Không nhận được "phao cứu sinh": Alexis Tsipras sẽ dựa vào Nga?
(Baonghean) - Những ngày qua, dư luận quốc tế dành phần lớn sự quan tâm đến tình hình cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đối với bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU). Dư luận tin rằng, chiếc “phao cứu sinh” sẽ được tung ra đúng thời điểm Hy Lạp đáo hạn khoản vay 1,5 tỷ euro đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì thế nhiều người tin rằng, Alexis Tsipras sẽ đưa đất nước rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và dựa vào Nga để vực dậy nền kinh tế...
Alexis Tsipras sinh ngày 28/7/1974 tại một ngôi làng ở Babaeski, Đông Thrace (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hy Lạp vào cuối năm 1980. Đầu những năm 1990, khi đang là sinh viên đa ngành, ông hoạt động chính trị trong các cuộc nổi dậy của sinh viên chống lại việc pháp luật đang gây tranh cãi lúc bấy giờ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vasilis Kontogiannopoulos. Ông nổi lên như là một đại diện của phong trào sinh viên khi ông trở thành khách mời trong một chương trình truyền hình. Alexis Tsipras học ngành kỹ sư dân sự tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens và tốt nghiệp vào năm 2000, sau đó ông đã tiến hành các nghiên cứu sau đại học tại Trường Kiến trúc của NTUA. Cùng với các nghiên cứu sau đại học của mình, ông bắt đầu làm việc với vai trò một kỹ sư công nghiệp xây dựng.
![]() |
Cái bắt tay thân tình giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Independent |
Được mô tả như là một người trung dung, sự nghiệp chính trị của Alexis Tsipras bắt đầu từ rất sớm. Khi đang là sinh viên đại học, ông đã gia nhập hàng ngũ phong trào cánh tả và được bầu vào ban chấp hành công đoàn học sinh của Trường Kỹ thuật Xây dựng của NTUA. Ông cũng từng là đại diện của học sinh tại Thượng viện. Từ năm 1995 đến năm 1997, ông là thành viên của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Sinh viên Quốc gia Hy Lạp (EFEE). .
Tháng 11/2003, ông thành công với vai trò quản lý khá hiệu quả để duy trì sự gắn bó mạnh mẽ các chính sách của đảng mình đang nắm. Ông đã tham gia tích cực trong quá trình tạo ra các diễn đàn xã hội Hy Lạp và tham dự tất cả các cuộc biểu tình tuần hành quốc tế và toàn cầu hóa đối với tự do mới. Tháng 12/2004, tại Hội nghị lần thứ 4 của Synaspismos, ông được bầu làm thành viên của Ủy ban Chính trị Trung ương Đảng, là người chịu trách nhiệm về các vấn đề giáo dục thanh niên...
Trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 1 năm nay, Đảng cánh tả Syriza do Alexis Tsipras lãnh đạo đã giành chiến thắng vang dội với 36,37% số phiếu, vượt xa số phiếu bầu của Đảng Dân chủ kiểu mới theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras (28%). Với tỷ lệ này, Đảng Syriza đã giành được 149 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội. Tuy nhiên, vì không giành được đa số quá bán (151 ghế) nên Đảng Syriza phải “bắt tay” liên kết với Đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL) để thành lập được chính phủ liên minh theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Ngày 26/1, ông Alexis Tsipras (40 tuổi), thủ lĩnh Đảng Syriza, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Như vậy, người đàn ông này đã chính thức trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong vòng 150 năm qua tại xứ sở của những vị thần.
Phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Athen trước sự chứng kiến của Tổng thống Karolos Papoulias, ông Tsipras cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp. Với phong cách sống giản dị, hòa đồng, Tân Thủ tướng Alexis Tsipras có lẽ là một chính trị gia có nhiều điểm khác biệt so với những người khác thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước vốn được biết đến với nhiều bê bối tham nhũng này.
Nhậm chức Thủ tướng trong bối cảnh đất nước mắc nợ chồng chất do cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ 5 năm về trước là một thách thức không hề nhỏ. Chính phủ tiền nhiệm đã phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ để nhận gói cứu trợ trị giá 320 tỷ euro, cứu nền kinh tế khỏi vỡ nợ. Nhưng đồng thời, hơn 1 triệu người dân Hy Lạp thất nghiệp và kiên nhẫn chờ đợi vào môtột sự khởi sắc. Khi vừa nhậm chức, Tsipras đã tuyên bố: “Các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, một tương lai tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây".
Nhưng có lẽ tương lai đó không đến sớm như người Hy Lạp mong đợi. Hy Lạp đang đứng trên bờ vực phá sản do đã đến ngày đáo hạn khoản vay 1,5 tỷ euro đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và “phao cứu sinh” đã không được tung ra. Châu Âu lý giải rằng, Hy Lạp phải chấp nhận gia tăng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, như tăng tuổi về hưu, tăng thuế… để đổi lấy một lối thoát khỏi cảnh vỡ nợ. Nhưng Alexis Tsipras đã không chấp nhận những điều kiện mà các định chế tài chính đưa ra, khi mà đa số người dân sẽ không thể chịu đựng thêm một chính sách hà khắc nào nữa.
Vậy là Hy Lạp rơi vào trạng thái tạm thời vỡ nợ kể từ ngày 30/6 vừa qua. “Tạm thời” bởi vẫn còn “cửa” để chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras vượt qua trạng thái vỡ nợ khi ngày 5/7 tới đây, sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý để quyết định số phận của đất nước. Chỉ khi nào số phiếu “không” (không đồng ý áp dụng chính sách khắc khổ để đổi lấy tiền cứu trợ) nhiều hơn, thì Hy Lạp mới chính thức vỡ nợ.
Nhưng liệu điều đó có xảy ra không, khi mà Nga, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ qua. Nắm lấy một quốc gia thuộc Eurozone, thuộc Liên minh châu Âu EU và cũng là thành viên của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO là một “miếng bánh” béo bở đối với Nga trong bối cảnh khủng hoảng quan hệ lên đến đỉnh điểm với phương Tây. Sebastian Mallaby, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định rằng cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp cho Nga cơ hội mở rộng “hiện diện địa chính trị” tại châu Âu. Điều này không phải là không có cơ sở, bởi Thủ tướng Alexis Tsipras đã nhiều lần tỏ thái độ phản đối phương Tây về các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga. Bằng chứng xác thực nhất cho mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Moscow và Athens là một loạt các ký kết mới đây. Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) đi qua lãnh thổ Hy Lạp. Thủ tướng Alexis Tsipras còn tuyên bố rằng Nga đang “nắm giữ vị trí của một trong những quốc gia quyền lực nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008”.
Athens không hề giấu diếm ý định tìm kiếm sự giúp đỡ của Moscow để giải quyết các bất đồng đặc biệt nghiêm trọng với các chủ nợ của mình. Câu hỏi còn lại đặt ra cho phía Nga, và có lẽ là với cả phương Tây nữa. Bởi một khi để “vuột mất” Hy Lạp vào tay Nga, đó có thể là khởi đầu của một hiệu ứng domino đe dọa đến tương lai sống còn của EU...
Cảnh Nam
TIN LIÊN QUAN