Cần phối hợp trong phát hiện điều trị trẻ tự kỷ

09/07/2015 17:13

(Baonghean.vn) - Nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh và giáo viên mầm non nhằm phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ là một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại hội thảo “Một số giải pháp phòng, điều trị bệnh tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi ở Nghệ An” do Bệnh viện Sản - Nhi tổ chức chiều ngày 9/7 tại thành phố Vinh.

Theo điều tra do Bệnh viện Sản - Nhi và Đại học Y Khoa Vinh phối hợp tổ chức, số trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi tại Nghệ An là 1,57%, tương đương với 1/64 trẻ. Con số này có xu hướng tăng lên hằng năm. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc chứng tự kỷ: tuổi mẹ lúc sinh con, nhiễm độc thai nghén, trẻ đẻ non, sự can thiệp sản khoa lúc sinh, trẻ bị hội chứng Down…

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Sau khi triển khai đề tài “một số giải pháp phát triển, điều trị dự phòng tự kỷ ở trẻ em” giai đoạn 1 từ tháng 6/2011 – 12/2013, bệnh viện Sản – Nhi phối hợp với Trường Đại học Y khoa Vinh đã tiến hành triển khai giai đoạn 2 của đề tài ; với những giải pháp phát hiện, điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi. Nhóm nghiên cứu đã tập huấn cho 400 giáo viên mầm non ở thành phố Vinh, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu; 70 bác sĩ, điều dưỡng nhi khoa của tất cả các huyện, thành trong tỉnh và 400 sinh viên mầm non, sinh viên đại học Vinh và Đại học Y khoa Vinh về cách phát hiện và cách chăm sóc trẻ tự kỷ. Đồng thời tư vấn cho trên 200 bà mẹ có con mắc bệnh tự kỷ về cách chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ tại nhà.

 Ông Cao Trường Sinh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh, chủ nhiệm đề tài, đề xuất giải pháp, nâng cao hiểu biết của phụ huynh, giáo viên mầm non trong việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ
Ông Cao Trường Sinh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh đề xuất giải pháp: nâng cao hiểu biết của phụ huynh, giáo viên mầm non trong việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ

Bên cạnh công tác truyền thông, nhóm nghiên cứu còn xây dựng mô hình điều trị tự kỷ tại Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Từ năm 2013 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.600 bệnh nhi mắc chứng tự kỷ. Số bệnh nhân khám năm 2015 tăng lên 123% so với năm 2013. Sau khi được can thiệp, điều trị, số trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng tăng lên hằng năm, đạt 74% năm 2015. Trong đó có 10% trẻ cải thiện hoàn toàn, hoà nhập bình thường cộng đồng.

Đại biểu đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các giảp pháp ứng dụng đề tài vào thực tiễn phòng, điều trị tự kỷ ở trẻ
Đại biểu đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các giảp pháp ứng dụng đề tài vào thực tiễn phòng, điều trị tự kỷ ở trẻ

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp để ứng dụng đề tài vào thực tiễn, nhằm phòng và điều trị trẻ tự kỷ một cách có hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh về bệnh tự kỷ ở trẻ và phát hiện, can thiệp sớm cho con mình. Cùng với đó, các cấp, ngành cần đào tạo, nâng cao kiến thức cho các giáo viên tại các trường mầm non, các bác sỹ điều dưỡng tại bệnh viện huyện về cách phát hiện, dự phòng bệnh theo chương trình phù hợp.

Từ hiệu quả của mô hình điều trị trẻ tự kỷ tại bệnh viện Sản Nhi có thể nhân rộng các đơn vị khám, phát hiện, tư vấn điều trị tự kỷ ở các huyện, thành phố; giúp các em có cơ hội hoà nhập cộng đồng, nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./.

Đinh Nguyệt – Minh Thuý

TIN LIÊN QUAN