Nỗ lực cứu mạ và lúa vụ hè thu

06/06/2015 14:49

(Baonghean) - Đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài làm cho sản xuất lúa hè thu trên địa bàn toàn tỉnh gần như bị đình trệ. Hầu hết các huyện vùng cuối nguồn, vùng trũng, mạ đang có nguy cơ chết cháy, số diện tích đã gieo cấy cũng có nguy cơ không giữ được nước.

Về huyện Hưng Nguyên khi cán bộ phòng Nông nghiệp, thủy lợi Nam và nhân dân đang ngày đêm bám trụ trên đồng chắt từng giọt nước, cố bơm vét ngăn dòng điều tiết nước cứu mạ. Ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng Ban Nông nghiệp xã Hưng Thắng cho biết: “Toàn xã có hơn 90 ha mạ đang thiếu nước trầm trọng. Hơn 1 tuần nay xã đã cố gắng đến mức cao nhất huy động máy bơm từ kênh 9B Hưng Mỹ để điều tiết nước tưới. Nhưng nguồn nước ở đây không đủ công suất lẫn lưu lượng để chống hạn cho vài ha chứ đừng nói đến hàng chục ha đang khát nước thế này”.

Cũng theo ông Hiền, một số hộ dân đã có nhiều cách chủ động để cứu mạ, tuy nhiên những nguồn nước cục bộ từ ao hồ không thể đáp ứng được lượng mạ đang có nguy cơ chết cháy. Có khả năng 60 ha mạ vùng đồng Chăm chưa bơm được nước tưới sẽ bị khô cháy vì trời quá nắng nóng.

Tăng cường năng lực các trạm bơm vùng cuối nguồn  thuộc huyện Hưng Nguyên.
Tăng cường năng lực các trạm bơm vùng cuối nguồn thuộc huyện Hưng Nguyên.

Một số địa bàn khác như xã Hưng Châu, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Tây có 2/3 diện tích mạ bị héo úa do thiếu nước. Các xã này bên cạnh khô hạn còn phải đối mặt với tình trạng nhiễm mặn do triều cường lên xuống không ổn định. Ông Phạm Văn Linh, cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Nam cho biết: “Hiện tại Trạm ba ra Bến Thủy lượng nước dự trữ mực nước đã xuống 0,1 trong khi ở mức 0,5 đã được xem là mực nước chết, thế nhưng bơm được tí nào là chúng tôi điều tiết cho các xã Hưng Châu, Hưng Phúc đang thiếu nước trầm trọng. Chúng tôi cũng đang nỗ lực bơm nước cho xã Hưng Lợi để tưới cho 100 ha mạ…”. Hiện tại trên địa bàn huyện các xã vùng ngoài như: Hưng Tây mới chỉ có 150 ha/750 ha có nước; Hưng Yên Nam 80 ha/225 ha; Hưng Yên Bắc 60 ha/260 ha; Hưng Trung 200 ha/420 ha có nước.

Ngày 27/5, UBND huyện Hưng Nguyên đã có công văn khẩn chỉ đạo các xã thực hiện lịch bơm luân phiên. Tuy nhiên, đến ngày 28/5, toàn bộ hệ thống kênh dẫn vào các trạm bơm đều ở mực nước chết, phải ngừng hoạt động. Ông Hoàng Đức Ân, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Các xã Hưng Tiến, Hưng Thắng, Hưng Châu, Hưng Lợi được bơm chuyền từ trạm bơm cũ của HTX Hưng Xuân (3.000 m3/h), tuy nhiên, mỗi ngày chỉ bơm được 12 - 15 giờ. Riêng Trạm bơm cầu Hưng Xuân mặc dù luôn có đủ nguồn nước, nhưng hiệu quả không cao. Bơm 3 máy công suất 3.000 m3/h, song lượng nước ra đầu bể xả chỉ đạt khoảng 600 - 700 m3/h. Như vậy tính đến ngày 2/6, toàn huyện còn hơn 75 % diện tích chưa có nước để sản xuất…

Cùng tình trạng đó, các xã thuộc vùng bãi huyện Nam Đàn hiện không thể làm đất để sản xuất theo kế hoạch. Toàn huyện mới chỉ gieo cấy được 1.392 ha/6.100 ha, mỗi xã trung bình có tới 300 ha thì mới chỉ gieo cấy được 50 - 70 ha. Ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Đến 20/6 là hạn cuối cùng, nếu có nước chúng tôi sẽ tổ chức gieo thẳng với giống lúa thuần chủng V6 ngắn ngày cho năng suất cao. Mặc dù gieo thẳng không phải là giải pháp được khuyến cáo…”.

Còn tại địa bàn huyện Nghi Lộc, diện tích lúa hè thu theo kế hoạch đề ra tối đa 2.600 ha, thấp hơn vụ hè thu năm 2014 là 200 ha. Tuy nhiên, hạn hán, nhiễm mặn kéo dài, vượt quá khả năng chỉ đạo chống hạn của huyện nên đến thời điểm hiện nay, toàn huyện chỉ gieo trồng được 1.800/2.600 ha. Trong khi đó, nếu nắng nóng còn kéo dài thì khả năng chống hạn cho 1.800 ha lúa đã gieo cấy cũng rất khó khăn. Do Nghi Lộc là địa bàn cuối nguồn của hệ thống Nam - Hưng - Nghi, nhưng nằm ở đầu nguồn nhiễm mặn qua Trạm Ba ra Nghi Quang. Nguồn nước ngọt cấp cho toàn bộ hệ thống trạm bơm của huyện phụ thuộc vào điều tiết nước ngọt qua cống Nam Đàn chảy vào kênh Gai, phụ thuộc nhiều đến mức độ bơm của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thành phố Vinh. Toàn huyện có 58 trạm bơm và 40 hồ, đập nhưng đang cạn kiệt dần và tình trạng nhiễm mặn ngày càng nặng nề.

Hiện tại xã Nghi Văn có 600 ha diện tích hai lúa không thể sản xuất vụ hè thu do các hồ đập, sông suối đã cạn kiệt hoàn toàn, sau khi tổ chức ngăn sông Cấm thì 670 ha đất hai lúa các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Thiết cũng không thể sản xuất do nhiễm mặn .

Tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, cũng ở trong tình trạng khô hạn nặng nề. Điển hình như Diễn Châu có 7.000 ha lúa và đã gieo cấy được 75%. Đến ngày 5/6, Diễn Châu vẫn còn gần 1.000 ha chưa được cấy, tập trung ở 10 xã vùng cuối kênh và vùng cao cưỡng. Bên cạnh đó, có khoảng 200 ha lúa mới cấy cũng đã bắt đầu khô nước. Mực nước sông Bùng chưa năm nào thấp như hiện nay, chỉ còn từ 140 - 150cm, nên nguy cơ xâm nhập mặn rất cao. Bên cạnh đó nhiều đoạn của kênh Nhà Lê đã trơ đáy nên 30/70 trạm bơm không thể vận hành. Trước thực trạng khó khăn này, cán bộ ngành Nông nghiệp huyện và Xí nghiệp thủy lợi bám đồng ruộng, chỉ đạo quyết liệt việc dồn ép nước đến những vùng khô hạn để bà con cấy, đồng thời hỗ trợ kinh phí để bà con huy động máy dã chiến bơm nước từ các ao hồ, sông Bùng, kênh Nhà Lê vào ruộng…

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 59.000 ha lúa hè thu nhưng chỉ mới gieo cấy được gần 34.000 ha, đạt 57,5%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN & PTNT, hiện nay mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều xuống thấp chỉ đạt 20% dung tích thiết kế. Mực nước sông trong những ngày qua có lúc xuống - 0,4m tại cống Nam Đàn, 9,87m/MNTK-10m tại hồ đập Đô Lương. Do mực nước xuống thấp nên các trạm bơm lấy nước dọc sông Lam thuộc huyện Thanh Chương, Đô Lương không hoạt động được. Hiện chỉ có Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đạt mức gieo cấy trên 75%, còn lại các huyện khác chỉ mới đạt dưới 50%. Một số huyện có tỷ lệ gieo cấy thấp như: Hưng Nguyên, đạt 33,3%; Nam Đàn 39,6%, Thị xã Hoàng Mai chỉ đạt 6,9%. Điển hình một số nơi như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn chưa thể tiến hành gieo cấy.

Tình trạng nắng nóng kéo dài được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khốc liệt, vì thế những diện tích đã gieo cấy được cũng có thể không đảm bảo được tốc độ sinh trưởng. Trước tình hình đó Sở NN & PTNT có công văn yêu cầu các huyện cần phải tập trung rà soát, cân đối lại nguồn nước để bố trí diện tích gieo cấy vụ hè thu phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó cần có kế hoạch tiết kiệm nước, tận dụng mọi nguồn nước để chăm sóc mạ và những diện tích đã gieo cấy. Không gieo thêm ở những diện tích nước tưới chưa đảm bảo. Ông Trương Minh Châu, Trưởng Phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT cho biết: Phương án chỉ đạo của sở là các địa phương bằng mọi cách phải cứu được mạ. Đối với những vùng chạy lụt thì ngay sau khi có mưa dùng mạ già nếu không thì dùng giống cực ngắn, dưới 100 ngày để gieo sạ.

Thanh Nga - Châu Giang

(Đài Diễn Châu)