Bài cuối: Người trẻ gìn giữ văn hóa Mông

18/06/2015 21:00

(Baonghean) - Dẫu rằng đời sống kinh tế thị trường và những phương tiện sinh hoạt tân thời đã rất quen thuộc đối với những bản người Mông dù là xa xôi nhất. Thế nhưng đối với cộng đồng này, ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa là điều hiển nhiên chẳng cần phải ai nhắc nhở, kể cả đối với giới trẻ.

Váy Mông ở trường vùng biên

Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện chuyên đề này đang vào cuối năm học. Học sinh vẫn chưa nghỉ hè. Lẽ đương nhiên khi ấy những cô trò người Mông ở trường THCS xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) vẫn Thường xuyên đến lớp. Hôm ấy vào sáng thứ Hai, có buổi chào cờ đầu tuần. Thường thì học sinh phải mặc đồng phục đến trường.

Học sinh người Mông Nậm Càn mặc trang phục cổ truyền trong giờ chào cờ đầu tuần.
Học sinh người Mông Nậm Càn mặc trang phục cổ truyền trong giờ chào cờ đầu tuần.

Thường thì đồng phục học sinh được thiết kế sẵn theo quy định của ngành Giáo dục. Cũng có những trường có mẫu đồng phục riêng. Học sinh trung học phổ thông nhiều nơi ở vùng cao cũng dùng áo xanh dương của đoàn viên thanh niên làm đồng phục. Thế nhưng, không nhiều những trường học dùng trang phục truyền thống như áo dài hay váy Thái… để làm đồng phục học sinh, hoặc mặc khi chào cờ.

Điều khiến chúng tôi thấy thú vị là tại buổi chào cờ buổi sáng hôm ấy, tất cả học sinh nữ ở Trường THCS Nậm Càn đều mặc váy Mông. Dẫu màu váy, kiểu vải không đồng nhất song điều này tạo nên một điều khác lạ và độc đáo so với những trường học ở miền xuôi và ngay cả những trường học của người Thái hay Khơ mú… vùng cao. Những cô trò trường vùng biên này nổi bật như một khóm hóa lớn, nhiều sắc màu bung nở giữa đại ngàn.

Một cô trò lớp 8 ở bản Nậm Khiên cho biết từ khi còn là học sinh tiểu học em đã mặc váy truyền thống đến trường. Ngày thường có thể mặc quần xanh, áo trắng như các bạn miền xuôi hoặc mặc bình thường cũng được, thầy cô cũng chẳng bắt buộc. Còn một thầy giáo có thâm niên gần 10 năm công tác tại địa bàn xã Nậm Càn chia sẻ: Chẳng ai vận động hay hướng dẫn gì, nhưng cứ vào đầu tuần, học sinh nữ đều mặc váy Mông đến trường chào cờ. Đây là điều bình thường của những học sinh Mông ở Nậm Càn và nó đã thành một nếp sống từ nhiều năm nay. Học sinh nữ ở đây không chỉ mặc trang phục truyền thống đến trường vào ngày chào cờ mà còn vào những dịp lễ của thầy, cô và học sinh như khai giảng, bế giảng hay ngày Hiến chương các nhà giáo (20/11) hàng năm.

Nữ sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Na Ngoi cũng có thói quen mặc váy Mông đến trường trong ngày chào cờ hay ngày lễ. Các em làm điều này một cách tự nguyện và chẳng mấy khi thầy, cô phải nhắc nhở. Thầy giáo Lầu Bá Cồ, một giáo viên tiểu học ở Na Ngoi cho biết, sở dĩ học sinh người Mông có ý thức trong việc mặc trang phục truyền thống đến trường trong những dịp long trọng có căn nguyên từ một quan niệm của cộng đồng này.

Trong những dịp quan trọng như đám cưới, đám tang, người Mông thường ăn mặc rất chỉnh tề. Đó là lúc người ta thể hiện sự tôn trọng nhau. Từ xưa đến giờ đã vậy. Hễ bản có việc cưới xin hay ma chay, phụ nữ Mông thường ăn mặc thật đẹp đến giúp việc nấu nướng, bưng bê, phục vụ. Váy hay quần áo của người nào càng lấm lem thì càng cho thấy lòng nhiệt tình đối với gia chủ. Trang phục truyền thống cũng thường xuyên theo những thiếu nữ Mông đến những hội ném pao vào dịp Tết đến, Xuân về.

Điệu khèn và tiếng sáo

Không chỉ có trang phục truyền thống, cũng như chúng tôi đã có dịp đề cập trong một bài viết gần đây, chiếc khèn vẫn là một vật thiêng không thể thiếu đối với cộng đồng người Mông, trong đó có các bạn trẻ. Con trai Mông trừ những người đi học rồi làm cán bộ nhà nước hoặc đi làm ăn xa, còn lại những ai ở nhà làm rẫy, nuôi trâu, bò thường sớm sắm cho mình một vài cây khèn. Trước đó khi mới lên 9, lên 10 con trai Mông đã bắt đầu tập thổi khèn. Cây khèn không chỉ đơn giản là một nhạc cụ, nó còn là là một vật thiêng giúp con người kết nối với thế giới tâm linh. Học thổi khèn cũng như học làm người và học cách kết nối với thế giới tâm linh.

Xồng Bá Dênh là một cán bộ Đoàn khá năng động. Ngoài thời gian bận bịu với công tác Đoàn, về nhà anh còn phải lo chăm nuôi đàn gia súc đông đúc với hàng chục con trâu, bò của gia đình. Dẫu vậy, sau giờ làm việc, thường là khi đêm xuống, Dênh lại ôm khèn ra đường thổi và múa. Có những bài thổi khèn và múa khèn không thể thực hiện trong nhà vì đôi khi nó chỉ dành cho việc tiễn đưa linh hồn người chết. Đã là người thổi khèn Mông thì phải biết cả những bài vui tươi và những bài tiễn đưa linh hồn người chết. Anh cán bộ Đoàn chia sẻ, đã là người Mông thì không thể quên điệu khèn và phong tục, tập quán của cha ông truyền lại. Nhất là đối với những người làm công tác Đoàn mình phải gương mẫu thì đoàn viên thanh niên mới nghe theo. Ngoài chiếc khèn Mông, Xồng Bá Dênh còn có thể chơi một số nhạc cụ khác như sáo Mông và kèn lá. Những nhạc cụ này anh chỉ chơi cho vui thế nhưng cũng có thể biểu diễn khi sinh hoạt văn nghệ.

Trong những chuyến đi vào những bản Mông, một điều sẽ khiến khách phương xa cảm thấy thú vị đó là tiếng nhạc Mông phát ra từ những chiếc loa thùng, đĩa hát hay từ điện thoại di động của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ người Thái không biết hát xuôi, nhuôn, khắp, lăm… và họ cũng cảm thấy xa lạ với những làn điệu dân ca của chính người Thái. Còn với giới trẻ người Mông thì điều này hoàn toàn khác. Hầu như ai cũng thích nghe nhạc truyền thống của người Mông. Hễ rảnh họ lại lên mạng tải về những bài hát, những bộ phim lồng tiếng Mông và thưởng thức một cách say sưa.

Tảo hôn vẫn khá phổ biến

Có thể nói việc gìn giữ văn hóa truyền thống mỗi khi chính chủ thể của nó cảm thấy là một điều tự nhiên thì công tác này sẽ rất hiệu quả. Những thiếu nữ Mông mặc trang phục truyền thống đến trường hay con trai Mông ngay nay vẫn gắn bó với chiếc khèn là một minh chứng rõ ràng nhất. Theo anh cán bộ Đoàn Xồng Bá Dênh thì hàng năm công tác tuyên truyền cho các bạn trẻ gìn giữ văn hóa lối sống truyền thống của cộng đồng vẫn được tổ chức đều đặn và được thực hiện trong các bạn trẻ là khá hiệu quả. Ai cũng nhận thức rõ rằng gìn giữ truyền thống văn hóa là điều quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó cách thiết kế của những trang phục này không còn phù hợp với những sinh hoạt ngày thường nên váy Mông chỉ còn xuất hiện trong những dịp lễ. “Đi trên đường không ai còn nhận ra là con gái Mông hay con gái Thái nữa”, anh Xồng Bá Dênh cho biết.

Có một vấn đề còn tồn tại trong giới trẻ người Mông hiện nay là nạn tảo hôn vẫn khá phổ biến. Chỉ tính riêng ở xã Na Ngoi trong năm 2015 có 11 cặp tảo hôn. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ quan niệm sống cũ xưa của người Mông, sớm lập gia đình cuộc sống sẽ sớm ổn định hơn. Quan niệm này trước nay vốn không phù hợp. Thế nên việc tuyên truyền để xóa bỏ nạn tảo hôn trong giới trẻ người Mông là điều khá cấp thiết.

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN