Nét cổ làng Trung Cần
(Baonghean) - Men theo con đê hữu ngạn sông Lam, tìm về làng Trung Cần (xã Nam Trung, Nam Đàn) - một vùng quê cổ kính với bề dày truyền thống văn hoá đã đi vào sử sách “Làng ta khoa bảng thật nhiều/Như cây trên núi, như diều trên không”.
Làng có đình Trung Cần - 1 trong 4 ngôi đình nổi tiếng của đất Nam Hoa, được Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đường khởi xướng xây dựng năm 1781, thờ Thành hoàng là Quận công Tống Tất Thắng. Đình có cổng tam quan, 5 gian bái đường và 3 gian hậu cung toạ lạc trên khu đất rộng 1.750 m2 nhìn ra cánh đồng Giã Rào. Bên trong đình, được chạm trổ, điêu khắc, kỳ công, tinh xảo và được đánh giá là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Trung. Hơn 2 thế kỷ qua, đình Trung Cần là nơi hội họp, tế lễ của làng, nơi các danh nhân lịch sử, văn hoá như Vua Quang Trung, Đại thi hào Nguyễn Du, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã từng ghé thăm. Trong cách mạng, đình là nơi cán bộ tổ chức diễn thuyết, kêu gọi đấu tranh, cướp chính quyền. Trong kháng chiến, đình là nơi luyện tập của dân quân, du kích, là cơ sở sản xuất vũ khí của Quân khu IV (1947 - 1948), là nơi cải tạo hàng binh Âu - Phi (1954), là trạm giao liên đưa đón cán bộ, bộ đội, thương binh phục vụ cho chiến trường miền Nam...
Đình Trung Cần. |
Trước mặt đình là mộ của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng (SN 1487 - ?) - người từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, 18 tuổi đậu tiến sỹ, từng giữ chức Lại bộ Thượng Thư - Đông các Đại học sỹ ở triều Hậu Lê. Ông là người văn võ song toàn, đã mấy lần cầm quân đi đánh giặc, bảo vệ phên dậu phía Nam của đất nước; từng chiêu dân lập làng, khai phá các vùng đất ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Mộ Quận công Tống Tất Thắng và Đình Trung Cần đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia từ năm 1996. Bên phải đình là khu tưởng niệm Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - Vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của nước ta; tất cả đã tạo nên một quần thể Di tích Lịch sử - Văn hoá đặc sắc.
Làng Trung Cần là nơi “thiên thời, địa lợi”, nhiều dòng họ đã về đây sinh cơ lập nghiệp, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang. Dòng họ Nguyễn Văn, tự hào “tam thế kế đại khoa” (3 đời đỗ đại khoa), nổi tiếng với Thám hoa Nguyễn Văn Giao (1811 - 1863). Dòng họ Nguyễn Trọng, tự hào “tam thế ngũ hoàng hoa” (3 đời, 5 lần đi sứ), nổi tiếng với 3 cha con, ông cháu gồm: Lại bộ Thị lang - Hầu quận công Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1735), Hữu Thị lang - Nguyễn Trọng Đương (1724 –-1786), Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Trọng Đường (1746 - ?). Cả 3 tiến sỹ họ Nguyễn Trọng thời Lê, đều được cử đi sứ nhà Thanh, đều được khắc tên tuổi tại nhà bia Văn miếu Quốc Tử giám ở kinh thành Thăng Long…
Giữa làng, có nhà thờ họ Nguyễn Nhân, nổi tiếng với Trụ quốc Thương trật - Trung Quận công Nguyễn Nhân Mỹ (thời Lê Trung hưng). Ông có công lớn trong việc “phù Lê diệt Mạc”, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập làng. Nhà thờ họ Nguyễn Nhân có lịch sử gần 500 năm, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như bia đá, sắc phong, đồ tế khí (gươm đao, long ngai, bài vị, lư hương…). Dưới thời phong kiến, nhà thờ đã được các triều đại ban cấp sắc phong, hiện còn 2 sắc phong của triều Nguyễn. Nhà thờ họ Nguyễn Nhân và mộ Quận công Nguyễn Nhân Mỹ đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2004.
Ở xóm Chùa, trên cách đồng làng có chùa Quỳnh Hoa (chùa Giai), xây dựng từ thời Mạc với 3 toà bề thế và đền Quỳnh Trai (đền Trúc - đền Voi Mẹp), thờ Trần Hưng Đạo, Tống Tất Thắng... có khánh đá và bia đá cổ, ghi danh 15 vị quận công, vương, hầu thời Lê – Trịnh. Năm 2000, chùa Quỳnh Hoa đã được dân làng phục dựng ngay sát đền Quỳnh Trai, tạo nên một quần thể kiến trúc đền – chùa linh thiêng. Ở xóm Bàu, bên cạch bàu sen 7 mẫu, ẩn hiện trong vườn cây rậm rạp là đền Bàu (đền Lum Tum) xây dựng cách nay gần 300 năm, thờ Tống Tất Thắng và nhiều vị thần khác. Theo các cụ cao niên, ngày trước, phía Nam bàu sen còn có văn chỉ Hương Hiền, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Đối diện với bàu sen, phía trong làng còn có nhà thánh Võ Hội thờ các vị võ tướng, kiến trúc uy nghi, có đủ cổng tam quan, tượng voi chầu, ngựa hí và 3 toà nhà bề thế. Văn chỉ và nhà thánh đều không còn nữa, bia xưa đã được đưa về dựng tại đình làng. Ngày nay, những đền, chùa trên đã được dân làng trùng tu, tôn tạo khang trang, trở thành những điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân trong vùng.
Ở xóm Đình có giếng nước giống hình nghiên mực, nằm cạnh dải đất kéo dài tựa như chiếc bút, theo người địa phương, đó là những hình ảnh tượng trưng cho truyền thống hiếu học của làng. Ở xóm Chùa, ngay con đường liên hương là giếng Quỳnh Trai ra đời từ thời lập xóm. Giếng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước trong mát cho làng, mà còn là nơi “neo đậu hồn quê” của bao thế hệ. Ngày nay, giếng đã được dân làng ghép đá, xây thành, trồng cây, tôn tạo cảnh quan sạch đẹp.
Về Trung Cần, vui thay quê hương khoa bảng đang từng ngày khởi sắc trong diện mạo nông thôn mới. Bên cạnh những con đường phong quang, những ngôi nhà hiện đại, vẫn còn đó nét xưa cổ kính của mái đình, giếng nước, sân đền. Những di tích, những danh nhân trên “miền đất học” đã để lại trong lòng người bao cảm xúc tự hào, ngưỡng mộ về truyền thống văn hoá - lịch sử của một vùng quê.
Huy Thư