Biển Đông trở thành tâm điểm trong Đối thoại Shangri-La 2015

02/06/2015 08:21

(Baonghean) - Ngày 29/5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) 14 đã chính thức khai mạc. Những câu hỏi mới đặt ra tại Hội nghị về vấn đề chủ quyền biển đảo trên Thái Bình Dương hay khủng hoảng di dân tại Đông Nam Á đang thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, xin Thiếu tướng cho biết những khác biệt giữa bối cảnh an ninh - chính trị quốc tế và khu vực mà Đối thoại Shangri-La 2015 lần này diễn ra so với Đối thoại năm 2014 hay 2013?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mỗi năm, Đối thoại Shangri-La lại có một chủ đề, điểm nóng tuỳ thuộc vào bối cảnh quốc tế và khu vực khi đó. Ví dụ như năm 2013, chủ đề đối thoại là “Xây dựng lòng tin chiến lược”, trong bối cảnh mối quan hệ của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực khi đó chưa thực sự được tạo dựng dựa trên nền tảng của sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau. Còn năm 2014, sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam lại là điểm nóng của Hội nghị. Năm nay, có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, Biển Đông tiếp tục nóng lên với hành động cải tạo các đảo đá ngầm của Trung Quốc và phản ứng ngày càng mạnh mẽ của dư luận quốc tế.

Thứ hai, tương quan các mối quan hệ giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực có nhiều thay đổi so với năm 2014. Do “mắc kẹt” với cuộc khủng hoảng Ukraina và mối quan hệ đổ vỡ với Nga; cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố hồi giáo tại Trung Đông mà vai trò, sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 chưa thực sự rõ nét. Vậy thì bước sang năm 2015, việc cải thiện mối quan hệ với Nga giúp Mỹ dần quay trở lại với chiến lược xoay trục về châu Á và tăng cường vai trò trong khu vực này.

Không thể không nhắc đến Nhật Bản, một cường quốc của khu vực và thế giới. Mới đây nhất, dự thảo điều chỉnh Hiến pháp Hoà bình cho phép Nhật Bản chủ động tham chiến ở ngoài lãnh thổ Nhật được trình lên Quốc hội nước này, mở ra khả năng về những thay đổi quan trọng trong tình hình an ninh - chính trị khu vực. Đồng thời, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tích cực “dệt” mạng lưới quan hệ đối tác với các quốc gia khắp các châu lục như Mỹ, Ấn Độ, Australia,…Đặc biệt, mối quan hệ đồng minh giữa Nhật và Mỹ được nâng lên một tầm cao mới, tạo thế đối trọng mới với các sức mạnh trong khu vực và trên thế giới.

Tóm lại, có thể nói bối cảnh an ninh - chính trị năm nay có sự đảo chiều: phía Đại Tây Dương dịu đi còn phía Đông Thái Bình Dương thì nóng lên. Điểm khác biệt này dẫn đến việc xuất hiện những chủ đề thảo luận mới tại Đối thoại.

Phóng viên: Những chủ đề mới đó là gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên, chủ đề chung của Hội nghị lần này là về cấu trúc an ninh khu vực. Trong đó, tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến biển Đông và nhận định việc sớm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông cũng như xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC là nhiệm vụ cấp thiết của các nước ASEAN và Trung Quốc. Ông cũng khẳng định rằng cấu trúc an ninh khu vực ổn định là cần thiết không chỉ cho các quốc gia đang dính dáng đến tranh chấp mà cho cả châu Á nói chung.

Có nghĩa là nôm na mà nói thì tâm điểm của Hội nghị lần này chính là Bắc Kinh với những hành động ngày càng phi lý trên Biển Đông, như cải tạo các đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự, mưu đồ bao chiếm, kiểm soát một vùng không phận và lãnh hải khu vực.

Bên cạnh đó, nổi lên một chủ đề mới khác là nạn di cư bất hợp pháp tại các quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là một sự kiện có tính thời sự cao và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bản chất của hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau và so về “độ nóng” thì vấn đề Biển Đông vẫn “nóng” hơn, được bàn luận nhiều hơn.

Phóng viên: Thiếu tướng có thế nói rõ hơn về nội dung, ý kiến thảo luận của các quốc gia tham dự Đối thoại về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc được không ạ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như tôi từng nói, cộng đồng quốc tế đang ngày càng phản ứng mạnh mẽ với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và cuộc Đối thoại lần này chính là một diễn đàn, một cơ hội để họ nói lên suy nghĩ, thể hiện thái độ của mình.

Về phần Mỹ, quan điểm phản đối các hành vi bất tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông của Bắc Kinh tiếp tục được giữ vững. Ông Carter - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh cáo chính quyền Bắc Kinh nên “ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn” các hoạt động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và rằng Mỹ sẵn sàng can thiệp để bảo đảm quyền tự do đi lại hàng hải và hàng không đúng theo quy định của luật pháp quốc tế. “Tàu chiến và máy bay của Mỹ hoàn toàn có thể hoạt động ở Biển Đông như bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép và Mỹ vẫn đang tiến hành”, ông Carter tuyên bố.

Quan điểm trên nhận được sự đồng tình cao của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước như Australia, Nhật Bản. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani còn gọi các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông là phi pháp, là mối đe doạ trực tiếp đến hoà bình, an ninh khu vực và kêu gọi các quốc gia hành xử có trách nhiệm, tham gia vào duy trì trật tự an ninh khu vực. Tất nhiên, Bắc Kinh là cái đích chủ yếu mà ông nhắm đến.

Đó là một số phản ứng của các nước lớn tham dự Đối thoại lần này. Còn cộng đồng ASEAN thì tất nhiên đều giữ vững chủ trương giải quyết tranh chấp trong hoà bình, đối thoại và hành xử có trách nhiệm từ tất cả các bên liên quan. Không mạnh mẽ và trực diện như Mỹ hay Nhật Bản nhưng đó cũng là một cách thể hiện thái độ đủ rõ ràng và thừa tế nhị.

Phóng viên: Trước “làn sóng” ý kiến phản đối như vậy, đại diện Trung Quốc tham gia Đối thoại đã có phản ứng như thế nào thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm nay, người được Trung Quốc cử đến tham dự Đối thoại Shangri-La là Đô đốc Tô Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Vẫn với giọng điệu thường trực của Bắc Kinh, ông Tô tuyên bố những cáo buộc của cộng đồng quốc tế là không đúng đắn. Ông này còn nhấn mạnh rằng: “Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông là nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng của Bắc Kinh”. Đồng thời, trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc khẳng định luôn quan tâm đến việc bảo đảm an ninh hàng hải và rằng tình hình trên Biển Đông vẫn hoà bình, ổn định, chưa bao giờ xảy ra vấn đề liên quan đến an ninh hay tự do hàng hải.

Đối với việc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo ngầm, luận điệu mà ông Tô đưa ra là để “phục vụ cho việc tìm kiếm và cứu nạn trên biển, ngăn chặn và khắc phục hậu quả thiên tai, nghiên cứu khoa học hàng hải, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường và phục vụ hoạt động đánh bắt cá”.

Những luận điệu mơ hồ, vô căn cứ nói trên đã ngay lập tức nhận được sự phản ứng của các đại biểu dự Đối thoại thông qua hơn 10 câu hỏi chất vấn. Nhưng câu trả lời của ông Tô Kiến Quốc có thể nói là hết sức gây thất vọng. Ngoài việc đọc một bài phát biểu được chuẩn bị từ trước thì ông này không hề trả lời thoả đáng và trực tiếp bất kỳ câu hỏi nào trong số 15 câu hỏi nói trên.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, sau Đối thoại Shangri-La, cộng đồng quốc tế liệu có tiếp tục phản ứng và đó là những hành động cụ thể nào để phản đối cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục phản ứng với 2 điều kiện: Thứ nhất là Trung Quốc tiếp tục các hành động phi lý trên Biển Đông đe doạ đến hoà bình, an ninh khu vực và thứ hai là Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải đáp thích đáng và những căn cứ pháp lý có sức thuyết phục để biện chứng cho hành động của mình.

Theo ý kiến của Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain - mà tôi hết sức đồng tình, là cần phải đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra trước Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và tại đó, cộng đồng quốc tế và khu vực phải đồng lòng, kiên quyết đấu tranh.

Còn tổng kết Đối thoại Shangri-La 2015 thì tôi xin khẳng định rằng đây là một thất bại cực kỳ lớn của Trung Quốc, vì thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm và thiếu thiện chí lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng. Đó là những ấn tượng không mấy tốt đẹp mà không quốc gia nào muốn để lại trong mắt cộng đồng quốc tế, ngay cả khi đó là quốc gia tỷ dân với sức mạnh đáng gờm đi chăng nữa.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Thục Anh (Thực hiện)