Vấn đề bức xúc, chất vấn "nguội lạnh"
(Baonghean.vn) - Hai nội dung được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Vinh là vấn đề bức xúc, được cử tri lặp đi lặp lại nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lại không thể “nóng” lên được khi chỉ duy nhất một đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.
Quang cảnh kỳ họp thứ 10 - HĐND thành phố Vinh nhiệm kỳ 2011 - 2016 |
Mới thực hiện 45,6% khối lượng dự án WB
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Hà Thanh Tĩnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giải trình trực tiếp về tiến độ thực hiện dự án phát triển đô thị Vinh bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) trên địa bàn thành phố. Theo giải trình của ông Hà Thanh Tĩnh, theo Hiệp định được ký kết, dự án bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/4/2012 và kết thúc vào ngày 31/12/2017 với quy mô đầu tư là 83,2 triệu USD, gồm nhiều hạng mục quan trọng như dự án kênh Bắc; khu tái định cư phường Quán Bàu; nâng cấp, cải tạo hồ Cửa Nam; đường 72 m, đường 35 m.... .
Qua 3 năm thực hiện dự án, thành phố Vinh đã ký hợp đồng xây lắp và thi công 8/16 gói thầu xây lắp và sẽ trao thầu thêm 1 gói vào tháng 7/2015. Như vậy đến thời điểm này, khối lượng thực hiện dự án đã đạt giá trị 38 triệu USD/83,2 triệu USD, tương đương 45,6% tổng vốn dự án. Trong đó, vốn giải ngân là 16.67 triệu USD/33 triệu USD các gói đã trao thầu, tương đương 51%, tuy nhiên so với tổng vốn dự án được duyệt thì mới chỉ đạt 20%. Ông Tĩnh cho rằng, đây là kết quả đáng buồn. Hiện tại khối lượng công việc còn lại đang rất lớn, bao gồm 7 gói thầu của 4 hạng mục lớn như Hồ điều hòa, Hào Thành cổ Vinh, đường 72 m, đường 35 m.
Ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố giải trình làm rõ tiến độ xây dựng dự án phát triển đô thị Vinh |
Giải trình về nguyên nhân, ông Hà Thanh Tĩnh cho rằng, chủ yếu là do nguồn vốn đối ứng GPMB không đáp ứng kịp thời. Ví như các gói thầu khu tái định cư Quán Bàu, Kênh Bắc đoạn 3, lẽ ra sẽ được đấu thầu và ký kết hợp đồng trong quý I/2013 nhưng phải đến quý IV/2014 mới có vốn hoàn thành GPMB, chậm 12 – 15 tháng so với quy định.
Nguyên nhân nữa là việc lựa chọn gói thầu, hạng mục đều là những vấn đề bức xúc lâu nay chưa làm được, khó cả về giải pháp thi công, khó cả giải phóng mặt bằng, như mương số 3, Thành cổ Vinh, kênh vách Bắc, đường 72 m. Mặt khác, do sự sụt giảm tỷ giá giữa đồng vay theo Hiệp định tài trợ với đồng tiền USD dẫn đến nguồn vốn tài trợ giảm còn 83,2 triệu USD thay vì 95 triệu USD như ban đầu, dẫn đến 2 lần bắt buộc phải rà soát, điều chỉnh quy mô thiết kế các gói thầu giai đoạn 2 như đường 72 m, đường 35 m...
Cũng có một lý do là nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng thế giới rất nghiêm ngặt về quy trình nên thời gian đầu cũng có những lúng túng trong việc thẩm định hồ sơ và mất nhiều thời gian. Năng lực ban quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, trong vòng 3, 4 năm thay đổi 3 Trưởng ban, cho nên sự đồng nhất, quyết tâm bị giãn làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Nhìn nhận rõ về trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó nhấn mạnh, trách nhiệm của thành phố với vai trò là chủ đầu tư và trách nhiệm của Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thi Vinh trong việc điều hành thực hiện dự án, các phòng chuyên môn của UBND thành phố như Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên – Môi trường, quá trình thẩm định còn lúng túng, công tác giải phóng mặt bằng thiếu dứt điểm. UBND các phường, xã có dự án đi qua thiếu quyết liệt trong công tác GPMB, việc xác định nguồn gốc đất để bồi thường GPMB còn chậm, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng cần rút kinh nghiệm.
Ông Hà Thanh Tĩnh cũng rằng, với khối lượng công việc còn lại rất lớn, bao gồm cả khối lượng xây lắp và diện tích cần giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện chỉ còn 30 tháng. Đây là nhiêm vụ cần phải có quyết tâm cao hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện dự án, không thể nói đây là trách nhiệm của riêng ai cả. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo để xử lý kịp thời các vướng mắc; tiếp tục bám Trung ương hỗ trợ tiền đối ứng với 147 tỷ đồng để thực hiện GPMB các dự án còn lại.
Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo GPMB; có kế hoạch khả thi về GPMB và khai thác quỹ đất, thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đối ứng kịp thời cho dự án theo cơ chế. Phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, phường, xã, từng cá nhân liên quan; tổ chức lựa chọn nhà thầu có chất lượng, đồng thời nâng cao năng lực Ban Quản lý Tiểu khu dự án, sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ thiếu năng lực, trách nhiệm, bởi Ban quản lý dự án có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Chỉ có 2,12% hồ sơ người có công được giải quyết
Giải trình về việc giải quyết hồ sơ cho người có công trên địa bàn thành phố thời gian qua đạt tỷ lệ thấp, ông Nguyễn Trung Châu – Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng, thời gian qua, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã tiếp nhận 989 hồ sơ từ các phường, xã chuyển lên, trong đó có 629 hồ sơ đủ điều kiện. Thông qua Hội đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC thành phố xem xét, thẩm định; kết quả có 605 hồ sơ được chuyển trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, còn 24 trường hợp chưa đủ căn cứ xét duyệt do giấy tờ chứng minh thời gian, vùng miền hoạt động có nghi vấn.
Trong 605 hồ sơ chuyển trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì có 106 trường hợp được Sở cấp giấy giới thiệu đi giám định để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học; trong đó có 21 trường hợp đã được hưởng chế độ, 85 trường hợp còn lại Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Nghệ An đang tiếp tục xác minh bệnh án và giám định. Còn 196 hồ sơ đang tiếp tục được Sở thẩm định; 360 hồ sơ bị trả lại do bệnh án không thể hiện rõ bệnh, tật, dị dạng, di tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại Thông tư 41 hoặc không có giấy tờ gốc chứng minh thời gian, vùng miền tham gia kháng chiến bị Mỹ rải chất độc theo quy định.
Ông Nguyễn Trung Châu - Phó Chủ tịch UBND thành phố giải trình làm rõ tỷ lệ giải quyết hồ sơ cho người có công đạt thấp |
Giải trình về nguyên nhân tỷ lệ hồ sơ được giải quyết để hưởng chế độ chỉ đạt 21/989 hồ sơ, chiếm 2,12%, ông Nguyễn Trung Châu, cho rằng, do chưa có văn bản liên sở giữa Sở Y tế và Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể tiêu chí để xác định bệnh, tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm. Một mặt, trong quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ, Sở LĐ – TB & XH đang áp dụng các quy định theo Quyết định số 1488/QĐ – BYT, ngày 4/5/2012 hướng dẫn chi tiết việc chẩn đoán 15 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc đioxin, trong khi đó Thông tư 41 có hiệu lực từ năm 2014 chỉ quy định danh mục tên loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liện quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Về phía UBND phường, xã chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền còn để tình trạng lập hồ sơ ồ ạt, nhiều trường hợp không đủ điều kiện nhưng cố tình lập hồ sơ.
Các đại biểu theo dõi phần giải trình |
Về giải pháp, theo ông Nguyễn Trung Châu, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Y tế, Sở LĐ – TB & XH kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể các tiêu chí để xác định bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học để thống nhất việc xét duyệt, tránh hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần. Đồng thời chỉ đạo Sở Lao động tập trung giải quyết các hồ sơ người có công đang tồn đọng. Về phía UBND thành phố sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các phường, xã thẩm định hồ sơ theo đúng quy định ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của liên sở. Về phía phường, xã cần làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, đồng thời nâng cao trách nhiệm Hội đồng thực hiện Pháp lệnh người có công cấp phường, xã, vừa đảm bảo làm chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của người có công.
Đại biểu Đỗ Đình Quang nêu câu hỏi chất vấn về hướng xử lý các hồ sơ chưa được giải quyết |
Có thể nói, hai nội dung được Thường trực HĐND thành phố lựa chọn chất vấn là hai nội dung bức xúc, được cử tri lặp đi lặp lại nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố thời gian qua. Tuy nhiên, sau phần phần giải trình của hai ông Hà Thanh Tĩnh và Nguyễn Trung Châu, chỉ duy nhất có đại biểu Đỗ Đình Quang nêu câu hỏi chất vấn về hướng giải quyết 360 hồ sơ người có công bị trả lại thì không có vị đại biểu HĐND nào chất vấn thêm. Phải chăng phần giải trình của ông Hà Thanh Tĩnh và Nguyễn Trung Châu đã quá rõ ràng cho nên không có thông tin nào cần tìm hiểu thêm; không có gì phải băn khoăn?! Hay trong phần giải trình, ông Hà Thanh Tĩnh cũng làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, các đại biểu đã thấy trách nhiệm của mình trong đó?! Hoặc vì nể nang, ngại va chạm hoặc chính các đại biểu đang thiếu thông tin, thiếu bản lĩnh chất vấn?! Dù là vấn đề nằm ở đâu nhưng có một điều chắn chắn rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của HĐND thành phố đã thiếu đi sự “nóng” của vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, làm giảm chất lượng phiên chất vấn tại kỳ họp.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại phiên chất vấn |
Ông Nguyễn Hồng Minh – Chủ tịch HĐND thành phố cũng đã nêu, quá trình triển khai dự án có một số hạng mục khi đi vào thi công vướng mắc, phải sửa đi sửa lại thiết kế thi công nhiều lần và mỗi lần như vậy đều phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Cho nên công tác tư vấn, nhà thầu ở những gói thầu có vấn đề, vì vậy các gói thầu còn lại, đề nghị UBND thành phố cần phải xem xét kỹ, nếu vẫn cứ cách làm cũ thì vẫn tiếp tục vướng mắc và chậm dự án.
Liên quan đến tỷ lệ giải quyết hồ sơ người có công đạt thấp và các nguyên nhân mà ông Nguyễn Trung Châu nêu, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, qua giải trình của ông Nguyễn Trung Châu chưa thấy trách nhiệm của thành phố, vai trò của các phòng chuyên môn liên quan. Ông Minh cũng cho rằng, kết quả 989 hồ sơ nhưng chỉ có 21 trường hợp được giải quyết, con số này ít, bởi trường hợp bị phơi nhiễm trên địa bàn thành phố Vinh không phải là ít. Vì vậy, UBND thành phố cần tập trung cho công việc này. HĐND thành phố và cử tri mong muốn, việc thực hiện chính sách người có công phải đảm bảo chính xác cao, tạo niềm tin trong nhân dân, thể hiện đúng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, tránh để các trường hợp lợi dụng chính sách, gây ra phản tác dụng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mai Hoa