anh Sơn nhận xét rằng đầu ra của con gà không khó, bởi đây là nguồn thực phẩm rất phổ biến trong bữa ăn gia đình cũng như được ưa chuộng tại các nhà hàng. Rủi ro lớn nhất đối với việc chăn nuôi gà chủ yếu là dịch bệnh. Tuy nhiên, gia đình anh luôn áp dụng quy trình chăn nuôi sạch sẽ, áp dụng đệm lót sinh học, thức ăn đảm bảo nên dịch bệnh hầu như rất ít khi xảy ra. Tại thời điểm này, anh đang triển khai xây thêm chuồng trại nuôi gà với diện tích hơn 500m2, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ đưa thêm khoảng 6.000 - 7.000 con gà vào nuôi. Anh Sơn cũng là một thành viên tích cực trong Ban Chấp hành Hội nuôi gà Thanh Chương, do đó anh tìm hiểu khá kỹ về cách chăm sóc gà sao cho hiệu quả nhất.

Gia đình anh Đinh Văn Thi (xóm 12, xã Thanh Hương) lại nuôi gà ri, tức là những con gà khi xuất chuồng chỉ đạt trọng lượng dao động từ 1,5 - 1,7 kg. Đây là loại gà nhỏ, thịt ngọt, mềm và dai vừa đủ. Mỗi năm gia đình anh nuôi trên 1.400 con gà, mang lại lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/lứa. Năm nay, gia đình anh là 1 trong 10 gia đình tại Thanh Chương được Trung tâm Giống chăn nuôi tỉnh lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học. Để được lựa chọn là gia đình triển khai mô hình, phải có hệ thống chuồng trại đảm bảo đúng chuẩn, quy trình chăm sóc mang lại hiệu quả. Cuối tháng 5 vừa qua, anh cùng 10 hộ khác cũng đã được tập huấn thêm về kỹ thuật chăn nuôi và nhận 200 con gà giống. Anh chia sẻ: “Nuôi gà không quá khó nên việc mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng gà không gây nhiều khó khăn. Điều tôi lo nhất là đầu ra cho sản phẩm, khi gà đến độ xuất chuồng mà không ai mua thì vừa tốn thức ăn chăn nuôi lại không có nguồn thu nhập”.

Xây dựng và phát huy thương hiệu “Gà Thanh Chương”

Nắm bắt được tiềm năng và lợi thế của địa phương, cũng như dựa trên danh tiếng “Gà Thanh Chương” đã ít nhiều gây dựng được chỗ đứng trên thị trường (dù còn hạn chế về phạm vi), Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Thanh Chương đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi và kinh tế vườn hộ nói chung, chăn nuôi gà đồi nói riêng. Trong đó, năm 2014 đã xây dựng xong Dự án phát triển chăn nuôi và xây dựng thương hiệu “Gà Thanh Chương”, được tách thành 2 dự án nhỏ. Thứ nhất, là Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương, đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thông qua tháng 12/2014 với kinh phí 700 triệu đồng. Hiện đã lập hồ sơ nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ để được công nhận thương hiệu. Tiếp đó là Dự án đầu tư phát triển “Gà Thanh Chương”, đã xây dựng xong và trình lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh xét duyệt.

Đối với chỉ đạo cụ thể cho phát triển chăn nuôi gà, tiếp tục hỗ trợ người dân về giống và kỹ thuật chăn nuôi. Đơn cử như năm 2014, đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho 216 lượt người về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo tiêu chuẩn “Gà Thanh Chương”, cung ứng cho các hộ 10.400 con gà ri nguyên chủng, sau đó qua tuyển chọn để nuôi làm gà sinh sản. Đặc biệt, đã thành lập Hội chăn nuôi gà (tháng 8/2014), khởi đầu với 35 hội viên, đến nay đã có 66 hội viên trên 20 xã. 40/66 hội viên nuôi gà đạt tỷ lệ xuất chuồng cao dưới sự chỉ đạo chăn nuôi, hướng dẫn phòng chữa bệnh. Hiện tổng đàn gà thịt của huyện đạt 36.100 con, quy mô mỗi hộ nuôi gà tối thiểu đạt 500 con.

Anh Trần Công Sơn (xóm 13, xã Thanh Mỹ) giới thiệu mô hình nuôi gà thịt.
Anh Trần Công Sơn (xóm 13, xã Thanh Mỹ) giới thiệu mô hình nuôi gà thịt.

Đồng chí Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, khẳng định: “Thanh Chương chọn gà đồi làm đặc sản “chủ lực” cho địa phương cũng như cho phát triển kinh tế - nông nghiệp, bởi 2 lý do. Thứ nhất, về tiềm năng, lợi thế: gà từ lâu đã là vật nuôi quen thuộc với người dân bản địa và những điều kiện tự nhiên nơi đây cũng rất phù hợp với việc nuôi gà. Nhưng chỉ lý do thứ nhất thì chưa đủ để mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi gà, mà cần đến lý do thứ hai, đó là không chỉ phù hợp với việc nuôi gà mà địa hình một vùng trung du, có diện tích tương đối lớn như thế này hoàn toàn cho phép nuôi đàn gà quy mô lớn. Một yếu tố quan trọng khác đảm bảo thành công, hiệu quả cho mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn là đầu ra cho sản phẩm. Đã có những cá nhân đặt vấn đề với huyện, với các hộ dân để được cung cấp nguồn gà đồi sạch, thơm ngon, phục vụ cho các nhà hàng đặc sản. Điều này hết sức có ý nghĩa đối với thành công, hiệu quả của dự án, bởi đó là mắt xích cuối cùng khép lại chuỗi sản xuất, chăn nuôi”.

Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của đầu ra trên thị trường, nên không chỉ xây dựng dự án phát triển chăn nuôi gà đơn thuần, việc xây dựng thương hiệu “Gà Thanh Chương” chính là điểm nhấn có vai trò quyết định đối với thành công của dự án. Một thương hiệu được công nhận chính là bảo chứng rõ ràng nhất đối với người tiêu dùng trên thị trường, đồng thời cũng là “barem” tiêu chuẩn mà bản thân người sản xuất, chăn nuôi phải có ý thức hướng đến để đạt và thậm chí vượt chuẩn. Nhận thức được điều ấy, chính là tự đảm bảo cho mình một vị trí vững chắc nhất trên thị trường mà yêu cầu về chất lượng của người tiêu dùng ngày một nâng cao.

Gà đồi Thanh Chương từ lâu có tiếng về độ thơm ngon.
Gà đồi Thanh Chương từ lâu có tiếng về độ thơm ngon.

“Khách đến nhà, bắt gà làm thịt” - đó là câu cửa miệng của người dân Thanh Chương. Người ta thường nói rằng nếu có một lần về với Thanh Chương, không thể nào không nếm thử thịt gà đồi của vùng quê hiếu khách này, để rồi nhớ mãi hương vị rất “quê”, rất mộc mạc mà đậm vị, đậm tình ấy. Nhưng điều mà người Thanh Chương đang muốn hướng đến còn lớn hơn, rộng hơn thế nữa, đó là làm sao lan toả được “Gà Thanh Chương” rộng khắp, vươn xa hơn thay vì “chờ đợi” khách đến nhà mới mang gà ra tiếp đãi. Sự chủ động, năng động và linh hoạt nắm bắt xu hướng phát triển của thời đại chính là tư duy cần có để duy trì và phát triển truyền thống và thế mạnh vốn có của địa phương.

Thục Anh - Phương Thảo