8 nhóm giải pháp để giải quyết việc làm giai đoạn 2015 - 2020

15/05/2015 16:38

(Baonghean.vn) – Chiều 15/5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các sở ban ngành góp ý, xây dựng Đề án “Giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020”. Đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

dfgd
Đồng chí Lê Xuân Đại nhấn mạnh: Đây là cuộc họp quan trọng nhằm đưa ra giải pháp việc làm cho người lao động

Nghệ An hiện là tỉnh có quy mô lao động lớn, tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào với 1.651.500 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%. Đây là một lợi thế lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, do quy mô dân số đông, lao động lớn đang tạo nên nhiều áp lực đối với giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Thống kê đến cuối năm 2014, cả tỉnh còn hơn 22.940 người chưa có việc làm và hàng vạn lao động thiếu việc làm.

Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2014, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 141.800 lao động. Tuy nhiên công tác giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhất là thiếu việc làm đối với lao động đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Dự kiến nhu cầu lao động cần giải quyết việc làm từ năm 2015-2020 khoảng 223.350 người.

bdg
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An trình bày tóm tắt đề án giải quyết việc làm cho lao động tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc họp, ông Đặng Cao Thắng , Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An đã trình bày tóm tắt đề án giải quyết việc làm, đề ra với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, đó là: Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động trong công tác giải quyết việc làm; Thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và phân luồng định hướng nghề nghiệp; Đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để bố trí việc làm; Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao năng lực hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.Thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; Thực hiện tốt chính sách tín dụng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động vay vốn để giải quyết việc làm.

Đại diện Khu tinh tế Đông Nam đề cấp đến khả năng thực hiện các giải pháp và nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng, có thêm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đại diện Khu tinh tế Đông Nam đề cấp đến khả năng thực hiện các giải pháp và nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là có thêm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp, đại diện các sở ban ngành trong tỉnh đã tập trung tham mưu, góp ý cho việc hoàn thiện đề án, nhất là việc xây dựng các giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm cho người lao động. Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại đánh giá cao công tác soạn thảo, đề ra 8 nhóm giải pháp của Sở LĐTB&XH, đề nghị Sở LĐTB&XH tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện, sớm ban hành đề án.

sà
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Cần xác định rõ những yếu tố thuận lợi, thách thức trong bối cảnh hội nhập để có biện pháp đào tạo cho lao động Nghệ An.

Đồng chí Lê Xuân Đại nêu rõ: Để Đề án sớm đi vào cuộc sống, cần lưu ý các giải pháp nâng cao nhận thức, nhằm thay đổi tâm lý “thích làm quan, làm công chức” để người lao động có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp; Cần có giải pháp để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư, dự án lớn; Cần xác định rõ những yếu tố thuận lợi, thách thức trong bối cảnh hội nhập để đào tạo lao động; Có giải pháp tốt để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (hiện đang là cứu cánh để xóa đói giảm nghèo trong tỉnh), duy trì thị trường truyền thống, mở ra thị trường mới trong xuất khẩu lao động./.

Thanh Sơn