Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Không còn thời gian lưỡng lự

11/07/2015 16:31

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khi nói về sự cấp bách của nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực.

Nhìn từ “cuộc chiến” của con gà

Từ cuối tháng 12/2014 đến nay, người chăn nuôi gà dường như chưa có lấy một ngày vui vẻ. Những “cơn sốc” giảm giá liên tục ập đến khiến họ không còn sức chống đỡ, nhiều hộ đã phải “treo” chuồng.

Tại Đồng Nai, vào thời điểm tháng 4/2015, giá gà lông trắng (hay còn gọi là gà công nghiệp) chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi là 30.000 đồng/kg. Nghĩa là người chăn nuôi đã bị lỗ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Mô hình chăn nuôilợn thương phẩm của hộ ông Trần Nghệ Tịnh, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh).
Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của hộ ông Trần Nghệ Tịnh, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh).

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty chăn nuôi Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết, trong những tháng qua, giá gà liên tục giảm sâu khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Công ty của ông Tuấn nuôi khoảng 1 triệu con gà trắng, mỗi ngày cung ứng khoảng 10.000 con gà (gà lông và gà đã giết mổ) cho thị trường, với mức lỗ khoảng 30% so với giá thành thì người chăn nuôi không thể cầm cự được lâu. Lý giải vấn đề giá gà rớt mạnh trong thời gian qua, ông Tuấn cho rằng là do gà đông lạnh nhập khẩu tràn vào thị trường trong nước quá nhiều.

Khi cơn giảm giá vẫn khiến người chăn nuôi bàng hoàng, chưa thể gượng dậy được thì mấy ngày gần đây, trên thị trường lại xuất hiện mặt hàng gà đông lạnh (được cho là nhập khẩu từ Mỹ) bán với giá rất rẻ. Tại chợ đầu mối Bình Điền, các mặt hàng gà đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài bán rất chạy. Loại gà này được chia thành nhiều loại như cánh, chân, cổ, đùi, thân, nội tạng… và được đóng gói với số lượng khác nhau. Rất ít sạp hàng bán gà nguyên con. Điều đáng nói là gà công nghiệp đông lạnh nhập khẩu có giá vô cùng rẻ. Đùi gà là mặt hàng được bán với giá thấp nhất, chỉ 20.000 – 25.000 đồng/ kg; chân gà 30.000 – 35.000 đồng/ kg; cánh gà 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà tươi công nghiệp được nuôi trong nước và bán nguyên con với giá khoảng 50.000 đồng/ kg. Các loại khác đều có giá cao hơn từ 30 - 50% so với gà nhập khẩu.

Từ thực trạng này, ông Dương Anh Tuấn đưa ra cảnh báo: “Nếu sản phẩm gà trắng đông lạnh tiếp tục nhập khẩu với số lượng lớn vào thị trường nội địa trong thời gian tới thì chắc chắn không chỉ gà trắng trong nước bị ảnh hưởng nặng mà các sản phẩm khác như gà lông màu và thịt lợn cũng sẽ bị tác động”.

Hiện, thuế suất nhập khẩu thịt gà vào Việt Nam còn ở mức khá cao, từ 15 - 40%. Nhưng khi các FTA được ký kết và có hiệu lực, thuế suất chỉ còn 0%, những tổn thương của ngành chăn nuôi sẽ còn lớn hơn nhiều nếu không có điều chỉnh kịp thời.

Xuất hiện xu thế mới

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai các nhiệm vụ cấp bách 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Chăn nuôi lợn chưa có sự chuyển dịch rõ nét từ các vùng có mật độ chăn nuôi cao (Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ) sang vùng có mật độ chăn nuôi thấp (Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên).

Đối với chăn nuôi gà, theo đề án, cơ cấu và quy mô đàn gà tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được duy trì, sau đó mở rộng sang vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, đàn gà có xu hướng giảm ở vùng Đồng bằng sông Hồng (từ 28,54% năm 2013 xuống còn 27,23% năm 2014 và 25,64% thời điểm tháng 4/2015); vùng Tây Nguyên đàn gà có xu hướng tăng (từ 5,5% năm 2013 lên 5,9% thời điểm tháng 4/2015); còn các vùng khác không có biến động đáng kể.

Chăn nuôi bò thịt đang phát triển mạnh ở các tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An) và đang phát triển ở Tây Nguyên. Đàn bò sữa phát triển mạnh ở vùng Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội), Lâm Đồng,… là những vùng chăn nuôi truyền thống.

Trong quá trình triển khai tái cơ cấu, các địa phương đã khuyến khích phát triển các hệ thống chăn nuôi thích hợp cho gia súc, gia cầm; tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại hoặc duy trì hình thức chăn nuôi nông hộ nhưng ứng dụng công nghệ cao. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 9.377 trang trại (năm 2013) lên 9.897 trang trại (năm 2014). Cả nước đã có 186 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận.

Theo ông Vân, đang có một số chuyển biến mới trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đó là các doanh nghiệp FDI, tổ chức quốc tế tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và giống; các doanh nghiệp trong nước cũng tham gia mạnh mẽ hơn. Điển hình như Tập đoàn Austrex (Australia) triển khai dự án chăn nuôi bò thịt Úc và xây dựng khu chăn nuôi bò thịt nhập khẩu từ Úc tại Quảng Ninh; Hà Lan phối hợp với tỉnh Hà Nam xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa tại huyện Duy Tiên. Nếu như năm 2013 chỉ có 58 nhà máy, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài thì hiện nay đã tăng lên 61/203 nhà máy, cơ sở.

Không nằm ngoài xu thế này, các doanh nghiệp trong nước cũng tham gia đầu tư mạnh mẽ vào chăn nuôi, có thể kể đến Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nuôi bò thịt, bò sữa với tổng vốn đầu tư 11.300 tỷ đồng; tỉnh Đắk Lắk có 8 dự án mới được đưa vào triển khai với tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng do các tập đoàn, công ty trên địa bàn đầu tư; tỉnh Bình Phước có 14 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư vào chăn nuôi,…

Điều đáng mừng là, cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn, hộ chuyên nghiệp; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và các chuỗi sản xuất khép kín. Đơn cử như tại An Giang, dự kiến có khoảng 1 - 2% hộ chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi theo phương thức gia trại, trang trại, công nghiệp.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân

Dù xuất hiện nhiều xu hướng mới nhưng ông Vân cũng thừa nhận, công tác triển khai thực hiện tái cơ cấu ở địa phương còn chậm. Đến nay, mới có 27/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, trong đó có chăn nuôi; nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa phân biệt được nội dung và giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu. Quy hoạch chăn nuôi còn nặng tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu tái cơ cấu. Các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, thủ tục còn rườm rà, chưa đi vào thực tiễn; đầu tư phát triển chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, khu vực chăn nuôi nông hộ mức đầu tư còn rất thấp; phần lớn các doanh nghiệp và người chăn nuôi chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn dễ thu lời như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi con giống, giết mổ, chế biến còn nhiều bất cập.

Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ông Vân cho biết, sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường; trong đó thị trường là yếu tố quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ trong các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi. Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút mạnh đầu tư tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi thông qua tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất.

Thay vì nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất cá thể thì nên thông qua hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, trong đó có vấn đề thời gian và các loại chi phí không phù hợp mà trước tiên là thời gian thẩm định dự án, thông quan hàng nhập khẩu. Quản lý tốt chất lượng và an toàn vật tư, các sản phẩm chăn nuôi, nhất là quản lý chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, không còn thời gian để lưỡng lự cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi. “Khi các FTA được ký kết, chúng ta cũng trở thành thị trường tự do, lúc đó sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh vô cùng mạnh. Thực hiện các giải pháp cấp bách để tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải để xuất khẩu nữa mà là để đứng vững trên sân nhà”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 54 triệu USD thịt gà các loại. Trong đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu (khoảng 34,8 triệu USD). Và giá trung bình của gà Mỹ cũng rất rẻ so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Cụ thể, mặt hàng cánh gà đông lạnh của Mỹ chỉ có 1 USD/kg, đùi gà Mỹ cũng chỉ có 0,9 USD/kg.

Theo kinhtenongthon