Cấy ghép thành công mắt nhân tạo cho con người

23/07/2015 16:08

Đây là một bước đi mới của khoa học y sinh khi con người lần đầu tiên đã có thể cấy ghép thành công mắt trên một bệnh nhân bị mất thị lực.

Ca phẫu thuật được thực hiện tại thành phố Manchester (Anh) bởi các bác sỹ của Bệnh viên Hoàng gia Mancheser mới đây có thể coi như là ca cấy ghép mắt thành công đầu tiên trên thế giới.

Bệnh nhân Ray Flynn trong bài kiểm tra về các đường kẻ trên màn hình máy tính sau phẫu thuật.
Bệnh nhân Ray Flynn trong bài kiểm tra về các đường kẻ trên màn hình máy tính sau phẫu thuật.

Người đàn ông có tên Ray Flynn, 80 tuổi bị mắc chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác gây nên dẫn tới thị lực của ông bị mất đi hoàn toàn.

Hiện tại (sau ca phẫu thuật), ông đang sử dụng một mô cấy võng mạc có khả năng chuyển đổi hình ảnh từ một máy quay video nhỏ đặt trên kính. Bây giờ, ông đã có thể xác định được hướng của các đường ngang, đường dọc trên màn hình máy tính thông qua việc sử dụng cặp kính trên.

Flynn cho biết, ông đang rất "vui mừng" với mô ghép mới và hy vọng trong thời gian tới nó sẽ cải thiện khả năng nhìn của ông đủ để giúp ông thực hiện nhiều công việc trong gia đình như làm vườn hoặc đi mua sắm.

Được biết, các mô cấy có tên Argus II được sản xuất bởi Công ty Mỹ Second Sight đã từng được sử dụng để khôi phục khả năng nhìn cho nhiều bệnh nhận bị mù do căn bệnh viêm võng mạc sắc tố hiếm gặp.

Mô được cấy ghép trong mắt của Flynn
Mô được cấy ghép trong mắt của Flynn

Tuy nhiên, trường hợp được cấy ghép trên bệnh nhân bị bệnh thoái hóa điểm vàng, một trong những chứng bệnh thường gặp nhất về mắt với Flynn là ca cấy ghép đầu tiên. Chứng bệnh này trước đó đã lấy đi thị lực của ông Flynn và khiến ông phải ngồi rất gần với TV mới có thể xem được mọi thứ.

Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 4 giờ đồng hồ và được chỉ đạo bởi Paulo Stanga, bác sỹ tư vấn nhãn khoa kiêm bác sỹ phẫu thuạt võng mạc tại Bệnh viện Hoàng Gia Manchester Eye cùng hàng loạt các giáo sư nhãn khoa khác tại ĐH. Manchester.

Hiện nay, Flynn có thể nhìn thấy được hình bóng mọi người và các đối tượng một cách rất hiệu quả. Stanga cũng khẳng định thêm "đây mới chỉ là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới đối với những bệnh nhân bị mất thị lực".

Về cơ bản, mô cấy ghép mới trên mắt của Flynn hoạt động theo cơ chế nhận thông tin và hình ảnh từ một máy ảnh thu nhỏ gắn trên kính của bệnh nhân. Các hình ảnh này sau đó sẽ được chuyển đổi thành các xung điện và truyền không dây với một mảng điện cực được gắn vào võng mạc của Flynn. Sau đó, các điện cực sẽ tiếp tục kích thích các tế bào của võng mạc và gửi thông tin hình ảnh đến não.

Căn bệnh thoái hóa điểm vàng mà Flynn mắc phải có hai dạng hình thức khác nhau liên quan đến tuổi tác, đó là thoái hóa điểm vàng khô và ướt. Dạng thoái hóa khô mà Flynn đang mắc phải chiếm tới 85% người bị mắc bệnh này, khiến họ dần bị mất thị lực ở trung tâm võng mạc nhưng không làm ảnh hưởng tới các vùng hình ảnh xung quanh.

Ước tính có khoảng 44.000 người ở Anh mắc bệnh thoái hóa điểm vàng khô mỗi năm. Trong khi đó, bệnh viện Manchester ở Anh đã đảm nhận sẽ cấy ghép thử nghiệm cho 4 người bị mắc chứng bệnh này mỗi năm.

Ca phẫu thuật lịch sử kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ.
Ca phẫu thuật lịch sử kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ.

Giáo sự Stanga khá vui mừng cho biết:" Chúng tôi hy vọng các bệnh nhân sẽ phát triển được lại khả năng thị giác ở vùng trung tâm giúp có thể làm việc và nhìn được xung quanh. Chúng tôi rất vui mừng bởi thử nghiệm này và hy vọng rằng, công nghệ này có thể giúp mọi người, kể cả trẻ em với nhiều hình thức suy giảm hoặc mất thị lực khác".

Mô cấy Argus II hiện có giá khoảng 234 nghìn USD, bao gồm cả chi phí điều trị, mặc dù hiện nay tất cả các bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm đều được miễn phí. Các thử nghiệm trên đang được thực hiện tại Cơ sở nghiên cứu lâm sàng Manchester dưới sự hỗ trợ tài chính từ Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia với mục đích nhằm mang lại các loại thuốc và thiết bị y tế hỗ trợ cho các bệnh nhân.

Đây mới chỉ là những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên và rất có thể trong thời gian tới, chúng ta sẽ được thấy những thành quả từ nghiên cứu này sớm được ứng dụng rộng rãi hơn trên tất cả các bệnh nhân.

Theo khoahoc.tv