Những mối lo gần ở công trình thủy lợi ách yếu
(Baonghean) - Việc tu bổ, nâng cấp một số công trình thủy lợi ách yếu phục vụ công tác phòng, chống bão lụt trên địa bàn Nghệ An chậm tiến độ do thủ tục chưa hoàn thiện, thiếu nguồn vốn… là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mất an toàn đối với đời sống người dân vùng ảnh hưởng khi mùa mưa bão đang đến gần.
Việc xả lũ hồ Vực Mấu trong mùa mưa lụt 2013 gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu là một bài học đắt giá khi 286 nhà dân sống xung quanh hồ này bị chìm sâu trong nước từ 1- 2m, một số người dân thiệt mạng; từ đó đặt ra vấn đề quản lý, vận hành xả nước hồ Vực Mấu một cách hợp lý nhằm bảo vệ an toàn đập, vừa có các biện pháp bảo đảm an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực. Nhưng đến nay mối lo vẫn canh cánh...
Thi công kênh dẫn hạ lưu dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh dẫn. |
Quy trình vận hành hồ Vực Mấu và một số hạng mục như phai xử lý sự cố; hệ thống thông tin liên lạc, còi hú… đã và đang từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn cho 286 hộ dân trong vùng lòng hồ chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) cho hay: “Khi mực nước hồ Vực Mấu lên cao trình +22,67m như trong đợt mưa lớn năm 2013, thì có 51 hộ thuộc 3 xóm là xóm 12/9; 19/8; 3/2 bị ngập sâu trong nước nhiều ngày liền, gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa đến tính mạng của người dân. Để các hộ dân này yên tâm ổn định cuộc sống, cần tiến hành di dời, tái định cư.
Tuy nhiên, vấn đề cấp bách đó đến nay vẫn chưa được giải quyết kịp thời. Mùa mưa lụt đang đến gần, trong khi chưa có phương án di dân tại vùng lòng hồ, nếu có mưa lớn như năm 2013, xã vẫn phải di dân tạm thời đến UBND xã, nhà văn hóa, hoặc trường học để bảo đảm an toàn cho người dân”. Cùng với Tân Thắng, thì nhiều hộ dân khác ở trong vùng lòng hồ Vực Mấu thuộc các xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân cũng nguy cơ tương tự khi mực nước hồ lên cao. Theo thống kê, trong đợt mưa lớn năm 2013, xã Quỳnh Thắng có 229 hộ dân ở 6 xóm là 3, 4, 5, 6, 11, 12 bị ngập sâu trong nước. Xã Quỳnh Tân có 8 hộ ở xóm 4 cũng bị ảnh hưởng lớn.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cắm mốc chỉ giới trong lòng hồ Vực Mấu với mực nước dâng bình thường (+21m) và mực nước lũ thiết kế, cao trình (+22,72m), nhưng công việc này tiến hành chậm. Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Để có cơ sở xác định diện tích cụ thể bị ảnh hưởng của từng hộ dân và mức độ ngập lụt, qua đó đề xuất hướng khắc phục, huyện rất cần tỉnh, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc cắm mốc chỉ giới trong lòng hồ Vực Mấu với mức dâng bình thường (+21m) và mực nước lũ thiết kế, cao trình (+22m).
Trên cơ sở có trích đo hiện trạng, huyện có căn cứ phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan rà soát phương án di dân, tái định cư lòng hồ, phương án hỗ trợ hạn chế sản xuất… theo quy định để trình các cấp, ngành xem xét phê duyệt”. Liên quan đến vấn đề triển khai chậm việc cắm mốc chỉ giới lòng hồ Vực Mấu, ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc giải thích: “Vì việc cắm mốc lòng hồ Vực Mấu (dài khoảng 70 km) mất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư lớn, nên hiện nay đơn vị đã hoàn thiện xong hồ sơ và đang trình các sở, ngành liên quan xem xét, giải quyết, sau đó đơn vị mới triển khai”. Công việc cắm mốc chỉ giới trong lòng hồ Vực Mấu là rất cần thiết, nhưng việc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng đến hồ Vực Mấu và cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong mùa mưa lụt năm nay.
Ở dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh có tổng vốn đầu tư hơn 536,7 tỷ đồng, sau 4 năm thực hiện dự án, công trình vẫn không hoàn thành đúng tiến độ. Bộ NN&PTNT đã gia hạn thời gian thực hiện công trình quan trọng này đến ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Gói thầu xây dựng cầu qua kênh trên Quốc lộ 46 (gói thầu số 2), nhà thầu thi công là liên doanh Công ty CP 757 và Công ty CP XDCT&TM 747 thực hiện, nhưng năng lực của đơn vị thi công thực tế là “có vấn đề”; tổng giá trị khối lượng thi công mới đạt 9.289 triệu đồng, nhưng ứng vốn lên đến 13.376 triệu đồng, vượt 144% so với khối lượng đã thực hiện. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến rất khó khăn trong việc đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và nhất là hiện lại phải thay đổi nhà thầu.
Ngày 10/4/2015, Bộ NN&PTNT cũng mới phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công gói thầu trên. Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Phần lớn các gói thầu của dự án đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ và hiện nay những khó khăn, vướng mắc tại gói thầu xây dựng cầu qua kênh trên Quốc lộ 46 (số 2); gói thầu xây dựng đường thi công và kênh dẫn hạ lưu (gói thầu số 3) đã cơ bản được giải quyết. Tại gói thầu số 2, Công ty TNHH Hòa Hiệp đã tiếp nhận để thi công và gói thầu số 3, hồ sơ điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công đã phê duyệt, nhưng dự toán chưa được phê duyệt vì vượt tổng mức đầu tư”. Còn ông Phạm Đức Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho hay: “Trong quá trình thi công tuyến kênh dẫn hạ du dài hơn 1,2 km, đơn vị gặp khó khăn về vấn đề tìm địa điểm đổ đất với khối lượng lớn khi tiến hành nạo vét đất làm kênh dẫn. Vấn đề này không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành theo đúng tiến độ đã gia hạn của Bộ NN&PTNT”.
Thời gian qua, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các tổ chức quốc tế nên tại một số đơn vị, địa phương đã và đang triển khai tu sửa, nâng cấp một số công trình hồ đập, ách yếu. Tính đến nay, huyện Quỳnh Lưu có 100 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, tập trung trên địa bàn các xã miền núi như Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân, Tân Sơn, Quỳnh Tam, Ngọc Sơn… Ngoài những công trình quy mô nhỏ huyện chủ động kinh phí khắc phục hư hỏng sau mưa bão, thì đối với những công trình lớn trong 2 năm qua (2014, 2015) được sự quan tâm của UBND tỉnh ưu tiên kinh phí để Quỳnh Lưu sửa chữa hàng chục công trình với hàng trăm tỷ đồng.
Riêng năm 2015, UBND tỉnh đã đầu tư 92 tỷ đồng để khắc phục, tu sửa nâng cấp 6 hồ đập lớn trên địa bàn huyện như đập Bà Tùy (Quỳnh Tân), đập Vũng Đá (Quỳnh Thắng), đập Hóc Mét, hồ 3/2 (Tân Sơn), hồ Khe Thần (Quỳnh Tam)… Và, khi có sự giám sát, quản lý chặt chẽ của UBND huyện cùng với tinh thần trách nhiệm của các nhà thầu, các công trình hồ đập nói trên đều đảm bảo chất lượng và tiến độ, dự kiến có thể đưa vào tích nước trong mùa mưa tới nhằm phục vụ tưới cho lúa hè thu - mùa năm 2015 và đảm bảo nước sản xuất chống hạn vụ xuân năm 2016...
Như vậy, hiện nay việc đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập ở tỉnh ta là rất cần thiết, nhất là vào mùa mưa bão. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nguồn vốn; ví như Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc hiện nay đang quản lý 17 hồ chứa, trong đó 11 hồ đã được nâng cấp và hiện nay có 2 hồ (là Bà Tùy - Quỳnh Lưu và Nhà Trò - Yên Thành) đang thi công, thì vẫn còn 4 hồ đập cần gấp rút được đầu tư nâng cấp, sửa chữa bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão nhưng đang khó khăn về vốn...
Hoàng Vĩnh