Doanh nghiệp và "chỗ đứng" trong thị trường nội địa
(Baonghean) - Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường nội địa là một trong những vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN) nhưng có rất nhiều DN chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là DN nhỏ và vừa. Đây là vấn đề thách thức trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng tới đây.
Trên địa bàn Nghệ An, thương hiệu sản phẩm được thị trường tin chọn phải kể tới gạch Granit Trung Đô. Xác định thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường nội địa là yếu tố hết sức quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Năm 2008, thương hiệu gạch Granit Trung Đô được đăng ký, qua từng giai đoạn, gạch lát granite và ngói gốm sứ của công ty được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Đô chia sẻ: “Mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt nhưng sản phẩm Granit Trung Đô có lối đi riêng, với dòng sản phẩm đa dạng, giá cả phải chăng, dịch vụ hậu mãi sau bán hàng cũng được đảm bảo, tuỳ từng thị trường để có sản phẩm và chính sách riêng. Đến nay, gạch Granite Trung Đô có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, có mặt trên nhiều thị trường, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, riêng thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh phát triển mạnh. Chúng tôi xây dựng và củng cố thương hiệu thông qua nhiều kênh, trong đó, hệ thống tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa được chú trọng”.
Gạch in kỹ thuật số - sản phẩm mới của Nhà máy gạch Granit Trung Đô. |
Tương tự, Công ty CP Austdoor Nghệ An cũng là một trong những doanh nghiệp quan tâm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nội địa. Doanh nghiệp xác định để tồn tại và phát triển thì phải tự bảo vệ mình. Hiện nay, Austdoor xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đồng nhất trên toàn quốc, từ màu sắc, logo...
Nhiều năm qua, trên địa bàn cũng xuất hiện một số thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng trong nước biết đến như sữa TH True Milk, nước mắm Vạn Phần… Cùng với xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp này rất quan tâm đầu ra, mở rộng và chăm sóc thị trường nội địa. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chăm lo phát triển thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu so với con số hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là quá ít. Nhiều doanh nghiệp thiếu chăm lo cho thị trường nội địa, điển hình có những sản phẩm sản xuất trong tỉnh chất lượng thấp, mẫu mã đơn điệu, bị cạnh tranh của nhiều đối thủ, chịu thua ngay trên sân nhà.
Thử điểm lại một số sản phẩm đang là thế mạnh trong xuất khẩu của tỉnh để thấy, “sân nhà” chưa được doanh nghiệp quan tâm. Hàng dệt may là một ví dụ. Ngành hàng này được đánh giá là một trong những thế mạnh phát triển của Nghệ An, với 13 dự án nhà máy may đóng góp ấn tượng vào tốc độ tăng trưởng của công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh đạt 70 triệu USD, chiếm tỷ trọng xấp xỷ 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. 6 tháng đầu năm 2015, hàng dệt may tăng 52,13% so với cùng kỳ...
Đây được coi là bước đột phá của lĩnh vực dệt may trong đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm cho lao động. Tuy nhiên, trên thị trường nội tỉnh, sản phẩm dệt may không có chỗ đứng, chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa Trung Quốc. Cái khó nhất của ngành dệt may trong nước vẫn là câu chuyện phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và yếu khâu thiết kế. Ngoài ra, lượng hàng nhập lậu hoặc theo đường tiểu ngạch đang tràn ngập thị trường với giá thấp nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh. Vì thế, thật không dễ để tìm mua, sử dụng sản phẩm dệt may của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may lớn cho hay vì sản phẩm khó cạnh tranh do mẫu mã đơn điệu, nên mặc dù có thâm niên trong ngành dệt may nhưng doanh nghiệp tập trung cho sản phẩm sợi, và hướng kinh doanh là xuất khẩu. Ông cũng thừa nhận hàng hóa lĩnh vực may của doanh nghiệp rất khó cạnh tranh trong thị trường nội địa. Còn chị Hùng, chủ cửa hàng may mặc sẵn Sơn Hùng ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh), cho biết hàng nội tỉnh rất ít, trước đây cũng có lấy một ít nhưng khách hàng không chuộng. Phải thừa nhận là doanh nghiệp của chúng ta thiếu khâu nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng và thiếu các nhà thiết kế phù hợp. Phần lớn hàng nhập ngoại tỉnh và xuất xứ từ Trung Quốc.
Hay đối với dăm gỗ, sản phẩm nhiều năm liền đứng đầu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hàng năm, người dân khai thác khoảng 518.000 m3 gỗ nguyên liệu và chủ yếu phục vụ chế biến dăm gỗ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã tổ chức trồng rừng, thu mua, chế biến khối lượng lớn gỗ dăm ở các tỉnh khác để xuất khẩu. Nghệ An chỉ có 2 doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu gỗ dăm (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và Công ty LD trồng & sản xuất nguyên liệu giấy), nhưng hàng năm đã mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh. Sản lượng gỗ dăm xuất khẩu ngày càng tăng đã tạo nên niềm tin cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nghề trồng rừng nguyên liệu. Thế nhưng, dù dăm gỗ từ cây keo của Nghệ An được nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá cao, dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có một nhà máy nào sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đó để sản xuất, chế biến.
Trong khi doanh nghiệp của chúng ta chưa quan tâm nhiều tới thị trường nội địa thì các tập đoàn, công ty nước ngoài tăng cường đầu tư chi phí quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của mình, tạo sức ép cạnh tranh lớn với DN trong nước. Nỗi lo cạnh tranh dễ thấy nhất là sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Tới đây, theo tiến trình cắt giảm thuế mà nước ta cam kết thực hiện khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, ngay cả thị trường nội địa cũng khó đứng vững. Tại các siêu thị hiện đã tràn ngập thịt gà, lợn, bò của Úc, Hàn Quốc… với giá cả cạnh tranh. Do đó, việc cắt giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng chất lượng tốt, giá cả phải chăng nhập khẩu vào nước ta sẽ gia tăng. Một điều tất yếu, miếng bánh thị phần hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt. “Nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An đang được phát triển theo hướng tăng cường sản xuất tập trung với các sản phẩm thế mạnh là thủy sản, rau màu, cây ăn quả…
Đây là những sản phẩm không chỉ để tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh trong vùng. Do đó, ngành thương mại cần phải tập trung phát triển các hệ thống phân phối hàng hóa gắn với các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển các dịch vụ hậu cần phân phối logistics chuyên nghiệp phục vụ cho quá trình tập trung và phân phối hàng hóa, đảm bảo tiêu thụ nhanh và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp” - ông Lập chia sẻ.
Thời gian qua, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, tăng cường sức tiêu thụ cho sản phẩm doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất kinh doanh trung hạn, dài hạn với định hướng khai thác tối đa thị trường nội địa, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh hàng hóa; từng bước hình thành cơ sở liên doanh liên kết sản xuất - phân phối tiêu thụ với quy mô lớn và năng suất cao, tạo sản phẩm đến với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và ngoại tỉnh theo con đường ngắn nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất.
Thu Huyền