Huyền Như thừa nhận bỏ tiền túi trả lãi ngoài hợp đồng cho Navibank

23/12/2014 15:25

Khai tại tòa, Huyền Như thừa nhận lãi suất ngoài hợp đồng, Như nhờ bị cáo Trần Thị Tố Quyên giao cho cựu Trưởng phòng nguồn vốn Navibank.

Sáng 23/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Theo công bố của chủ tọa Quảng Đức Tuyên, tòa sẽ xem xét kháng cáo của các đương sự liên quan trong vụ án này.

Mở đầu phiên tòa sáng nay, tòa xem xét kháng cáo của bà Vũ Thị Kim Thịnh (SN 1982, trú tại TP HCM). Theo kháng cáo, bà Thịnh yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét việc trả lại căn nhà ơ khu chung cư Orient Apartment (quận 4, TP HCM).

Bị cáo Huyền Như tại phiền tòa phúc thẩm

TIN LIÊN QUAN

Theo bán án sơ thẩm, căn nhà ở khu chung cư này là 1/12 bất động sản của Huyền Như bị tòa sơ thẩm ra quyết định phong tỏa để đảm bảo công tác thi hành án.

Tại tòa, bà Thịnh cho hay, căn nhà này Như mua với giá 2,6 tỷ đồng, tính thêm các khoản phát sinh, Như bán lại cho bà Thịnh số tiền 2,7 tỷ đồng.

Bà Nga cũng cho biết, tài sản này đứng tên Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như. Bà Thịnh mua của Huyền Như từ tháng 9/2010, nhưng đến nay vẫn chưa có quyền sở hữu hợp pháp.

Thẩm vấn bà Thịnh, VKS đặt câu hỏi việc mua bán đứng tên bất động sản này có giấy tờ chứng minh hay không? Bà Thịnh cho biết, việc mua bán không có giấy tờ chứng minh, tuy nhiên nhưng việc chuyển tiền mua căn nhà này được thực hiện qua việc chuyển khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, quan điểm của VKS đưa ra cho rằng, việc chuyển tiền không có nội dung chưa phản ánh lên được sự việc. Bà Thịnh và Huyền Như ngoài quan hệ trong mua bán căn nhà thì theo VKS, giữa hai người này còn có mối quan hệ khác.

Sau thẩm vấn bà Thịnh, tòa tiếp tục xem xét kháng cáo đòi tiền của bị Lê Thị Ngọc Nga và chồng bị cáo Nguyễn Thị Lành – người bị tòa cấp sơ thẩm quy kết tội Cho vay lãi nặng.

Ông Quang – chồng bị cáo Lành đòi lại số tiền 5,9 tỷ đồng trong số tiết kiệm đứng tên ông này đang bị phong tỏa. Ông Quang cho biết, đấy là số tiền lao động của mình. Tại tòa, ông Quang cũng cho biết: “Không hề biết vợ mình hoạt động cho vay lãi nặng”.

Nguyễn Thị Kim Bình (SN 1983, quận Bình Thạnh, TP HCM) kháng cáo số tiền hơn 19 tỷ đồng. Đây là số tài sản bị kê biên của bị cáo Nguyễn Thiên Lý- người bị tòa cấp sơ thẩm quy kết tội danh Cho vay lãi nặng.

Mẹ Huyền Như vắng mặt khi tòa xét kháng cáo đòi biệt thự trị giá 43 tỷ đồng

Sau khi xem xét kháng cáo đòi tài sản của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại vụ án, tòa bắt đầu chuyển sang xem xét kháng cáo đòi biệt thự của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, bà Lang đã không có mặt.

Trước đó, ở những ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã có đề nghị tòa xem xét kháng cáo xin lại căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – Đây là ngôi biệt thự được định giá 43 tỷ đồng.

Nhắc lại thỉnh cầu của mình sáng nay tại tòa, Như tiếp tục nói: Bị cáo không kháng cáo mà chỉ xin lại căn nhà cho mẹ. Theo Huyền Như, đó là tài sản của bà Nguyễn Thị Lang.

Làm rõ kháng cáo đòi biệt thự, chủ tọa hỏi Huyền Như việc tại sao nhà của mẹ mà bị cáo lại bán. Trả lời chủ tọa, Như cho hay, bị cáo không bán mà chỉ thế chấp. “Đã thế chấp sao còn đòi lại”, chủ tọa đặt vấn đề. Trước câu hỏi của chủ tọa, Huyền Như im lặng.

Do bà Nguyễn Thị Lang vắng mặt tại phiên tòa, chủ tọa cho biết sẽ xem xét kháng cáo đòi biệt thự dựa trên đơn kháng cáo.

Tại tòa, vợ của bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương cũng có đơn xin xem xét căn nhà chung của hai vợ chồng. Đại diện của vợ bị cáo Tuấn kể lể hoàn cảnh, việc nếu cơ quan thi hành pháp luật phong tỏa, kê biên ngôi nhà này để thực hiện thi hành án thì gia đình, vợ con của Phạm Anh Tuấn sẽ không còn biết ở đâu.

Sau khi xem xét kháng cáo của các đương sự trong vụ án, HĐXX quyết định quay lại thẩm vấn các bị cáo liên quan đến tội Cho vay lãi nặng.

Vẫn lời than vãn như ngày thẩm vấn hôm qua, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân cho rằng, tòa cấp sơ thẩm quy kết bị cáo thu lợi bất chính số tiền 174 tỷ đồng là không chính xác. Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, Dung cho biết, không nhớ số tiền thu lợi bất chính từ việc cho Huyền Như vay nặng lãi là bao nhiêu

“Vậy như thế nào là không chính xác?”, chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời ông chủ tọa, Dung nói rằng: “Vì bị cáo không có sổ đối chiếu. Những con số này do bị cáo Huyền Như sao kê, ghi chép”.

“Nếu bị cáo có sổ sách thì HĐXX sẵn sàng đối chứng. Bị cáo đã thừa nhận cho Huyền Như vay tiền. Cấp sơ thẩm đã dựa vào đó để xem xét. Nếu bị cáo không có sổ sách thì HĐXX sẽ căn cứ vào tài liệu và hồ sơ”.

Đối với số tiền 150 tỷ đồng cho Huyền Như vay bằng việc thế chấp 7 tài sản, bị cáo Dung cho biết là có giấy ghi nợ. Tuy nhiên chủ tọa khẳng định: Đấy vẫn là tài sản của bị cáo Huyền Như. Hiện những tài sản này đã được kê biên phong tỏa để phục vụ công tác thi hành án.

Ngoài ra, HĐXX còn thẩm vấn bị cáo liên quan đến tội Cho vay lãi nặng nhưng không kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm gồm: Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí.

Tại tòa, trả lời HĐXX về số tiền phải giao nộp từ thu lợi bất chính 150 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc Lành giao nộp.

Đối với việc không có kháng cáo để được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm, Lành cho hay: “Bị cáo nghĩ là số tiền nhiều hay ít thì bị cáo không khắc phục được nên bỏ mặc”.

“Bỏ mặc hay ở đây có gì mờ ám”, chủ tọa nêu vấn đề với Nguyễn Thị Lành.

Theo tài liệu mà VKS công bố tại tòa, số tiền Nguyễn Thị Lành cho Huyền Như vay là hơn 7.800 tỷ đồng. Huyền Như đã trả cho bị cáo cả gốc lẫn lãi là hơn 9.000 tỷ đồng. Tiền thu lợi bất chính là hơn 1.186 tỷ đồng.

“Đương nhiên là bị cáo chấp nhận án sơ thẩm đã tuyên vì số tiền thu lợi bất chính của bị cáo phải sung công quỹ nhà nước quá nhỏ so với thực tế”, VKS khẳng định.

Theo Nguyễn Thị Lành, một số tiền Lành vay của người khác với lãi suất thấp, sau đó cho Huyền Như vay với lãi suất cao.

Navibank chưa cung cấp chứng cứ hợp đồng cho nhân viên vay tiền

Sau giờ nghỉ giải lao, HĐXX quay lại thẩm vấn những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank).

Trả lời HĐXX, ông Đoàn Đăng Luật – cựu Trưởng phòng nguồn vốn Navibank cho biết, về lãi suất huy động vốn thông qua 14 nhân viên của Ngân hàng Navibank, theo thỏa thuận là 14%/năm. Đối với hợp đồng của nhân viên Navibank gửi sang Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lấy lãi, ông Luật cho hay, đó là quyết định của lãnh đạo ngân hàng Navibank.

Đối với số tiền lãi suất ngoài hợp đồng 9,4 tỷ đồng, ông Luật phủ nhận nhận tiền của Huyền Như và cho rằng Võ Anh Tuấn trả khoản tiền ngoài lãi suất cho Ngân hàng Navibank từ hợp đồng huy động vốn.

Đối chất với lời khai, bị cáo Võ Anh Tuấn phủ nhận và cho biết: Lời khai tại tòa của ông Luật không chính xác. “Bị cáo không biết về số lãi suất ngoài hợp đồng”.

Để làm rõ vấn đề này, tòa quay sang thẩm vấn Huyền Như. Theo lời khai của Huyền Như tại tòa, Như thông qua ông Luật để thống nhất hợp đồng. Lãi suất ngoài hợp đồng, Như nhờ bị cáo Trần Thị Tố Quyên giao cho Luật. Số tiền lãi ngoài hợp đồng, Huyền Như tiếp tục khẳng định tại tòa là tiền túi của Huyền Như.

Tại tòa Tố Quyên cũng khai rằng, việc bị cáo này mang tiền giao cho Luật là do Huyền Như chỉ đạo. “Bị cáo không nhớ số tiền bao nhiêu nhưng giao nhiều lần. Tiền này lấy từ Công ty Hoàng Khải – Công ty của Huyền Như. Người giao tiền cho Tố Quyên là Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái Huyền Như. Còn tiền giao cho bị cáo, Hạnh có lưu vào sổ sách”, Tố Quyên cho biết.

Tới đây, ông Đoàn Đăng Luật mới xác nhận, có nhận tiền từ nhân viên Vietinbank. Tuy nhiên, ông Luật cho rằng: “Nhân viên đưa tiền lãi ngoài hợp đồng là do Võ Anh Tuấn cử tới”

Cuối phiên làm việc sáng nay, chủ tọa Quảng Đức Tuyên “đòi nợ” đại diện Ngân hàng Navibank về chứng cứ hợp đồng cho nhân viên vay tiền để rồi đi gửi tiền sang Vietinbank nhằm lấy lãi. Tuy nhiên, vị đại diện của Ngân hàng Navibank cho biết, đang yêu cầu phía ngân hàng cung cấp, do sự việc diễn ra lâu nên tìm kiếm khó khăn.

Để sớm làm rõ vụ việc, tại tòa, chủ tọa cũng công bố luôn bản hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng Navibank ký với các nhân viên. Theo tài liệu này thì: Hợp đồng tín dụng Ngân hàng Navibank ký với nhân viên, với lãi suất 16%/năm. Hợp đồng nhân viên ký với Vietinbank lãi suất là 14%/năm.

Ông Quảng Đức Tuyên tiếp tục quay lại câu hỏi về mục đích việc Ngân hàng Navibank đem tiền cho nhân viên vay để gửi tiền. Vị đại diện Ngân hàng Navibank khẳng định đi gửi tiền nơi khác để hưởng lãi suất.

“Vậy gửi vào Vietinbank với mục đích gì”. Câu hỏi của vị chủ tọa không được đại diện Ngân hàng Navibank trả lời thẳng đúng vấn đề.

Sáng nay, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Ngày mai (24/12), tòa sẽ bắt đầu bước vào phần tranh luận.

Theo VOV