Vai trò hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

19/11/2014 09:20

(Baonghean) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bài học kinh nghiệm cho thấy những nơi nào hệ thống chính trị cấp cơ sở hoạt động hiệu quả, quyết liệt thì ở đó khai thác được tiềm năng to lớn trong nhân dân để nhanh về đích.

Phát huy sự đồng thuận giữa ý đảng, lòng dân.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một cuộc cách mạng ở nông thôn, mang tính tổng hợp, toàn diện cả kinh tế - xã hội và chính trị. Để xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn đòi hỏi các cấp, ngành phải có những giải pháp chiến lược theo quy hoạch được thông qua.

Nhân dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) làm giao thông nông thôn. Ảnh: châu lan
Nhân dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) làm giao thông nông thôn. Ảnh: châu lan

Đến nay, ngoài hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM của tất cả các xã, các cấp đã xây dựng, nâng cấp được 3.372 km đường giao thông nông thôn, trên 1.850 km kênh mương, 1.941 km đường điện, 397 nhà văn hóa đạt chuẩn; xây dựng trên 400 mô hình phát triển sản xuất… Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới đạt trên 13,9 nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban điều phối xây dựng NTM tỉnh, hiện có 13 xã đã đạt được bộ 19 tiêu chí. Kết quả đó phản ánh nỗ lực ở cơ sở và khẳng định: Việc huy động sức dân và sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò quyết định.

Qua thẩm định một số xã chuẩn bị về đích NTM như: Nam Cát (Nam Đàn), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Diễn Hồng (Diễn Châu), Nghi Xuân (Nghi Lộc), Diễn Mỹ (Diễn Châu) … chúng tôi thấy rằng: Ở các xã này, về đích NTM sớm chính là nhờ biết phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Ông Vương Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Nam Cát (Nam Đàn), xã đã đạt tiêu chí NTM năm 2014 cho biết: “Nam Cát là địa bàn chiêm trũng, thuần nông. Trước khi đăng ký về đích NTM, xã mới đạt 8 tiêu chí. Từ năm 2011- 2014, Nam Cát được huyện Nam Đàn chỉ đạo về đích NTM vào năm 2015. Toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực đoàn kết cao, bám cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, tham mưu để huyện, xã vào cuộc.

Nhờ tinh thần trách nhiệm cao, sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể… Nam Thái đã về đích NTM trước thời hạn. Xã đã huy động sự đóng góp 9,2 tỷ đồng của nhân dân để làm giao thông nông thôn; 2,5 tỷ đồng làm thủy lợi nội đồng...”. Không chỉ ở Nam Cát, mà ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nghi Xuân (Nghi Lộc), Diễn Hồng (Diễn Châu)... hệ thống chính trị cơ sở hoạt động nhịp nhàng, trách nhiệm, vì lợi ích chung, được nhân dân tin và đồng thuận. Tham gia vào công cuộc này, MTTQ các xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo được sự đồng thuận gữa ý Đảng, lòng dân. Từ việc làm tốt công tác tư tưởng trong nhân dân, đem đến sự đồng thuận, nhất trí cao để hoàn thành những tiêu chí cần phấn đấu.

Khai thác tối đa lợi thế từng địa phương

Xây dựng NTM cũng phải được cụ thể hoá bằng các tiêu chí phù hợp với từng vùng, từng dân tộc. Đặc biệt với địa bàn rộng, người dân sinh sống với điều kiện hoàn cảnh sống, phong tục, tập quán khác nhau, nhất là đồng bào dân tộc, miền núi, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng NTM phù hợp và biết khai thác thế mạnh của địa phương để lan tỏa thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Với yêu cầu đó, cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc trong hệ thống chính trị phải nhận thức được thế mạnh của vùng, phải hiểu người dân để chung sức trên con đường đến đích. Cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở còn là những người gương mẫu đi đầu thực hiện, từ đó thuyết phục nhân dân tin và làm theo. Bên cạnh đó, với vị trí trách nhiệm, cán bộ cơ sở cần đóng vai trò nòng cốt trong việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật và mời gọi các doanh nghiệp đến phối hợp với bà con từng gia đình, thôn bản để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Quá trình đó, sự vào cuộc tích cực trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có vai trò quan trọng, gắn kết cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước theo định hướng chung, rồi bảo ban nhau tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa nông thôn mới ở cơ sở.

Trong công cuộc xây dựng NTM, không ai có thể làm thay cấp ủy, chính quyền và người dân. Chính vì vậy, điều cốt lõi và quyết định là tập hợp toàn dân cùng thực hiện. Quá trình đó, cần phát huy cao độ trách nhiệm của hệ thống chính trị cấp cơ sở; của từng già làng, trưởng bản, trưởng thôn... chính “đội ngũ” này phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thấy được và vươn lên làm chủ chính cuộc sống hàng ngày của mình. Từ đó, từng bươc tổ chức thực hiện những tiêu chí đặt ra, phải luôn đặt câu hỏi: Bắt đầu từ đâu và sẽ đi đến đâu? Và ra sức giải quyết một cách chủ động, sáng tạo thì mới dẫn đến thành công. Ngược lại ở đâu, lĩnh vực nào có tính dựa dẫm, ỷ lại, tự ti, thì ở đó, lĩnh vực đó, tiêu chí đó sẽ khó về đích.

Để làm tốt những yêu cầu đặt ra, cấp ủy, chính quyền các cơ sở phải tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của mình; thực hiện tốt cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người dân thực sự được làm chủ trong xây dựng NTM. Quá trình thực hiện phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình NTM; Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời những xóm bản, tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng NTM. Các cấp, ngành cần xem kết quả xây dựng NTM là thước đo năng lực, tinh thần trách nhiệm, là tiêu chuẩn để bình xét, thi đua của tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nông thôn cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng là địa bàn rộng lớn, hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Đặc biệt, nông thôn Nghệ An đang có những chênh lệch lớn về chất lượng cuộc sống, thu nhập đối với khu vực đô thị… Cuộc sống mưu sinh khiến đàn ông, thanh niên ra đô thị làm ăn, dẫn đến tình trạng “nữ hoá” lao động ở nông thôn, già hoá nông dân. Đây là một thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng NTM. Trước yêu cầu đó, càng đòi hỏi vào tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở, từ đó kêu gọi sự vào cuộc tích cực của nhân dân, kết hợp các nguồn đầu tư được huy động từ doanh nghiệp, con em xa quê vào xây dựng NTM…

Vi Lưu Bình

(Phó Giám đốc Sở NN & PTNT)