Mùa lạc
(Baonghean) - Tôi gọi bãi bồi đất cát nằm ven dòng sông nhỏ hiền hòa là miền an nhiên của tâm hồn, nơi luôn khơi lại trong tôi cảm giác thân thuộc và bình yên từ những ngày ấu thơ xưa cũ. Ở đó, mẹ trồng sắn, ngô, khoai, đỗ cùng rất nhiều thứ hoa màu khác... Và bây giờ, quê tôi đang vào mùa lạc, mùa mà bất cứ đứa trẻ nào như tôi hồi ấy đều háo hức mong chờ...
Tháng Sáu là thời điểm nắng gay gắt, chói chang. Lại thêm từng đợt gió Lào bỏng rát ùa về hầm hập đã trở thành một nỗi ám ảnh cho những người nông dân lao động ngoài trời như cha mẹ tôi. Những luống lạc lá đã bắt đầu chuyển màu vàng lốm đốm. Mẹ bảo, lỡ vài hôm nữa có trận mưa rào, củ lạc dưới đất sẽ bị nảy mầm ngay lập tức, thế nên, việc thu hoạch không thể vì nắng gió mà trì hoãn lại được. May mắn thay, bãi bồi được che mát bởi những rặng tre xanh mọc sát bên bờ, bởi vậy, việc nhổ lạc vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm như thế này cũng bớt đi phần nào vất vả.
Thu hoạch lạc ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Cảnh Yên |
Muốn sang bãi bồi chỉ có một cách duy nhất là đi bằng thuyền. Con thuyền nan màu nâu trầm của cha đã chở qua sông biết bao mùa lạc. Sau khi cha sang đến bờ bên kia, cha buộc chặt mui thuyền vào gốc tre, rồi chẳng ai bảo ai, cả gia đình khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Mẹ và tôi khéo léo nhổ từng khóm lạc trĩu trịt hạt. Cha theo sau buộc lại ngay ngắn thành bó. Lâu lâu, cha lại gọi mẹ con tôi lên bờ ngồi nghỉ ngơi, uống cốc nước vối, bông đùa vài ba câu hài hước, rồi trong thoáng chốc, lại tiếp tục thoăn thoắt đôi tay, mỗi người một việc. Đâu đó, trong vòm lá tre xanh um tùm, lũ chim sẻ vui hót rộn ràng như đang cố vũ tinh thần làm việc của cả gia đình tôi...
Sau một buổi chiều cần mẫn, gia đình tôi đã thu hoạch xong cả một thửa lạc chừng hơn một sào. Mặt trời dần khuất sau đồi, trong khi mẹ nán lại trên ruộng nhặt nhạnh những củ lạc già rơi vãi, cha con tôi nhanh chóng vận chuyển lạc xuống thuyền. Đến khi lạc đã chất đầy, cha ngồi đằng trước chèo thuyền, mẹ ngồi bên cạnh cầm chiếc nón phe phẩy và hát những làn điệu dân ca mượt mà thân thuộc. Cha vừa say sưa lắng nghe, vừa tấm tắc khen: “Mẹ nó nhổ lạc đã nhanh, lại còn hát hay nhất xóm”. Mẹ thẹn thùng lấy nón che khuôn mặt hồng ửng. Phút giây ấy, chẳng hiểu tại sao, tôi bỗng thấy lòng mình xốn xang và ấm áp đến lạ.
Có phải nhờ đất cát phù sa tươi tốt, mà củ lạc ở bãi bồi bên sông rất chắc và mẩy. Phơi lạc khô rồi, mẹ tôi không bán mà cất dành cẩn thận trong mấy chiếc chum sành đặt bên góc nhà. Rồi cứ đến ngày Rằm hay dịp giỗ chạp, mẹ lại mang ra làm kẹo lạc, đồ xôi. Thỉnh thoảng, họ hàng trên thành phố xuống thăm nhà, mẹ lật đật đong lạc vào túi làm quà quê biếu tặng. Những ngày trời mưa to không tiện cho việc đi chợ, mẹ lom khom dưới bếp giã muối lạc làm thức ăn. Vì cái vị béo ngậy, hương thơm bùi bùi đặc trưng, nên rất nhiều những món ngon thường ngày cần dùng đến hạt lạc. Trong nhà luôn có sẵn một chum lạc kể cũng tiện!
Tôi càng trưởng thành, cha mẹ càng già đi. Một ngày trở về thăm nhà, thương cha mẹ sớm hôm khó nhọc, tôi khuyên cha mẹ đừng canh tác hoa màu nơi bãi bồi bên sông nữa. Nghe vậy, cha tôi chậm rãi nói: “Đồng lương của anh hãy cứ dành dụm đấy còn làm nhiều việc quan trọng khác. Cha mẹ tuy đã già nhưng vẫn dư sức để cuốc xới sào đất màu ấy gieo lạc, trồng ngô”. Mẹ tiếp: “Con yên tâm, cha mẹ biết lượng sức mình. Với lại làm cho bận rộn tay chân chứ cứ ăn không ngồi rồi cha mẹ không chịu được con à”. Nghe xong, tôi bỗng thấy khóe mắt mình cay cay. Chiều lại chiều, cha mẹ tôi vẫn luôn miệt mài chăm bón, tưới tiêu cho những luống lạc ven sông như thể đi tìm một niềm vui giản dị...
Công việc bận rộn trên thành phố khiến tôi không thể nán lại nhà lâu được. Vừa háo hức trở về rồi lại phải lật đật ra đi. Khi tàu chuyển bánh, tôi vội vàng ngoái nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ mà thấy lòng bịn rịn, chông chênh. Đành bỏ lại sau lưng những mùa lạc hãy còn dang dở...
Phan Đức Lộc