Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An: 55 năm xây dựng và phát triển
(Baonghean) - Cách đây 55 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), đánh dấu sự ra đời của VKSND - một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, VKSND tỉnh Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 01 ngày 1/1/1961 của Viện trưởng VKSND tối cao. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Nghệ An đã vượt qua mọi gian khó, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Từ những ngày đầu mới thành lập với biết bao thiếu thốn đến hoàn cảnh sơ tán trong chiến tranh, vừa hoạt động xây dựng ngành, vừa góp phần chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ; từ những ngày nhập tỉnh với bộn bề công việc về sắp xếp lại công tác tổ chức, cơ cấu hoạt động đến những ngày tách tỉnh với nhiều thách thức của sự nghiệp đổi mới và yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Sau 15 năm sát nhập (1976 - 1991) tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cũng trong thời gian này, VKSND tỉnh Nghệ An đã thực hiện sự đổi mới, có nhiều biện pháp tích cực, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường pháp chế XHCN trên địa bàn.
Cán bộ ngành Kiểm sát tặng quà mẹ liệt sỹ ở TX. Hoàng Mai nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Ảnh: V.H |
Trên phương diện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (công tác kiểm sát chung), thực hiện việc chỉ đạo thống nhất trong ngành, Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Nghệ An đã tiến hành hàng trăm cuộc kiểm sát vào các ngành kinh tế trọng điểm. Qua công tác kiểm sát, đã phát hiện nhiều vi phạm lớn có tính chất phổ biến, ban ngành nhiều bản kháng nghị, kiến nghị với Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, yêu cầu xử lý bằng biện pháp hình sự, khởi tố dân sự hoặc xử lý hành chính đối với người vi phạm; đặc biệt là ban hành nhiều văn bản báo cáo với cấp ủy để tăng cường việc chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Viện Kiểm sát hai cấp đã ban hành hàng trăm bản kháng nghị, kiến nghị với UBND các cấp, các ngành, có rất nhiều văn bản báo cáo với cấp ủy để tăng cường công tác lãnh đạo; Phát hiện 500 người vi phạm, khởi tố hình sự 43 vụ, 147 bị can, yêu cầu xử lý hành chính hàng trăm người; yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Về công tác hình sự, VKSND hai cấp đã quán triệt chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước; các quy định của BLHS, Bộ luật TTHS; phối hợp với Cơ quan Công an, Tòa án xử lý hàng chục nghìn vụ án hình sự. Tập trung giải quyết các vụ án điểm, trọng án về trị an, an ninh, đấu tranh ngăn chặn làm giảm các loại tội phạm có xu hướng gia tăng như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, các loại tội phạm về ma túy, chống người thi hành công vụ, xâm phạm tài sản. Thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra từ đầu, bằng hoạt động kiểm sát đảm bảo cho việc điều tra toàn diện, khách quan, xử lý đúng người, đúng tội. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cả hai cấp làm đúng, làm đủ và làm tốt chức năng nhiệm vụ của ngành quy định trong Luật tổ chức VKSND; đảm bảo việc bắt tạm giữ, tạm giam đúng quy định pháp luật, không để xảy ra các trường hợp bị oan trong lĩnh vực này; đồng thời tham gia trên 80% vụ án dân sự sơ thẩm mà Tòa án đã xét xử, từ đó có tác động tốt đến việc lập hồ sơ của Tòa án; thường xuyên kiểm sát nơi giam giữ của cơ quan Công an một cách toàn diện...
Năm 2001, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng trọng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức VKSND 2002 quy định VKSND thực hiện chức năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. Cùng với toàn ngành, VKSND tỉnh Nghệ An quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thay đổi phạm vi chức năng, nhiệm vụ, các lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát tỉnh Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong lĩnh vực hình sự, VKSND hai cấp đã có nhiều đổi mới mang tính "đột phá" để thực hiện tốt yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; chú trọng các biện pháp chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để thực hiện hiệu quả công tác kiểm sát tin báo. Lãnh đạo VKSND tỉnh chỉ đạo các đơn vị THQCT, KSĐT đề cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ; thận trọng, kiên quyết trong việc phê chuẩn, không phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng; đảm bảo các quyết định tố tụng của VKSND có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là những vụ phức tạp, kéo dài, các vụ án tham nhũng, các vụ án mà cấp ủy đưa vào diện chỉ đạo. Tăng cường việc xác định các vụ án trọng điểm, án rút gọn để tập trung giải quyết, kịp thời phúc đáp tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương. Phối hợp tốt với Tòa án tổ chức hàng trăm phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động hàng nghìn vụ án nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân. Do vậy, tuy hàng năm thụ lý gần 2.800 vụ án hình sự nhưng chưa để xảy ra trường hợp nào bị oan.
Viện Kiểm sát hai cấp cũng đã chủ động và tăng cường kiểm sát chặt chẽ công tác tạm giữ, tạm giam; công tác thi hành án dân sự, hình sự, qua đó đã kịp thời kiến nghị, kháng nghị vi phạm yêu cầu cơ quan liên quan chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm pháp luật trong các hoạt động này. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động được Viện Kiểm sát hai cấp quan tâm nâng cao chất lượng, đã ra hàng trăm bản kháng nghị được cấp phúc thẩm chấp thuận. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp được triển khai thực hiện tốt.
Luật Tổ chức VKSND được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014 (có hiệu lực thi hành ngày 1/6/2015), VKSND tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên hai cấp tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản và các nhiệm vụ chính trị được thể hiện trong Nghị quyết 37/QH13, Nghị quyết 63/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp; trong đó ngành Kiểm sát Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: công tác tham gia xây dựng thể chế, cải cách hành chính tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực; vai trò, trách nhiệm công tố có nhiều chuyển biến rõ nét; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành có nhiều đổi mới. Đây là những kết quả quan trọng tạo tiền đề để đơn vị có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn kế tiếp.
Tập thể Viện KSND tỉnh tại Đại hội điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015. |
Cùng với việc thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; Ngành Kiểm sát Nghệ An luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo yêu cầu "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật; công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng và Khiêm tốn".
Đến nay, VKSND tỉnh có 21 đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và 13 phòng nghiệp vụ. Tổng số biên chế của toàn ngành là 336 người và 61 trường hợp theo hợp đồng 68; trong đó 100% cán bộ làm nghiệp vụ kiểm sát có trình độ Cử nhân Luật, có 16 thạc sỹ Luật; 45 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Viện Kiểm sát hai cấp có 1 hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ với trụ sở kiên cố, khang trang, kiến trúc hiện đại, các phương tiện trang bị phục vụ công tác và sinh hoạt khá đầy đủ và toàn diện. Chế độ và đời sống của cán bộ ngày càng tiến bộ và cải thiện hơn.
Ngoài ra, VKSND tỉnh Nghệ An cũng là đơn vị đạt được nhiều kết quả vượt bậc ở các hoạt động thông tin, tuyên truyền; công tác tham gia xây dựng pháp luật; việc ứng dụng chỉ số CNTT; một số hoạt động hợp tác quốc tế. Hiện nay, ngành đã có trang tin điện tử riêng trên Cổng TTĐT của UBND tỉnh, mỗi năm có hàng trăm tin, bài và thu hút hàng chục triệu lượt người truy cập; đã hoàn thiện, vận hành tốt hệ thống đường truyền hội nghị trực tuyến tại VKSND tỉnh tới 21 điểm cầu của 21 đơn vị cấp huyện nhằm đưa công nghệ thông tin tham gia ngày một sâu hơn vào công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND hai cấp. Đồng thời, theo nhiệm vụ phân cấp, VKSND Nghệ An đã tham gia ký nhiều Biên bản ghi nhớ với VKSND tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào) về hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới hai tỉnh và tổ chức thành công "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012" tại Nghệ An.
Với những cố gắng và thành tích đạt được trong 55 xây dựng và trưởng thành, VKSND tỉnh Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước và ngành KSND tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: năm 2002 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; từ 2003 - 2014 liên tục 12 năm, VKSND tỉnh được công nhận "Tập thể lao động xuất sắc", trong đó có 4 lần được tặng Cờ thi đua của ngành KSND, 3 lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và thật vinh dự, tự hào khi năm 2015, đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ngoài các danh hiệu trên, có nhiều tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu cao quý khác của Thủ tướng Chính Phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, của UBND tỉnh...
Tăng Ngọc Tuấn
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh