Vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi
(Baonghean) - Rất nhiều thanh niên xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo, từng trải qua cuộc sống khốn khó, nhưng bằng nghị lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở thành những tấm gương xung kích đi đầu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội.
“Mỗi lần thất bại là bài học lớn giúp ta thành công”
Sau khi học xong THPT, biết gia đình khó khăn, Trần Hữu Đức ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương không dự thi đại học mà khăn gói vào Nam lập nghiệp với hy vọng đổi đời. Thế nhưng sau bao tháng năm vất vả vật lộn với giấc mộng giàu sang nơi xứ người, Trần Hữu Đức quyết tâm trở về quê lập nghiệp.
Bắt tay vào làm kinh tế, lúc đầu Trần Hữu Đức nhận 3 ha đất rừng (50 năm) ở khu vực Khe Nước để trồng cây lâu năm như lát hoa, keo... Với suy nghĩ trồng cây và nuôi con phải đi liền mới phát huy được giá trị đồng đất phì nhiêu. Năm 2011, nhờ học hỏi được kinh nghiệm nuôi gà thả vườn ở Bình Dương và Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh, nên Đức đã mạnh dạn áp dụng cho mô hình chăn nuôi gà thả dưới tán cây rừng. Anh đã lựa chọn nuôi loại giống gà Bình Định, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trang trại, vì đây là giống gà có tuổi đời ngắn, phù hợp với cách nuôi thả đồi. Sau 4 tháng chăn thả anh đã bán được 300 con thu lãi hơn 30 triệu đồng.
![]() |
Trần Hữu Đức (phải) trong lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến toàn tỉnh. |
Không dừng lại ở những kết quả bước đầu, Trần Hữu Đức tiếp tục mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng 400 triệu đồng, quỹ thanh niên lập nghiệp huyện Đô Lương 15 triệu đồng để mở rộng trang trại, trồng thêm 3 ha xoan và lát lấy gỗ, nuôi và ấp giống vịt trời nhờ học được kỹ thuật ở rừng Quốc gia Cúc Phương. Tại trang trại, gia đình đầu tư xây dựng 2 chuồng trại kiên cố rộng 500m2, trong đó có 2 nhà nuôi, 4 hồ bơi, 4 sân chơi cho vịt trời… Vịt trời hiện có thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán hiện nay từ 250 - 300 nghìn đồng/con.
Đến nay, mỗi năm trang trại của anh mang lại nguồn thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Điều mà Đức thấy vui mừng là mô hình của mình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho một số lao động địa phương. Điều đáng trân trọng ở Trần Hữu Đức là Đức không giấu giếm bí quyết làm giàu của mình, ngược lại anh luôn trăn trở và mong muốn được giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa lập nghiệp tại quê hương. Anh tham gia tích cực vào CLB thanh niên phát triển kinh tế huyện Đô Lương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho ĐVTN trong và ngoài huyện. Anh tâm sự: “Để thu hút lực lượng lao động thanh niên ở lại địa phương và hoạt động phong trào thanh niên nông thôn ngày càng có chiều sâu, cần tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, đầu tư kỹ thuật, vốn và đầu ra cho sản phẩm. Làm được như thế thì không chỉ giải quyết được nguồn lao động nông thôn mà sẽ có thêm nhiều mô hình nữa ra đời…”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Đô Lương chia sẻ: “Trần Hữu Đức là tấm gương sống đầy nghị lực của một thanh niên nghèo bằng ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn đã vươn lên trong cuộc sống, lập thân, lập nghiệp. Mô hình kinh tế của Đức là cơ sở để Huyện đoàn nhân rộng mô hình hay, cách làm mới; tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát động phong trào thanh niên xung kích trong phát triển kinh tế trong tuổi trẻ, tạo động lực thúc đẩy phong trào tài năng trẻ, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước”.
Với những thành tích đã đạt được, Trần Hữu Đức đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2012 - 2014 và là 1 trong 50 gương điển hình thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn tuyên dương vừa qua.
“Quan trọng là tìm được hướng đi”
![]() |
Vũ Đình Chiến chăm sóc vườn cây cảnh. |
Tốt nghiệp phổ thông, năm 1996, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Vũ Đình Chiến ở khối 1, Thị trấn Yên Thành không thể học tiếp đại học. Để giúp đỡ bố mẹ nuôi 4 người em ăn học, Chiến đã tha hương làm đủ thứ nghề: Phụ xe, thợ xây, thợ điện... Hơn 4 năm làm lụng vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, anh trở về nhà thuê ki ốt đúc xiên hoa, lan can cầu thang phục vụ xây dựng. Chiến kể: “Tôi về vay tiền ngân hàng mua nguyên vật liệu, thuê 1 ki ốt ở thị trấn để làm. Nhưng rồi, hàng làm ra khó bán, ế ẩm chất đống. Ngày đó, nợ nần chồng chất, tôi khi nào cũng như ngồi trên đống lửa”. Làm ăn thua lỗ, anh khăn gói vào Nam tìm hướng làm ăn mới thì có một trường học đến đặt làm một số chậu cảnh và cây cảnh. Mừng như bắt được vàng, Chiến nhận “gói thầu” và đi tìm mua cây cảnh. Hồi đó các trường, các cơ quan đua nhau tạo cảnh quan nên Chiến có nhiều hợp đồng giá trị.
“Lúc đầu tôi chỉ kinh doanh và trồng cây công sở, cây công trình. Nhưng qua thời gian tiếp xúc với cây, tôi đã đam mê tạo dáng cây nghệ thuật. Chính trong lao động, và niềm đam mê, tôi đã tạo ra nhiều cây nghệ thuật có giá trị”- Chiến tâm sự. Những cây bình thường vào tay Chiến, bỗng nhiên có thế dáng bắt mắt ,hình dáng ấn tượng, bán rất được giá. Bởi vậy, có những cây sau khi tạo dáng, tỉa tót, đã bán được hàng chục, đến hàng trăm triệu đồng. Có những năm, anh thu lãi tới 1 tỷ đồng từ cây cảnh...
Vượt qua bệnh tật, lập thân, lập nghiệp
Từ nhỏ Hồ Hữu Thơ ở xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu theo mẹ đi khắp các bệnh viện từ Vinh cho tới Hà Nội để chữa bệnh. Có những lúc căn bệnh hành hạ, nguy hiểm đến tính mạng và tưởng chừng như anh không thể vượt qua. Di chứng của căn bệnh viêm não Nhật Bản để lại, vào mỗi lúc thay đổi thời tiết lại khiến anh đau nhức khắp mình. Đau ốm, bệnh tật hành hạ là thế nhưng ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, mạnh dạn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của anh khiến nhiều người phải nể phục.
![]() |
Hồ Hữu Thơ chăm sóc đàn bò. |
Với tâm niệm tàn mà không phế, do vậy vào năm 2007, anh Thơ mạnh dạn đứng ra nhận khoán 15.000m2 đất cằn cỗi, bạc màu, sản xuất không có hiệu quả ở xã Quỳnh Nghĩa để cải tạo, xây dựng mô hình VAC. Bước đầu lập nghiệp anh đã gặp không ít những khó khăn do đồng vốn ít ỏi cộng với kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế. Nhờ sự cố gắng, tìm tòi các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các trang mạng và từ thực tế tham quan các mô hình khác, anh đã về áp dụng linh hoạt trong chăn nuôi, trồng trọt của mình. Vì thế, mô hình trang trại của gia đình anh từng bước thành công.
Năm 2010, anh Thơ được Quỹ thanh niên lập thân lập nghiệp của Huyện đoàn Quỳnh Lưu tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng. Từ số tiền này cùng với số vốn tích góp được anh tiếp tục đầu tư, quy hoạch lại trang trại và mua thêm cây, con giống phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Anh đào 500m2 ao thả các loại cá truyền thống. Còn 2.000m2 anh quy hoạch trồng hàng trăm gốc ổi, thanh long kết hợp trồng tràm và cây xanh diệp. Đồng thời lại anh nuôi thêm bò, gà, hươu ở những quỹ đất trống còn lại… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 60 triệu đồng. Với những hiệu quả từ mô hình đem lại, sắp tới anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đưa thêm nhiều giống cây mới vào trồng trọt và tăng tổng đàn vật nuôi của gia đình. Vượt qua bệnh tật, vươn lên lập thân, lập nghiệp, anh Hồ Hữu Thơ đã mạnh dạn đầu tư và thành công trong việc lựa chọn phát triển mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tấm gương giàu ý chí như anh Thơ đáng để nhiều người học tập, vươn lên.
Thanh Lê - Tiến Dũng - Việt Hùng